Thời của những “ông lớn” ngành bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn đang lên ngôi, nhiều công ty trong lĩnh vực này từ châu Á sang châu Mỹ, châu Âu đã đạt được nhiều thành tựu khổng lồ.
Một dòng tiền cực lớn đang đổ vào hệ sinh thái ngành bán dẫn, từ khai thác, tuyển lựa, chế biến khoáng sản đến nghiên cứu phát triển, sản xuất thành con chip, ước tính lên đến gần chục nghìn tỷ USD.
Ngành bán dẫn đã cho thấy vai trò từ thập niên 80 thế kỷ trước, đến nay nhiều quốc gia coi đó là lĩnh vực chiến lược, không ngần ngại vung tiền để đạt được lợi thế cạnh tranh.
Từ lâu, rất nhiều “ông lớn” ngành bán dẫn đã chễm chệ Top đầu trong các bảng xếp hạng doanh nghiệp ăn nên làm ra. Nhưng tầm ảnh hưởng không dừng lại ở đó, nhiều chuyên gia cho rằng, thời của doanh nghiệp bán dẫn mới thực sự bắt đầu.
Lần đầu tiên sau 20 năm, cổ phiếu hãng chip NVIDIA của Mỹ tăng 40%, nâng tổng giá trị vốn hóa thị trường lên 1.715 tỷ USD, chỉ thấp hơn chút ít so với giá trị vốn hóa của Amazon ở mức 1,767 tỷ USD và kém hơn 6% so với giá trị 1,812 nghìn tỷ USD của Alphabet.
Sau khi cổ phiếu của NVIDIA tăng hơn gấp ba lần vào năm 2023, nó đã trở thành công ty có giá trị thứ năm trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Nhà phân tích Joseph Moore của Morgan Stanley dự báo cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ đạt mốc 750USD so với mức 694 USD hiện nay.
So với Amazon và Alphabet, không nhiều người biết đến NVIDIA, ngoại trừ dân công nghệ chuyên nghiệp. Những gì mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp này không “ồn ào” như thương mại điện tử hay dịch vụ tìm kiếm, quảng cáo.
Sở dĩ NVIDIA đạt được mức vốn hóa cao chót vót là bởi nhà đầu tư bỏ tiền ra mua tương lai, chứ không phải tìm kiếm lãi suất hằng ngày. Tương lai ở đây chính là sự độc tôn, độc quyền rất khó học theo của công nghệ nghiên cứu và sản xuất chip - “bộ não” của cách mạng 4.0.
NVIDIA trở thành đối tác hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chạy đua của các công ty công nghệ nhằm xây dựng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản phẩm và dịch vụ của họ. Nhiều công ty trong nhóm Big Tech mua bộ xử lý đồ họa của NVIDIA trị giá hàng tỷ USD. Nhưng không dễ, các nhà phát triển AI phải “xếp hàng” chờ đợi kéo dài hàng tháng để sử dụng bộ xử lý của NVIDIA thông qua các nhà cung cấp điện toán đám mây.
Hệ sinh thái doanh nghiệp vệ tinh ngành bán dẫn, đóng vai trò gia công thành phẩm cũng sở hữu những doanh nghiệp đình đám, như TSMC, Samsung, GlobalFoundries, UMC, SMIC, HuaHong Group,… có doanh thu từ nửa tỷ đến hàng chục tỷ USD mỗi quý.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thế giới phát minh ra mạch tích hợp đầu tiên (1958), nhà báo Saswato R.Das viết: “không có chip thì không có máy nghe nhạc Ipod, không có điện thoại Blackberry, không có laptop và cũng chẳng có trạm vũ trụ quốc tế ISS; không có Apple, Samsung, Nokia, Microsoft, hay Google, cũng không có thung lũng Silicon, không có ngành công nghiệp bán dẫn và cũng không có Internet”.
Chip quan trọng đến mức khiến cho các nước mâu thuẫn, nghi ngờ lẫn nhau, bảo vệ công nghệ chip không khác gì bảo vật quốc gia. Như trường hợp nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan, giá trị của TSMC là động lực mạnh mẽ góp phần bảo vệ hòn đảo này.