Cơ hội nào cho các chủ nợ khủng của Vinalines?

Trọng Hiếu

(Tài chính) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang trình Chính phủ 2 đề án, đó là Đề án tái cơ cấu tài chính Công ty mẹ thông qua DATC và Đề án điều chỉnh Quyết định 276 về tỷ lệ bán cổ phần ra bên ngoài.

Cuối tháng 12 tới, Vinalines sẽ trình phương án cổ phần hóa, dự kiến IPO trong quý I/2015
Cuối tháng 12 tới, Vinalines sẽ trình phương án cổ phần hóa, dự kiến IPO trong quý I/2015
Nếu các đề án này được thông qua, không những Vinalines có khả năng tái cơ cấu thành công, mà ngay cả các ngân hàng chủ nợ cũng có cơ hội xử lý dứt điểm những khoản nợ xấu đang treo như mớ bòng bong.
 
Hướng mới xử lý tài chính
 
Do thị trường vận tải biển mấy năm qua tiếp tục suy trầm và những khó khăn nội tại từ DN này, tính đến thời điểm 30/9/2014, tổng dư nợ của Công ty mẹ Vinalines đã lên đến 11.421 tỷ đồng. Tổng giám đốc Vinalines, ông Lê Anh Sơn cho biết, đến thời điểm này, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn đảm bảo. Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 12 tới, Tổng công ty sẽ trình phương án cổ phần hóa. Sau khi được phê duyệt phương án, Vinalines sẽ triển khai các thủ tục để có thể tiến hành IPO vào cuối quý I/2015. Tuy nhiên, theo ông Sơn, tái cơ cấu tài chính đang là vấn đề quyết định việc phương án cổ phần hóa có được phê duyệt, các vấn đề của Vinalines có được xử lý triệt để hay không?
 
Hiện tại, Vinalines đã hoàn thành cổ phần hóa 7/12 DN thành viên được giao, trong đó hoàn thành IPO 6 cảng là: Khuyến Lương, Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng và Công ty TNHH một thành viên Vinalines Nha Trang. Còn các cảng Quảng Ninh, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, Sài Gòn, Cần Thơ, Năm Căn đang hoàn tất thủ tục để chuyển sang mô hình công ty cổ phần trong 1 - 2 tháng tới.
 
Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn trong số tiền 291 tỷ đồng thu được sau IPO các đơn vị thành viên thời gian qua đã bị ngân hàng phong tỏa để khấu trừ nợ trái phiếu. Việc này ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ kinh doanh và nguồn lực của Vinalines - vốn đang rất khó khăn trong tái cơ cấu. Bên cạnh đó, kể cả không bị các ngân hàng cấn nợ thì khi bán vốn nhà nước, các khoản thặng dư có được, Vinalines đều phải chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DNNN tại SCIC.
 
Chính vì vậy, để thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu, ông Lê Anh Sơn đề xuất, cơ quan chức năng sớm giao Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tham gia mua nợ của Tổng công ty tại các tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép Vinalines được giữ lại tiền IPO các cảng biển và công ty mẹ, cho phép DATC được hoán đổi nợ thành vốn góp vào công ty mẹ khi thực hiện IPO.
 
Trao đổi với ĐTCK về các đề xuất trên, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Trưởng ban Tài chính Vinalines cho biết, hiện Vinalines đã có đề án trình lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị giao DATC mua nợ của Vinalines tại các ngân hàng chủ nợ.
 
Đây có thể là giải pháp khả thi, nhưng câu hỏi đặt ra là DATC lấy tiền đâu để mua khoản nợ rất lớn này? Trường hợp của Vinashin trước đây, DATC phải phát hành trái phiếu cho các ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề là phát hành trái phiếu dạng này sẽ làm tăng nợ công, đồng thời trên thực tế, các ngân hàng chủ nợ cũng không mặn mà với trái phiếu nợ.
Chính vì vậy, theo lãnh đạo Vinalines, có ba nguồn tài chính chủ yếu để DATC mua nợ tại Vinalines, đó là thặng dư từ việc cổ phần hóa, IPO các cảng biển xin Chính phủ cho để lại, nguồn thoái vốn các khoản đầu tư trong và ngoài ngành của Vinalines trước đây và bán một số tài sản không hiệu quả, chẳng hạn đội tàu già cỗi.
 
