Cơ hội từ hội nhập chỉ đến với doanh nghiệp đã sẵn sàng
(Tài chính) Nhận định về bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp trong và sau năm 2015, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, các cơ hội sẽ chỉ đến với một số ít các DN đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cả về tiềm lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ và nguồn nhân lực.
Năm 2015 là năm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với hàng loạt các Hiệp định Thương mại tư do dự kiến kết thúc đàm phán hoặc chuẩn bị ký kết. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) cuối năm 2015 được thành lập sẽ đem đến các cơ hội cũng như những thách thức rất to lớn và rất gần cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Phân tích về những cơ hội đem lại tại Hội thảo Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp trong và sau năm 2015 được tổ chức mới đây, GS. John Vong, Cố vấn cấp cao cho Ngân hàng Thế giới cho rằng, năm 2015, các nước ASEAN sẽ thực hiện xây dựng một thể chế chung cho khu vực theo 4 trụ cột phát triển kinh tế ASAEN đó là: Thị trường chung cùng tập trung sản xuất hàng hóa; Là khu vực phát triển mạnh bền vững có thể cạnh tranh với các khu vực khác trên thế giới; Xây dựng thể chế khu vực kinh tế bình đẳng cùng phát triển; Điều kiện kết nối đa phương các nền kinh tế cùng có lợi.
Việt Nam lại đang đứng trước cơ hội tăng trưởng và phát triển kinh tế trong thời gian tới do có dân số đông, lực lượng lao động trẻ, tài nguyên phong phú, đa dạng...
Trên cơ sở đó ông đưa ra nhận định, hội nhập toàn diện ASEAN sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư các lĩnh vực, như: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Dịch vụ đào tạo và sử dụng đội ngũ kỹ sư lành nghề các ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, khoa học máy tính; Dịch vụ đào tạo và sử dụng kế toán, tài chính và ngân hàng; Hợp tác đầu tư kinh doanh toàn diện giữa các quốc gia với nhau...
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng: "Cơ hội kinh doanh năm nay đã sáng sủa hơn, nhưng lãi suất sẽ khó giảm sâu vì dư địa để giảm là rất ít. Lãi suất có giảm được hay không phải xét trong mối tương quan với lạm phát và chính sách tỷ giá. Trên thực tế các ngân hàng đã và đang cố gắng giảm lãi suất huy động đầu vào để giảm lãi vay đầu ra cho doanh nghiệp nhưng dư địa giảm là vô cùng ít”.
Ở khía cạnh khác, GS. John Behzad, Chuyên gia tư vấn chiến lược hàng đầu Hoa Kỳ chia sẻ, ngày nay các doanh nghiệp đang hoạt động trong một môi trường thay đổ chóng mặt, tính bất ổn cao, sự chuyển đổ thị trường phức tạp, giá cả hàng hóa và tài sản biến động. Khách hàng có kỳ vọng ngày càng cao về giá trị, chất lượng, hiệu quả cũng như phân phối nhanh, rẻ và đúng giờ…
Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần phát triển các doanh nghiệp của họ thông qua việc sử dụng các mô hình kinh doanh vững chắc với một mức giá trị thuyết phục, một cơ cấu tổ chức linh động, các hệ thống chức năng và trọng tâm tăng trưởng dài hạn.
GS. John Behzad phân tích thêm, đối với các doanh nghiệp trong nước, bối cảnh kinh doanh ngày nay còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng bất ổn của môi trường bên ngoài tiếp tục đe dọa đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong và sau năm 2015. Ông cho rằng, hai thách thức lớn đe dọa đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty trong nước.
Thách thức lớn nhất là các lực đẩy từ mội trường bên ngoài. Ngày nay các doanh nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thay đổi vĩ mô, những việc liên quan đến địa chính trị, sự giao động mạnh về giá cả hàng hóa và tài sản, suy thoái kinh tế, các trò chơi tiền tệ toàn cầu, các động thái của các tổ chức tài chính, những thay đổi của chính sách kinh tế, các thị trường định giá tài sản và những thay đổ thị hiếu khách hàng, công nghệ, quản trị…
Thách thức thứ hai là các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với sức ép về hoạt động. Các đối thủ cạnh tranh ngày càng tinh vi, những lợi thế riêng ngày càng giảm, vòng đời sản phẩm và vòng đời thiết kế sản phẩm ngắn, tình trạng sao chép, bắt chước khó kiểm soát…
Với những biến đổi của môi trường bên ngoài, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và những khó khăn nội bộ, các doanh nghiệp có thể lam gì để tồn tại và phát triển? Làm thế nào để bảo vệ chính doanh nghiệp mình trước những yếu tố đe dọa đến lợi nhuận và doanh thu?
Không có con đường nào khác, để thành công, các doanh nghiệp phải tái thiết lại theo những phương thức có thể giải quyết được cả những thách thức “ bên ngoài” và những khó khăn nội tại một cách có hệ thống, GS. John Behzad khẳng định.