Tăng cường cơ chế hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước

TS. Vũ Thị Nhài - Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư/tapchicongthuong.vn

Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng với các nước trên thế giới, do vậy cần tăng cường cơ chế hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Bài viết phân tích thực trạng cơ chế hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI nhằm tối đa hóa lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nâng cao thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Tổng quan về cộng đồng các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

Sau gần 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực các doanh nghiệp FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp do nhà đầu tư có quốc tịch nước ngoài tổ chức thành lập theo luật pháp nước ngoài, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đó là những doanh nghiệp FDI đầu tư mới hoặc doanh nghiệp FDI mua lại một phần hoặc toàn bộ hay sát nhập các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, ngày 17/6/2020 Quốc hội khóa 14 phê duyệt Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 và Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Hai văn bản quy phạm pháp luật này tạo bước đột phá trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam.

Tính đến quý II năm 2021 đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trên 19 lĩnh vực với 32.915 dự án, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 5 tỷ USD; ngành sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng số vốn đầu tư 3,9 tỷ USD. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khoa học công nghệ. Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD; xếp thứ hai là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc với 1,2 tỷ USD; sau đó là Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông,… Các doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư cho xã hội và hơn 20% GDP cả nước. Điển hình là Unilever, Honda, Toyota, Samsung Electronics Việt Nam, Frudential,…

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến thay cho việc đầu tư tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới với sự an toàn thuận lợi trong quá trình đầu tư dưới sự ổn định về chính trị cũng như kinh tế vĩ mô. Làn sóng chuyển dịch đầu tư của các nhà sản xuất hàng đầu như Foxconn, Samsung,… kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng xuất khẩu và cải thiện chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển giao khoa học công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 25.000 doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư nước ngoài trên 40 tỷ USD. Khối các doanh nghiệp trong nước hiện nay đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm đến 98% với 4 loại hình là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên danh và doanh nghiệp tư nhân. Những doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương,… là những doanh nghiệp nội địa đứng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên những doanh nghiệp lớn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản và xây dựng. Số doanh nghiệp làm công nghiệp, công nghệ "made by Vietnam" chưa nhiều.

2. Thực trạng cơ chế hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước

Nhận thức được sự cần thiết phải tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển, ngày 3/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó quy định các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi.

Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện, các sản phẩm hỗ trợ phần nào đáp ứng yêu cầu các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả, hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát là "Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030".

Ngày 27/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Ngày 6/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo phát triển. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Khi đó sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó số doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Hy vọng đến năm 2030, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp và có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Những cơ chế chính sách trên nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam và tận dụng nguồn vốn này để nâng cấp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Việt Nam đang cố gắng để nâng cao cơ chế hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm cải thiện năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và giảm vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Sự hợp tác này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng với kinh tế quốc tế.

Sự hợp tác kinh doanh không chỉ có lợi cho doanh nghiệp hai bên mà còn góp phần tạo nên lợi ích của dòng vốn FDI. Đối với doanh nghiệp FDI, việc tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước giúp doanh nghiệp FDI thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào một cách ổn định với chất lượng tốt và chi phí chấp nhận được. Thông qua việc dịch chuyển một số khâu sản xuất sang các doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp FDI có thể cấu trúc lại các khâu trong chuỗi sản xuất nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Đối với doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp FDI giúp các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận, nhận chuyển giao khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng được thị trường.

Các hiệp định thương mại đa phương và song phương Việt Nam ký kết như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có hiệu lực, tạo cơ hội cho các dòng công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, đồng thời cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ các hiệp định song phương và đa phương vì các nước tham gia vào các hiệp định đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, dệt may, da giày,…

Ngày 15/4/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020) dưới sự hỗ trợ của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, dựa trên khảo sát 12.300 doanh nghiệp trên 63 tỉnh/thành, trong đó 10.700 doanh nghiệp trong nước và 1.600 doanh nghiệp FDI. Chỉ số này thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh/thành phố, cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tỉnh Quảng Ninh liên tiếp 4 năm đứng đầu trong danh sách, tiếp theo trong danh sách PCI 2020 là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội, Bắc Ninh,… Việc công bố chỉ số PCI hàng năm đã cho thấy có sự đổi mới đáng kể của các địa phương, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh tổng thể của Việt Nam. Chỉ số CPI là một trong những mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiến hành hợp tác, liên doanh, liên kết cũng như là tham gia vào chuỗi sản xuất hàng xuất khẩu với các doanh nghiệp FDI. Hiện nay có hàng trăm doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp phụ trợ, cung cấp nhân sự cũng như nguyên liệu cho doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước cung ứng các sản phẩm điện tử dân dụng, dịch vụ lắp ráp điện tử, bo mạch điện tử, các sản phẩm cao su & nhựa, các sản phẩm hỗ trợ trong các ngành công nghiệp,...

Trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hai năm qua, do bị gián đoạn nguồn cung ứng từ nước ngoài, các doanh nghiệp FDI cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng đầu vào tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng cũng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Để tham gia vào việc cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước phải đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh so với các doanh nghiệp đang cung ứng trước đó.

