Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp FDI bị gián đoạn nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nên phải tìm đến các nhà cung cấp Việt Nam.
Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương luôn có những chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 100% vốn vay ngân hàng với thời hạn lên đến 7 năm theo tinh thần của Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài chính sách hỗ trợ về vốn, TP. Hồ Chí Minh cũng thường xuyên tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nhà cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước với các doanh nghiệp FDI, nhằm mục tiêu kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp FDI và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đại dịch COVID-19 đã làm cho sản xuất công nghiệp giảm đáng kể, và các nhà sản xuất nước ngoài muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để tối ưu hóa trong sản xuất.
Có thể nói, ngành công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung đang có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu cao từ các doanh nghiệp FDI đa quốc gia, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cần đầu tư dây chuyền, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có cơ chế thuận lợi nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.