Cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trình Chính phủ trong quý I/2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Vị trí địa chiến lược quan trọng cùng việc chuyển dịch sản xuất và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang tới cho Việt Nam cơ hội trở thành nhân tố then chốt trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gấp rút đào tạo nguồn nhân lực
Để hiện thực hóa cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp quan trọng này.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 7/8/2023, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp đủ năng lượng cho ngành công nghệ cao, trong đó có khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng kết nối với cảng biển, sân bay… nâng cao sức cạnh tranh, phục vụ cho các doanh nghiệp.
Ngày 1/2/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao; trong đó đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao như cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động; chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao…
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Đề án, trình Chính phủ trong quý I/2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Trước đó, từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) là cơ quan chủ trì dự thảo Đề án tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án.
Các hoạt động được tập trung vào nội dung khảo sát các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn để đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam; khảo sát các viện nghiên cứu, trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam để đánh giá năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; lấy ý kiến chuyên gia về dự báo nhu cầu và khả năng đào tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đang làm việc tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ,…
Nhiều hoạt động hợp tác đầu tư
Để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang tìm kiếm sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Cuối tháng 2/2024, NIC và Công ty Siemens Electronic Design Automation (Siemens EDA) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.
Theo đó, Siemens EDA sẽ tài trợ bộ phần mềm thiết kế chip và bo mạch tiên tiến nhất của Siemens cho Việt Nam thông qua NIC. Bộ giải pháp công nghệ toàn diện của Siemens EDA về thiết kế và sản xuất các loại chip bán dẫn, bo mạch điện tử với sự tham gia mạnh mẽ của AI sẽ giúp các doanh nghiệp thiết kế nhanh hơn các sản phẩm điện tử phức tạp hơn và thông minh hơn.
Giải pháp công nghệ của Siemens EDA tích hợp AI cho phép thiết kế và tạo ra bản sao số của sản phẩm một cách toàn diện, gia tăng hiệu quả và giảm công việc lặp lại. Điều này cũng cung cấp khả năng phân tích và dự đoán, hướng dẫn nhà thiết kế đạt được sự hiểu biết sâu sắc và đưa ra các phương án tối ưu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, NIC Siemens EDA đã trao các phần mềm tài trợ cho các trường đại học tiêu biểu có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Chính phủ đã giao.
Đánh giá cao về chiến lược và các chính sách Chính phủ Việt Nam đang thực hiện để phát triển các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp điện tử bán dẫn, bà Nina Lin, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực ASEAN và Đài Loan (Trung Quốc) của Siemens EDA nhận định, đây là thời điểm quan trọng, là cơ hội to lớn cho sự hợp tác giữa Siemens và Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ tăng tốc đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp cũng như phát triển công tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Liên quan đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, Việt Nam có khoảng 40 trường đại học đang đào tạo các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn, nếu nhu cầu ngành chip bán dẫn tăng lên, sinh viên sẽ chuyển sang quan tâm lĩnh vực này nhiều hơn.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc NIC ký thỏa thuận hợp tác với Siemens EDA và trao bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch bán dẫn của Siemens cho các trường đại học là hoạt động thiết thực.
Việt Nam hiện có ba khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao; đồng thời đã phát triển hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế với hạ tầng, mặt bằng đồng bộ và hiện đại sẵn sàng phục vụ các dự án đầu tư,…