Cơ hội phát triển nhân lực số
Tự động hóa trong sản xuất, thương mại điện tử nở rộ… được xem là những cơ hội vàng để Việt Nam thúc đẩy phát triển nhân lực số. Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai quyết liệt; công tác phát triển nhân lực số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt hàng trăm nghìn nhân lực số, chất lượng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số.
Thương mại và sản xuất đều số hóa mạnh mẽ
Báo cáo về tương lai việc làm tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây cho thấy, có hơn 42% việc làm có thể được tự động hóa vào năm 2027.
Báo cáo nhận định trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ lấy đi những phần việc dễ nhất, để lại cho con người tiếp tục đương đầu những công việc khó khăn, yêu cầu nhiều chất xám hơn để duy trì công việc. Những công việc được cho là "an toàn" nhất trước mối đe dọa từ AI là các công việc sẽ yêu cầu nhiều tư duy sáng tạo, sự nhanh nhẹn và khéo léo, khả năng phán đoán chuẩn xác cũng như trí tuệ cảm xúc.
Sự phát triển của AI sẽ buộc lao động phải vận dụng trí óc và năng lực của một con người nhiều hơn và hiệu quả hơn nhiều so với trước kia. Một điểm quan trọng nữa mà người lao động cần hiểu đó là các tác động sâu rộng của AI sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận liên ngành trong gần như mọi công việc. Điều này yêu cầu người đi làm phải đa nhiệm và tham gia nhiều công đoạn trong một chuỗi công việc nào đó chứ không chỉ có duy nhất một chuyên môn.
Đối với lĩnh vực sản xuất, một điểm quan trọng nữa mà người lao động cần hiểu, đó là các tác động sâu rộng của AI sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận liên ngành trong gần như mọi công việc. Do đó, người đi làm phải đa nhiệm vụ và tham gia nhiều công đoạn trong một chuỗi công việc nào đó chứ không chỉ có duy nhất một chuyên môn. Điều này được các chuyên gia WEF giải thích là sẽ không có công việc nào chỉ liên quan tới AI mà không có sự giao thoa, đan xen chặt chẽ với các lĩnh vực khác như tâm lý học, chính sách xã hội, luật pháp hay đạo đức...
Thực tế đó đòi hỏi phải chú trọng đào tạo nhân lực cho nền kinh tế số. Tuy vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn thiếu hụt hàng trăm nghìn nhân lực số. Nhu cầu đến năm 2025 cần tới 700.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi đó, số lượng hiện tại mới chỉ đạt khoảng 530.000 người. Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động cả nước. Tỷ lệ này tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).
Chủ động về kiến thức, kỹ năng và năng lực
Theo FPT Digital, thuộc tập đoàn FPT, trong số sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp hiện nay chỉ có khoảng 30% đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Sự yếu kém về chất lượng chủ yếu ở kiến thức, kỹ năng làm chủ các công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, tự động hóa, blockchain.
Theo các chuyên gia, cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa tư duy số và kỹ năng số, tiếng Anh và các kỹ năng mềm, bảo đảm cho sinh viên ra trường có đầy đủ tư duy logic, đổi mới và sáng tạo, nắm vững kiến thức chuyên môn và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn. Đánh giá kết quả thử nghiệm và nhân rộng mô hình đại học số, giúp hoạt động của các trường đại học linh hoạt hơn.
Thêm vào đó, nâng cao chất lượng hoạt động của nền tảng nhân lực số, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Đồng thời, thu hút các chuyên gia công nghệ giỏi ở nước ngoài làm việc tại Việt Nam thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi, phát triển các mạng lưới kết nối nhân tài, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thương mại điện tử và kinh tế số là xu hướng tất yếu trong kinh tế toàn cầu hiện nay. Đây là cơ hội lớn cho nhân lực ngành thương mại điện tử, nhưng cơ hội chỉ đến với những ai chuẩn bị sẵn hành trang đáp ứng các đòi hỏi của nó.
Theo đó, bước chân vào thị trường lao động giống như một cú nhảy, sinh viên cần tiếp đất một cách nhẹ nhàng thay vì cú sốc đầu đời. Nhân lực nào chủ động về kiến thức, kỹ năng, năng lực để làm chủ được môi trường kinh doanh số sẽ thắng, ngược lại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo (AI). Xu hướng luôn cập nhật, đổi mới của thương mại điện tử và kinh tế số cũng đòi hỏi sự nhạy bén của nguồn nhân lực cũng như doanh nghiệp.