Phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến trình Chính phủ trong quý I năm nay.
Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại buổi làm việc lấy ý kiến dự thảo đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) dự báo, trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu tăng trưởng với mức tăng 2 con số và có thể đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, thị trường bán dẫn Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng đạt khoảng 6,12% giai đoạn 2022 - 2027. Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng trở thành đối tác của nhiều quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực này.
Việt Nam kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lên một tầm cao mới, thay vì gia công như hiện tại. Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển hóa các thành tựu khoa học - công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao. Đây cũng là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để nắm bắt được cơ hội trên, nhân lực ngành vi mạch bán dẫn được xem là yếu tố then chốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn để đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và các viện nghiên cứu, trường đại học để đánh giá năng lực đào tạo nghiên cứu trong lĩnh vực này. Dự báo nhu cầu và khả năng đào tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khảo sát, tham vấn về xu hướng phát triển, nhu cầu tuyển dụng, kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành…
Đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia người Việt Nam trong và ngoài nước đánh giá cao sự cần thiết của đề án để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Từ thực tiễn, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, các doanh nghiệp nhà nước được nhấn mạnh trong hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là các nguồn lực đầu tư của nhà nước, liên kết doanh nghiệp - trường đại học, hợp tác quốc tế trong đào tạo, nhập khẩu các chương trình đào tạo, thu hút nhân tài…
Thời gian qua, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học của các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh trong lĩnh vực bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan... cũng đã góp phần phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Trước mắt, NIC phối hợp với một số cơ sở đào tạo đại học lớn trong và ngoài nước như đại học bang Arizona - đại học công lập lớn nhất của Mỹ và là một trong những đại học tốt nhất thế giới hay đại học Giao thông Dương Minh (Đài Loan), đại học FPT… hình thành các trung tâm đào tạo thiết kế chip, tổ chức các khóa đào tạo… Đây là bước đi ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng tạo tiền đề triển khai các nhiệm vụ của đề án.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung tổng hợp ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện đề án, sớm trình Chính phủ trong quý I/2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm đạt được mục tiêu đề ra. Đó là đến năm 2030, đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị; kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử… Đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.