VND:
Cơ hội tích lũy cổ phiếu cho nửa cuối năm 2018
Công ty chứng khoán Vndirect (VND) nhận định đợt điều chỉnh mạnh trong quý II có thể hé lộ những cơ hội hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu cho nửa cuối năm 2018.
3 nguyên nhân của "cơn gió ngược" kể từ đầu tháng 4
Theo báo cáo chiến lược đầu tư quý II, VND cho rằng sau đà tăng ấn tượng quý I thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” kể từ đầu tháng 4 đến nay. Nguyên nhân đến từ lo ngại về những yếu tố gây bất ổn như (1) mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I dần qua đi dẫn đến một đợt chốt lời trên diện rộng do giá cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó theo kỳ vọng của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp; (2) những rủi ro không lường trước đến từ bên ngoài gây tâm lý bất ổn trong giới đầu tư như khả năng nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông hay những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu việc thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế đang dần thắt chặt (lãi suất LIBOR có xu hướng tăng lên) do quá trình nâng dần lãi suất điều hành của FED và (3) định giá của thị trường không thực sự hấp dẫn sau giai đoạn dài tăng giá trong năm 2017 và quý I/2018.
Tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm “thị trường chứng khoán mới nổi” cần thêm nhiều thời gian để hoàn thành. MSCI sẽ công bố kết quả đánh giá thị trường định kỳ hàng năm vào tháng 6 năm 2018 và trong kịch bản lạc quan nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được đưa vào “danh sách rút gọn”. Sau đó, cần thêm ít nhất một năm để MSCI nhận các phản hồi, ý kiến đóng góp từ cộng đồng đầu tư quốc tế và cần thêm một năm nữa để các nhà đầu tư có thể chuẩn bị cho những thay đổi sẽ xảy ra. Như vậy, sớm nhất là vào năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam mới được chính thức nâng hạng lên nhóm “thị trường chứng khoán mới nổi”.
Mặt khác, theo VND, Một bộ phận cổ phiếu vốn hóa lớn (large cap) đang bị định giá quá cao và kéo định giá chung của thị trường lên cao, trong khi có nhiều cổ phiếu đang được chiết khấu sâu so với mức bình quân chung của thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid caps). VND cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình xứng đáng được giao dịch ở mức định giá cao hơn trong tương lai gần, do tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của nhóm này nhỉnh hơn so với mức bình quân của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng lại có mức định giá thấp hơn nhiều.
Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với đợt điều chỉnh mạnh trong quý II và giai đoạn này có thể hé lộ những cơ hội hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu cho nửa cuối năm 2018.
Những ngành triển vọng
VND cũng đưa ra một số ngành đáng chú ý như ngành chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường chứng khoán trong năm 2018 hay các ngành gắn chặt với chu kỳ kinh tế như ngân hàng, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Cụ thể, thu nhập của các công ty chứng khoán lớn như SSI, HCM, VND, VCI được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ hàng loạt các yếu tố hỗ trợ. Đó là thanh khoản của thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là với sự biến động cao hơn của thị trường sẽ thúc đẩy nhiều giao dịch ngắn hạn, đầu cơ; tiếp tục đón nhận làn sóng cổ phần hóa, niêm yết và thoái vốn “tỷ đô” như Vinhomes, Techcombank, VEAM, GENCO 1, GENCO 2, ACV và PLX; Thị trường chứng khoán phái sinh được đưa vào hoạt động và ngày càng thu hút nhiều sự tham gia của nhà đầu tư; tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm “thị trường chứng khoán mới nổi” sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý và dòng tiền của nhà đầu tư ngoại.
Với ngành ngân hàng tiếp tục có triển vọng khả quan trong nửa cuối năm 2018 nhờ được hỗ trợ từ tốc độ tăng trưởng GDP cao, chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì, chất lượng tài sản được nâng lên nhờ thành quả từ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong những năm qua và sự ấm lên của thị trường bất động sản, trích lập dự phòng giảm và khả năng được hoàn nhập dự phòng một số khoản đã trích lập trước đây do quá trình xử lý nợ xấu thu được thành quả tích cực và nâng cao hiệu quả sinh lời nhờ đẩy mạnh mảng bán lẻ, cho vay tiêu dùng, mở rộng và gia tăng nguồn thu từ các loại phí dịch vụ.
Ngành bất động sản cho thấy nhu cầu thực mua nhà tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt tại các phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân, đất nền, những phân khúc mà hiện nay cung chưa đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, tại phân khúc cao cấp, VND nhận định có những rủi ro tiềm ẩn từ việc nguồn cung tiếp tục gia tăng mạnh và vượt quá nhu cầu thực, điều này có thể dẫn đến tình trạng dư cung nếu dòng tiền đầu cơ “nóng” tại phân khúc này đột ngột bị rút ra và đầu tư vào các kênh khác.
Nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng như sự phục hồi của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (đầu tư công) sau nhiều năm suy giảm. Ngành thép chứng kiến sự gia tăng mạnh của cung lẫn cầu trong khi ngành xi măng bắt đầu ghi nhận tín hiệu khởi sắc nhờ xuất khẩu tăng sau khi Trung Quốc liên tiếp cắt giảm sản lượng để cải thiện môi trường và chuyển đổi nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu và công nghiệp nặng sang tiêu dùng nội địa và các ngành khoa học & kỹ thuật có hàm lượng chất xám cao.
Ngành ô tô, dệt may, nông nghiệp & thủy sản cũng hứa hẹn triển vọng tích cực hơn trong năm 2018. Trong quý I, các ngành này đã có tiến triển đáng kể như ngành nông lâm & thủy sản tăng trưởng 4,05%, tổng giá trị xuất khẩu ngành dệt may tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Một loạt các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực như hiệp định FTA Việt Nam & EU hay hiệp định CPTPP sẽ nâng cao triển vọng ngành dệt may trong năm 2018 và các năm sắp tới.
Cuối cùng, nhu cầu đối với sản phẩm ô tô sẽ phục hồi mạnh sau giai đoạn trầm lắng do nhà đầu tư chờ đợi các thay đổi của chính sách thuế đối với thị trường ô tô có hiệu lực. Các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của cầu nhờ thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN chính thức giảm, giúp giá ô tô giảm xuống và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.