“Đó là cơ hội gần như duy nhất để Vinalines thoát ra khỏi mớ bòng bong nợ xấu hiện nay”, ông Tĩnh nói. 
 
Cơ hội cho các ngân hàng
 
Theo ông Tĩnh, để cơ cấu nợ, Vinalines rất khó đàm phán trực tiếp với các ngân hàng chủ nợ, mà phải qua trung gian DATC, là định chế xử lý nợ của Chính phủ. Các ngân hàng đã trích lập dự phòng cho các khoản nợ này, chấp nhận bán nợ qua DATC để thu một khoản tiền mặt, còn hơn là để một đống nợ không biết bao giờ mới thu được. Kể cả bán nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng chỉ là qua định chế này để đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản, chứ các ngân hàng không thể giải quyết triệt để nợ xấu.
 
“Cơ chế này vừa xử lý rốt ráo các khoản nợ xấu cho ngân hàng, vừa giúp cho Vinalines có cơ hội phục hồi sản xuất - kinh doanh, tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế”, ông Tĩnh nói và cho hay, Vinalines hiện không có khả năng tự mình trả gốc và lãi của các khoản nợ.
 
Đề án tái cơ cấu nợ nói trên thực ra cũng phù hợp với các quy định hiện hành, như quy định về việc các ngân hàng bán nợ xấu cho DATC. Vấn đề là các ngân hàng cần thừa nhận thực tế rằng, nếu cứ treo khoản nợ của Vinalines trong bảng cân đối thì cũng không có cách nào trực tiếp xử lý. 
 
… và các nhà đầu tư
 
Theo lãnh đạo Vinalines, Đề án tái cơ cấu đang được triển khai quyết liệt, những vướng mắc đều được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo xử lý rốt ráo. Tuy nhiên, theo Quyết định 276/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinalines, khi IPO các đơn vị thành viên, chỉ được bán ra bên ngoài 25% vốn điều lệ, 75% vẫn thuộc sở hữu Nhà nước. Hạn chế này cùng với việc TTCK thời gian qua chưa thực sự tạo thuận lợi cho các đợt IPO, khiến tỷ lệ đấu giá thành công cổ phần các cảng biển khá thấp. Chỉ có cảng Quy Nhơn và cảng Khuyến Lương bán thành công toàn bộ phần vốn đem ra đấu giá, còn lại các cảng khác, nhà đầu tư tham gia khá dè dặt.
 
Để có nguồn tài chính cơ cấu nợ, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào HĐQT để thúc đẩy quản trị, tăng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị này, Vinalines đề xuất giảm sở hữu nhà nước xuống tối đa 51%, thậm chí 49%. Đề án này được các bộ, ngành ủng hộ và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.
 
“Trước đây, nhiều DNNN sợ bán vốn ra ngoài quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyền lực, nhưng Vinalines cho rằng, phải có một tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư bên ngoài hợp lý thì mới tác động được vào quản trị, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DN thành viên và tác động lan tỏa đến cả hoạt động quản trị của Công ty mẹ”, ông Tĩnh nói.
Như vậy, tái cơ cấu Vinalines, giải pháp trọng tâm và xuyên suốt vẫn là tái cơ cấu tài chính. Việc bán nợ cho DATC đang được cho là giải pháp khả dĩ cho các ngân hàng chủ nợ nếu muốn xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu đã từng cho Vinalines vay. Một giải pháp nữa mà Vinalines đề xuất là nếu ngân hàng nào không muốn bán nợ thì xem xét góp vốn vào Vinalines khi Công ty mẹ IPO, chuyển nợ thành vốn góp.
 
Sau cuộc họp do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì về tình hình sản xuất - kinh doanh và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinalines ngày 3/9 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Vinalines tăng tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài và được dùng khoản thu từ IPO các đơn vị thành viên để tái cơ cấu nợ. Khi đề án cụ thể về các vấn đề này được thông qua, hy vọng rằng, Đề án tái cơ cấu Vinalines sẽ về đích đúng hẹn.