Cơ hội đầu tư và chiến lược kinh doanh tại Hoa Kỳ
(Tài chính) Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi được ký kết hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta đầu tư và kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những thách thức đòi hỏi phải có giải pháp và chiến lược kinh doanh tại Hoa Kỳ cụ thể và chặt chẽ.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 34,94 tỷ USD, chiếm hơn 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Theo đó, Hoa Kỳ nhập khẩu từ nước ta gần 30,6 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2013.
Trong đó, dệt may chiếm gần 34,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, bằng 46,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của ngành da giày nước ta đạt 3,55 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm 2013.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ta xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ vẫn chủ yếu thông qua các nhà buôn, nhà bán lẻ của các quốc gia khác. Điều này đã làm cho chính doanh nghiệp trong nước không chủ động trong việc làm chủ thị trường cũng như tiếp cận khách hàng và những ý kiến phản hồi từ phía khách hàng....
Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức khó lường đối với các doanh nghiệp nước ta khi tham gia đầu tư và kinh doanh tại Hoa Kỳ, đó là, tiêu chuẩn lao động và môi trường, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ cũng như các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội Trần Anh Vương cho rằng, rào cản đối với doanh nghiệp nước ta khi tham gia TPP không phải từ các quy định hay kỹ thuật mà là doanh nghiệp nước ta quá nhỏ so với các doanh nghiệp nước bạn, do đó sẽ yếu thế trong cạnh tranh. Đặc biệt, TPP quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ nguyên liệu để được hưởng thuế suất ưu đãi, những mặt hàng lâu nay nước ta nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ khó tìm nguồn nguyên liệu thay thế.
Để khắc phục những thách thức và hạn chế khi tham gia đầu tư và kinh doanh tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước cần hoàn thiện hệ thống tư pháp, nâng cao năng lực của đội ngũ luật sư để dần hạn chế các vướng mắc pháp lý gặp phải trong kinh doanh ở nước ngoài. Ngoài ra, việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước cần được đặt ra nhằm loại bỏ những cạnh tranh thiếu công bằng giữa khu vực nhà nước và tư nhân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình một hành lang chiến lược khoa học, bài bản và dài hạn. Các doanh nghiệp cần có bước chuyển giao công nghệ cho nhau nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp đầu vào, khẳng định không có xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất chủ động về nguồn hàng và phát triển công nghiệp nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, để tiếp cận khách hàng được tốt hơn, cũng như tránh bị ép giá khi tham gia mua, bán, trao đổi hàng hóa thông qua nhà buôn của các nước khác, doanh nghiệp nước ta cần chủ động tạo kênh mua bán, đại lý phân phối chính thức tại thị trường Hoa Kỳ.
Có thể khẳng định, TPP sẽ tạo những cơ hội, thuận lợi khi gia nhập thị trường khó tính Hoa Kỳ. Nhưng cạnh tranh cũng rất bình đẳng. Để tham gia vào thị trường này, doanh nghiệp trong nước cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời, phải liên kết với doanh nghiệp Hoa Kỳ hoặc đầu tư thẳng vào các dự án của doanh nghiệp Hoa Kỳ.