Trí tuệ nhân tạo tác động đến chức năng quản trị nhân lực trong các doanh nghiệp ở Việt Nam
Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mang lại nhiều lợi thế về hiệu quả kinh doanh và các lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo còn chưa cao, cũng chưa chú trọng nhiều đến đổi mới hoạt động quản trị nhân lực (HRM) thông qua việc áp dụng trí tuệ nhân tạo. Do vậy, bài viết với mục tiêu là đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo đến các chức năng của quản trị nhân lực như: hoạch định, tuyển dụng, đào tạo, quản trị tiền lương, quan hệ lao động… và những yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trí tuệ nhân tạo và các chức năngcủa quản trị nhân lực
Trí tuệ nhân tạo (AI) bắt nguồn từ triết học, toán học, tính toán, tâm lý học và khoa học thần kinh (Kumar và Thakur, 2012), đang trở thành xu hướng mới trong cả ngành sản xuất và dịch vụ (Ibarra và cộng sự, 2018; Müller và cộng sự, 2020). AI nhằm mục đích làm cho máy móc suy nghĩ giống con người nhưng vượt qua cách con người làm việc (Misselhorn, 2018). Đó là trang bị cho máy móc khả năng tự thu thập thông tin từ môi trường, sau đó các thông tin sẽ được máy tính phân tích để đưa ra các vấn đề cần được triển khai, các quyết định và các hành động khác khi cần đến lý luận của con người (Von Krogh, 2018).
Tích hợp AI vào quá trình thực hiện công việc nhằm cải thiện hiệu suất thực hiện công việc và khả năng thực thi nhiệm vụ và nó được liên kết với các hệ thống và ứng dụng dựa trên máy tính liên quan đến học máy, điện toán mềm, hệ thống logic mờ, rô-bốt thông minh, thự tế ảo và tăng cường thực tế (Abou-Zahra và cộng sự, 2018).
Chức năng quản trị nhân lực (HRM) của một doanh nghiệp có ý nghĩa lớn trong việc kết hợp hiệu quả AI vào công việc (Lawler và Elliot, 1996; Strohmeier và Piazza, 2015). Việc tích hợp các quy trình quản lý nguồn nhân lực cùng với trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra các lợi ích bổ sung cho tổ chức, chẳng hạn như cải thiện các quyết định quản lý, tuyển dụng nhân viên nhanh hơn và mang lại hiệu quả cao hơn các quy trình trước, học hỏi tốt hơn tại nơi làm việc, sự gắn kết của nhân viên và khả năng giữ chân nhân viên (Samarasinghe và Medis, 2020).
Hoạch định chiến lược nguồn nhân lực
AI tham gia vào chức năng hoạch định nguồn nhân lực sẽ hỗ trợ các nhà quản lý nhân lực trong tiến trình hoạch định và ra quyết định một cách toàn diện hơn (Jia và cộng sự, 2018). Các thông tin từ môi trường toàn cầu, môi trường vĩ mô, môi trường vi mô và thông tin nội bộ doanh nghiệp sẽ được thu thập, xử lý, đánh giá, phân tích và đưa ra dự báo nguồn nhân lực trong kỳ tới.
Chức năng tuyển dụng
Công ty phát triển phần mềm Ideal đã ứng dụng AI để tự động hóa các công việc trong quá trình tuyển dụng nhân sự (Misa, 2023). Quá trình tự động sàng lọc các hồ sơ của ứng viên thông qua ứng dụng AI, điều này sẽ làm hạn chế khả năng thiên vị của con người trong quá trình tuyển chọn ứng viên do việc áp dụng công nghệ sẽ mang tính khách quan cao hơn. Việc ứng dụng AI trong HRM của Công ty Mondal đã giúp cắt giảm được 71% chi phí cho việc tuyển dụng nhân sự và hiệu quả cũng tăng gấp 300% (Denise, 2017).
Đào tạo và phát triển
Cách thức đào tạo truyền thống dần thay đổi khi nó được ứng dụng AI. Sử dụng Robot người hướng dẫn thay thế giáo viên trong quá trình hướng dẫn, giải thích và đánh giá những gì người học đạt được sau buổi học (Lengnick-Hall và cộng sự, 2018). Chẳng hạn, IBM đã dựa trên sự trải nghiệm trong quá khứ để sử dụng thuật toán và Robot tư vấn về các lợi ích mà nhân viên có được từ các chương trình đào tạo mà doanh nghiệp cung cấp (Tambe và cộng sự, 2019)
Quản lý hiệu suất
Thông qua việc áp dụng hệ thống hỗ trợ ra quyết định thông minh, phương pháp đánh giá khoa học có thể được sử dụng tự động và mất ít thời gian hơn (Otley, 1999). Các phương pháp đánh giá được lập trình và đưa vào hệ thống nhằm trợ giúp ra quyết định để đánh giá nhân viên hiệu quả hơn. Ngoài ra AI có thể tham gia vào việc giám sát gian lận hoặc hành động vi phạm của nhân viên nhằm giảm thiếu các rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải.
