Cơ hội tăng vốn cho “Big 4" ngân hàng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng quốc doanh tăng vốn điều lệ.
Nghị định số 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo đó, "Big 4" ngân hàng bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribannk sẽ được tạo điều kiện tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và có dư địa phục vụ tăng trưởng. Hiện tại, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 40.220 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là VietinBank (37.234 tỷ đồng), Vietcombank (37.088 tỷ đồng), Agribank (30.641 tỷ đồng).
TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng, việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết khi các ngân hàng này đang căng sức hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Nếu không tăng vốn kịp thời, khối ngân hàng này sẽ bị bỏ xa so với khối ngân hàng cổ phần.
Hiện trong 4 ngân hàng nói trên, Agribank và VietinBank là 2 ngân hàng cần cấp thiết tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ CAR theo quy định và tạo tiền đề tăng trưởng trong các năm sau. Trong đó, VietinBank đã không thể tăng vốn điều lệ kể từ năm 2014 đến nay, trong khi Agribank tăng vốn rất chậm, nhưng tiếp tục mở rộng tín dụng. Vietcombank và BIDV không quá cấp thiết như 2 ngân hàng nói trên do đã tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.
Với Nghị định số 121/2020/NĐ-CP, VietinBank, Vietcombank và BIDV có thể được phép giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỉ lệ 18%, đồng thời phát hành cổ phiếu riêng lẻ với qui mô 6,5% vốn điều lệ chào bán cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính. Nếu hai kế hoạch này hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank có thể tăng thêm hơn 9.000 tỉ đồng, lên tối đa ở mức 46.176 tỉ đồng.
BIDV cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỉ đồng (tương ứng tăng 15,5%) lên 46.432 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong khi đó, Agribank là ngân hàng 100% sở hữu của Nhà nước, chỉ có thể tăng vốn từ nguồn ngân sách. Ngân hàng dự kiến được bổ sung không quá 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay.