Cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022

Theo Thùy Linh/baochinhphu.vn

Năm 2021, sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, nền kinh tế vẫn có những gam màu sáng với nhiều tín hiệu lạc quan. Điều này sẽ tạo cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, nhất là các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...

Không có cách nào tốt hơn, chúng ta phải thực hiện việc giãn cách phòng, chống dịch rốt ráo trong thời gian dài làm cho nền kinh tế xuống dốc, đặc biệt, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Việc này làm tăng trưởng kinh tế chậm lại. Dự báo, năm nay, mức tăng GDP chỉ vào khoảng 2,5% đến 3%.

Tuy nhiên, điểm sáng của kinh tế đầu tiên phải kể đến xuất nhập khẩu, khi lần đầu tiên chúng ta cán mốc trên 670 tỷ USD, trong đó tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 18%, tăng trưởng nhập khẩu khoảng hơn 27%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng hơn 20%.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư trong nước tăng, kinh tế tư nhân tăng, trong đó đầu tư nhà nước cũng tăng mạnh. Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, khoảng hơn 25 tỷ USD, xấp xỉ con số năm 2020. Con số giải ngân năm 2021 tăng đáng kể, tương đương năm 2021. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư của Việt Nam luôn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt đến 7,5%. Ảnh: VGP/Thùy Linh
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh: Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt đến 7,5%. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Cộng đồng doanh nghiệp năng động và vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước.

Tính đến hết tháng 11/2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp quay trở lại hoạt động khoảng 160.000 doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.

Nguồn thu ngân sách nhà nước tương đối tốt, đến hết tháng 11/2021 đã đạt vượt mức dự toán ngân sách nhà nước đưa ra, so với năm 2020 tăng trưởng 8,9%. Về chi ngân sách, năm 2021 tiết kiệm được chi thường xuyên rất lớn, đặc biệt chi cho hội nghị, hội thảo… từ đó tăng cường chi cho phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ phát triển sản xuất….

Cũng theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, bội chi ngân sách năm 2021 khoảng 4% trong giới hạn Quốc hội và Chính phủ cho phép. Lạm phát khoảng dưới 2% cũng rất thấp trong thời gian gần đây. Đồng Việt Nam năm 2021 có thể lên giá 2% so với USD, như vậy, nếu so với các đồng tiền trong khu vực là ngược chiều. Tuy nhiên, theo phương diện kinh tế vĩ mô thì điều này là tốt.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên khoảng 110 tỷ USD, đây là con số rất cao. Từ đó làm cho cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế tương đối ổn định và cũng là tiền đề để phát triển trong năm 2022.

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt đến 7,5%

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mặc dù có nhiều tín hiệu khá tích cực, song bức tranh kinh tế năm 2021 vẫn còn những tồn tại cần được khắc phục. Chẳng hạn như: Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2020, khi khóa sổ, giải ngân đầu tư công đạt 98%, nhưng năm 2021 dự kiến mức giải ngân đầu tư công chỉ đạt 80%. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.

Ngoài ra, trong đợt dịch vừa qua, mỗi địa phương có một cách tổ chức chống dịch khác nhau dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí logistics tăng, tác động đến các chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí quản lý, chi phí phòng chống dịch… Tất cả những điều này làm cho doanh nghiệp khó mở cửa để hồi phục sản xuất kinh doanh…

Nói đến bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, không cần gói hỗ trợ mới, tăng trưởng GDP năm 2022 vẫn có thể đạt 7%-7,5%.

Theo PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh, trong năm 2022, với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước tiếp tục thành lập mới và khối doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lên. Cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ thì nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất.

“Không cần phải có gói hỗ trợ mới như các đề xuất gần đây, chỉ cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên tới 7% đến 7,5%, nếu như không có những gì quá đột biến”, PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Chia sẻ thêm về hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều đầu tiên quan trọng nhất là chúng ta phải sống chung tốt nhất với dịch COVID-19 thì mới phục hồi sản xuất một cách liên tục và tiếp đó là phải giữ ổn định cán cân kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, nhiều người lo lắng về rủi ro “lạm phát nhập khẩu” gia tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào từ xăng dầu, sắt thép cho đến các hàng hóa đều tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng giá này bắt đầu từ đầu năm 2021 và đã được chuyển hóa vào trong nền sản xuất.

Năm 2021, lạm phát 2021 rơi vào khoảng 2%, con số này không quá lớn. Mặt khác, lạm phát là lạm phát năm nay so với năm sau, năm 2021 đã lạm phát, tăng giá thì năm 2022 sẽ không tăng nhiều được như thế nữa; tối đa cũng chỉ 3,7% đến 3,8%.

Nhìn chung, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế… thì cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2022 là khả quan.