Quản trị tiền lương
Hệ thống mạng lưới thần kinh và chương trình học máy hỗ trợ xác định mức lương hợp lý đảm bảo sự công bằng cho nhân viên trong doanh nghiệp. AI có thể thiết lập một mô hình tính toán thông thường và tích hợp nhiều nút mạng thần kinh (Richard & Lippmann, 1991). Mạng lưới thần kinh BP sử dụng dữ liệu lớn để thiết kế một hệ thống hỗ trợ quyết định thông minh nhằm hình thành hệ thống đánh giá lương công bằng. AI thu thập và cung cấp thông tin về tiền lương trên thị trường giúp các nhà quản trị đưa ra mức lương hợp lý so với mức lương trên thị trường.
Quan hệ lao động
Sử dụng AI hỗ trợ giải quyết những quy trình phức tạp như lưu trữ, lập kế hoạch, lập báo cáo. Dựa trên dữ liệu đánh giá quá trình đào tạo, hiệu suất công việc và phẩm chất của người lao động, AI sẽ liệt kê các đối tượng thích hợp cho nhà quản trị lựa chọn (Kolah, 2015). AI có thể phân tích, đánh giá công việc, năng lực cũng như mục tiêu của từng nhân viên trong công ty để đưa ra đề xuất các thành viên nào là phù hợp với nhóm, từ đó giúp cho quá trình thực hiện công việc nhóm có được hiệu suất cao hơn (Eubanks, 2019).
Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với quản trị nhân lực trong các doanh nghiệp ở Việt Nam
AI đang ngày một phát triển không ngừng, nó dần thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã coi AI là một ngành chiến lược cần được thực hiện nghiên cứu và quan tâm nhiều hơn nữa. Đối với ngành Công nghiệp AI, trong năm 2018 đã tăng trưởng 70% (tương đương 200 tỷ USD) so với năm 2017. Dự kiến đến năm 2025, giá trị của AI trong ngành công nghiệp sẽ tăng so với năm 2022 là 2 lần.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, hiện nay, đã có hơn 60% doanh nghiệp đang triển khai thử nghiệm AI để thực hiện các một công việc thay thế con người. Những doanh nghiệp thuộc các ngành khác cũng đang bắt đầu nghiêm cứu và triển khai áp dụng AI ở mức độ thăm dò, chỉ có 12% ở mức độ trưởng thành. Doanh thu ở các doanh nghiệp ứng dụng AI này cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh của họ.
Trong báo cáo của tạp chí khoa học Việt Nam (2022) cho thấy, AI sẽ tác động mạnh nhất đến các hoạt động hoạch định nguồn nhân lực. AI sẽ được ứng dụng nhằm hỗ trợ người lao động trong quá trình thực hiện một số công việc nhằm tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao năng suất công việc và tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đến năm 2025, trên thế giới sẽ có 85 triệu việc làm sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng 95 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra nhờ AI. Còn tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực AI rất khan hiếm, mức lương cho một ký sư AI có kinh nghiệm ở Việt Nam trung bình từ 4000$ đến 5000$ một tháng.
Bên cạnh đó, AI đang làm thay đổi phương thức tuyển dụng cũ của các doanh nghiệp sang hình thức tuyển dụng có sự tham gia hỗ trợ của công nghệ.Việc kết hợp này làm giảm bớt áp lực cho nhân viên phòng nhân sự cũng như tăng tính công bằng và khách quan trong việc chọn lựa ra các đối tượng phù hợp cho các vị trí việc làm. Trong báo cáo nghiên cứu của mạng xã hội việc làm LinkedIn, 76 phần trăm nhà tuyển dụng được khảo sát tin rằng, AI sẽ có tác động không nhỏ đến chức năng tuyển dụng. Theo Ideal Corp các công ty ứng dụng AI trong chức năng tuyển dụng đã làm giảm được 35% tỷ lệ nghỉ việc, hiệu suất làm việc của nhân viên tăng 20% và doanh thu tăng 4% trên mỗi nhân viên.
Điển hình tại Công ty IBM ở Việt Nam đã áp dụng AI để giúp nhân viên mới tăng cường trải nghiệm, lên nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của mỗi nhân viên. Kết quả đạt được là 8 trên 10 nhân viên được trang bị những kỹ năng và kiến thức tốt hơn so với 5 năm trước thì chỉ có 3 trên 10 nhân viên. Tỷ lệ nhân viên được cung cấp kiến thức về công việc khi không có AI là 30%, có AI là 80%.
Tại AI Summit (2022), theo Công ty FPT, trong công nghệ cốt lõi của doanh nghiệp có AI, doanh nghiệp đã đưa AI vào quá trình cung cấp các sản phầm và dịch vụ để có thể tạo ra các giải pháp và dịch vụ thông minh vượt trội.