Sự hợp tác giữa hai mô hình doanh nghiệp này tốt sẽ dẫn đến việc Việt Nam được hưởng lợi từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên thì mục tiêu quan trọng là kết nối giữa khu vực FDI và cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được như kỳ vọng.

Các doanh nghiệp trong nước tham gia vào việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI còn hạn chế, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp trong nước là khách hàng cung cấp hàng hoá, dịch vụ đầu vào cho các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam, còn số còn lại là mua từ các FDI khác hoặc nhập khẩu. Đối với những doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao thường nhập khẩu đầu vào từ chính nước của doanh nghiệp đó, rất ít sử dụng nguồn từ Việt Nam.

Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên Việt Nam chỉ đảm nhận công đoạn gia công, lắp ráp cuối cùng đòi hỏi nhiều lao động với chi phí thấp. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu cao, giá trị gia tăng trong nước thấp nên sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế không cao.

Tỷ lệ nội địa hoá ngành công nghiệp điện-điện tử chỉ đạt 5-10%, mặc dù Việt Nam xếp thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN về xuất khẩu hàng điện tử nhưng 95% giá trị xuất khẩu lại thuộc về các doanh nghiệp FDI. Sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa phần là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn linh kiện nhập khẩu.

Điều này cho thấy sự hạn chế giữa mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước với các FDI. Tỷ lệ mua nguyên liệu từ các doanh nghiệp trong nước rất thấp thể hiện sự hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Đa phần các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam đến từ các nước châu Á có nền công nghệ không cao, những nước có công nghệ cao như Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu lại chiếm tỷ trọng đầu tư nhỏ. Do vậy, việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam không nhiều. Công nghệ, máy móc thiết bị được sử dụng trong các FDI không quá vượt trội so với các doanh nghiệp trong nước. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 80% doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình, 14% công nghệ thấp và lạc hậu, chỉ có 6% công nghệ cao.

3. Khuyến nghị tăng cường hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nhằm góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam

Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh đó cần tăng cường sự tương tác trong đầu tư kinh doanh giữa FDI với các doanh nghiệp trong nước. Hướng tới thu hút các doanh nghiệp FDI quan tâm đến việc phát triển chuỗi giá trị tại Việt Nam và có cơ chế ưu đãi vượt trội, linh hoạt cho những doanh nghiệp này. Cần đẩy mạnh quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp và thương hiệu lớn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ những nước có thế mạnh về công nghệ, vốn và kỹ năng quản trị cao như Mỹ, EU và Nhật Bản. Mở rộng thương mại đối với các thị trường và đối tác mà Việt Nam đã ký kết các FTA song phương và đa phương.

Thứ hai, cần có chiến lược phát triển các doanh nghiệp trong nước mạnh, quy mô lớn để hợp tác kinh doanh đối với FDI. Cần gắn doanh nghiệp trong nước với các nhà khoa học, với sự hỗ trợ của nhà nước, phát huy vai trò của những doanh nghiệp lớn trong nước để cùng phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Cần có các chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ngân hàng để doanh nghiệp chủ động, tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Thứ ba, doanh nghiệp FDI không nên phân biệt khi hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp trong nước hay cùng là FDI, doanh nghiệp nào đáp ứng được yêu cầu, có sản phẩm đạt chất lượng tốt thì sẽ thành đối tác. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đa dạng hoá chủng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được yêu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trong nước cần ứng dụng khoa học công nghệ mới, tận dụng thành quả của uộc cách mạng công nghiệp 4.0, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chủ động tiếp cận, thu hút các đối tác đầu tư kinh doanh để tham gia sâu và hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại sau đại dịch Covid-19.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời khuyến khích các FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao. Các trường đại học, cao đẳng và địa phương cần có những chương trình đào tạo lao động những ngành nghề như kinh tế số, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo. Thực hiện rà soát các chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp FDI.

Thứ năm, thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ để kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Bộ Công Thương nên tiếp tục phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý khu công nghệ cao của các tỉnh tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận doanh nghiệp FDI, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, nâng cao năng lực cung ứng, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật thông tin về các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp cung ứng nội địa và danh sách lao động kỹ thuật cao để cung ứng cho doanh nghiệp tuyển chọn. Thiết kế cấu trúc hệ thống của cơ sở dữ liệu quốc gia về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng tiêu chuẩn về dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin và định mức kinh tế kỹ thuật, có tính tương thích, chia sẻ thông tin và an toàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ bảy, nâng cao năng lực quản trị nhà nước về quản lý kinh tế nói chung và quản lý đầu tư nước ngoài nói riêng. Tăng cường cải thiện khả năng giải quyết các tranh chấp thương mại theo hướng công bằng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đảm bảo các doanh nghiệp FDI sử dụng đúng và có hiệu quả nguồn lực cũng như đảm bảo cam kết đầu tư. Chính quyền cấp tỉnh/thành phố cần cải thiện tính minh bạch của môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng thực thi hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tăng cường cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2018). Chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030.
  2. Tổng cục Thống kê (2019, 2020). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam.
  3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2021). Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020.
  4. Bộ Công Thương (2021). Báo cáo 70 năm Ngành Công Thương Việt Nam.