Tập đoàn Vingroup cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu và ứng dụng AI. Họ đã nghiên cứu thành công nền tảng AI đa nhận thức toàn diện VinBigData có thể hỗ trợ các doanh nghiệp ở Việt Nam trong quá trình triển khai áp dụng các giải pháp Big Data cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là nền tảng nhận thức duy nhất hiện nay có thể hỗ trợ trên 100 ngôn ngữ khác nhau ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có tiếp cận trợ lý ảo cho các lĩnh vực kinh doanh của doanh của doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn.
Như vậy, sự phát triển của công nghệ AI đã tác động rất lớn đến môi trường làm việc, phương pháp làm việc, năng suất lao động từ đó tác động đến nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự, yêu cầu kỹ năng đối với người lao động, chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Do đó mà các doanh nghiệp cần có kế hoạch đầu tư dài hạn trong việc áp dụng AI để cải thiện một số chức năng, nhiệm vụ có tính lặp lại như: số hoá văn bản, trợ lý ảo… giúp cho người lao động có một môi trường làm việc tốt hơn, doanh nghiệp ngày một phát triển vững mạnh.
Những yếu tố ảnh hưởng tới áp dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị nhân lực
Tuy AI có nhiều lợi ích đối với HRM, nhưng trong quá trình áp dụng AI vào trong doanh nghiệp sẽ gặp phải một số những khó khăn do các yếu tố môi trường, sự sẵn sàng chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp. Do đó, một số yếu tố mà doanh nghiệp cần quan tâm khi áp dụng AI trong HRM cho doanh nghiệp đó là:
Thứ nhất, các ứng dụng của AI yêu cầu lượng dữ liệu đầu vào rất lớn, do vậy đòi hỏi cần có sự tương thích về kỹ thuật trong quá trình triển khai cho doanh nghiệp. Khả năng tương thích kỹ thuật cao thì việc cài đặt sẽ ít tốn kém và nhanh hơn từ đó dễ dàng được chấp nhận hơn. Các công nghệ mới như AI nếu phù hợp và đóng góp nhiều giá trị cho doanh nghiệp và mang lại hiệu quả kinh doanh cao sẽ có nhiều khả năng được chấp nhận ứng dụng.
Thứ hai, AI là một công nghệ phức tạp và đầu tư kinh phí lớn nên cũng ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp chưa chấp nhận đầu tư cho việc áp dụng AI trong HRM khi chưa thực sự cần thiết. Doanh nghiệp cần có thời gian chuẩn bị kiến thức, kỹ thuật cho việc triển khai áp dung AI. Sự cam kết và hỗ trợ của người quản lý là rất quan trọng đối với việc triển khai áp dụng công nghệ mới. Trong suốt quá trình đổi mới các nhà quản lý cần só sự hỗ trợ liên tục và nhất quán nếu không dự án sẽ khó có thể thành công. Sự sẵn sàng của tổ chức tác động nhiều đến áp dụng AI trong HRM. việc thực hiện áp dụng AI liên quan đến sự sẵn sàng về kỹ thuật của tổ chức và kỹ năng của nguồn nhân lực. Do đó, sự sẵn có của kiến thức chuyên môn về AI, dữ liệu cần thiết để đào tạo nhân viên sử dụng AI và hiểu biết về kỹ thuật sẽ thúc đẩy sự phổ biến của AI.
Thứ ba, chính sách của nhà nước có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới của doanh nghiệp. Chính phủ có thể ban hành các chính sách hỗ trợ hay là các chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng AI. Áp lực cạnh tranh cũng là một trong những yếu tố góp phần khiến doanh nghiệp cần sớm phải đổi mới công nghệ để cải tiến tính năng sản phẩm, chất lượng dịch, tăng khả năng thích nghi với điều kiện biến động của môi trường.
Tài liệu tham khảo:
- Abou-Zahra, S., Brewer, J., & Cooper, M. (2018), Artificial intelligence (AI) for web accessibility: Is conformance evaluation a way forward?, In Proceedings of the 15th International Web for All Conference, 1-4;
- Chui, M., Manyika, J., & Miremadi, M. (2015), Four fundamentals of workplace automation, McKinsey Quarterly, 29(3), 1-9;
- Denise, D. (2017), Machine learning helps large companies hire better, potentially cutting turnover, https://business.financialpost.com/entrepreneur/0508-biz-dd-hr; Eubanks, B. (2022), Artificial intelligence for HR: Use AI to support and develop a successful workforce, Kogan Page Publishers;
- Hamilton, R. H., & Sodeman, W. A. (2020), The questions we ask: Opportunities and challenges for using big data analytics to strategically manage human capital resources, Business Horizons, 63(1), 85–95.