Có không chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Theo Minh Phương/doanhnhansaigon.vn

Hôm 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD với một số hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Ngay hôm sau, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố nước này trước tiên sẽ áp thuế xuất nhập khẩu 15% với 120 sản phẩm của Mỹ. Điều này làm dấy lên lo ngại xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Hôm 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD với một số hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Nguồn: internet
Hôm 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD với một số hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Nguồn: internet

Quyết sách của Tổng thống Donald Trump

Trong 15 ngày tiếp theo kể từ ngày Tổng thống Mỹ ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đại diện thương mại Mỹ - ông Robert Lighthizer - sẽ công bố danh sách các sản phẩm Trung Quốc bị đánh thuế.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống Donald Trump lại quyết liệt "chơi bài thuế” với Trung Quốc. Phải chăng đây là việc biến lời hứa thành hành động như cương lĩnh tranh cử tổng thống của ông là đưa việc làm về nước Mỹ, hay chính sách "nước Mỹ là trên hết". Ông Trump không ngần ngại ám chỉ Trung Quốc đã gián tiếp làm 60.000 nhà máy của Mỹ phải đóng cửa, kéo theo đó là việc nước Mỹ bị mất 6 triệu việc làm.

Ông Trump cũng cho rằng, thâm hụt thương mại năm 2017 giữa Mỹ với Trung Quốc đã cao kỷ lục, 375 tỷ USD, chiếm đến 2/3 tổng thâm hụt thương mại 566 tỷ USD của Mỹ trên toàn cầu. Đây là mức thâm hụt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và đang ngày càng nằm ngoài tầm kiểm soát. 

"Với mức thuế mới, không chỉ giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại mà còn khiến nền kinh tế nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn. Trung Quốc đã hưởng lợi quá nhiều và quá lâu từ mối quan hệ thương mại với nước Mỹ. Cứ mỗi 2 triệu việc làm được tạo ra từ Trung Quốc, đồng nghĩa nước Mỹ mất con số tương đương" - ông Trump nhấn mạnh.

Thuế chỉ là một phần trong chiến lược mà Mỹ muốn kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc. Người Mỹ tỏ ra quan ngại với kế hoạch của các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao, như chế tạo robot, không gian, xe điện, tàu biển, dược phẩm... Đặc biệt hơn nữa, Trung Quốc muốn hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất với "Made in China", chứ không phải hợp tác, hay mua một phần cấu phần, linh kiện từ các nước khác.

Tổng thống Trump dường như nhìn thấu vấn đề này nên đã ra lệnh cho Bộ Tài chính áp đặt các quy định mới để hạn chế Trung Quốc đầu tư vào các công ty Mỹ, vì lo ngại sự mất mát công nghệ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Theo ông Robert Lighthizer, người Mỹ phải ngăn chặn việc Trung Quốc có khả năng thông qua việc mua các công ty Mỹ để sở hữu được công nghệ tiên tiến, và bằng cách này hay cách khác sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ. "Có những thứ nếu Trung Quốc vượt trội Mỹ thì hoàn toàn không có lợi cho thế giới" - ông Robert Lighthizer khẳng định.

Hai bên đều thiệt

Trong khi chưa biết tác động đến đâu từ việc áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, các chính giới nước Mỹ đã có những phản ứng trái chiều. Nhận định chung là nếu áp gói thuế này, Mỹ sẽ gặp nhiều bất lợi không kém Trung Quốc. Thứ nhất, giá hàng hóa sẽ tăng, và thứ hai, Trung Quốc sẽ "phản đòn" bằng cách đánh thuế các hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ vào nước này.

Ông Chad Bown - chuyên gia Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Mỹ, cho biết, đánh thuế, hiểu một cách đơn giản là giá hàng hóa sẽ tăng nên người tiêu dùng phải chi trả nhiều hơn, đặc biệt giáng mạnh lên những gia đình nghèo thường dành phần lớn thu nhập chi tiêu cho hàng hóa cơ bản và giá rẻ. Có rất nhiều hàng hóa tại Walmart - một siêu thị giá rẻ, nhập khẩu từ Trung Quốc. Và chắc chắn các gia đình thu nhập thấp khi mua sắm tại đây sẽ vẫn mua lượng hàng hóa đó như trước, nhưng số tiền phải trả nhiều hơn.

Điều này dễ hiểu tại sao cả Walmart lẫn Apple đã gửi thư lên Tổng thống Trump yêu cầu dừng áp gói thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc vì nó sẽ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, và đó được xem là sự "trừng phạt" các gia đình Mỹ bằng việc phải mua hàng hóa giá cao thay vì hưởng lợi như trước đây.

Ông Robert Lighthizer trấn an, rằng việc lựa chọn hàng hóa của Trung Quốc để áp thuế, nhất là hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghệ và viễn thông để giảm thiểu bất lợi cho người tiêu dùng Mỹ và tác động tối đa lên Trung Quốc. Điều này có nghĩa, sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế không nằm nhiều ở những mặt hàng mang tính tiêu dùng hằng ngày.

Tuy nhiên, ông Robert Lighthizer chưa tiên liệu việc Trung Quốc trả đũa việc tăng thuế của ông Trump. Chỉ sau một ngày khi Tổng thống Mỹ ký quyết định áp gói thuế quan trị giá 60 tỷ USD, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra thông cáo áp dụng mức thuế quan trị giá 3 tỷ USD đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: "Bắc Kinh không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng cũng không e sợ điều đó, và sẵn sàng hành động khi thấy cần thiết. Chúng tôi tin vào khả năng của mình để đối phó với bất cứ thách thức nào".

Nói là làm. Theo đó, Trung Quốc đã tăng thuế 128 mặt hàng Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có 120 loại sản phẩm, như trái cây tươi, các loại hạt, rượu, ống thép... chịu mức thuế suất 15%, và một mức thuế rất cao, lên đến 25%, đối với sản phẩm từ thịt heo, đậu nành, nhôm tái chế... Tất cả sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 3 này.

Theo ông Chad Bown, trong số những nạn nhân từ việc trả đũa của Trung Quốc thì ngành nông nghiệp Mỹ sẽ chịu thiệt hại đầu tiên, khi trong năm 2017 đã kiếm hơn 19 tỷ USD nhờ xuất khẩu sản phẩm sang Đại lục. "Bắc Kinh xem ra đã nghiên cứu kỹ các điểm yếu của nước Mỹ để "phản đòn" và có khả năng gây ra nhiều khó khăn hơn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ. Điều thú vị là hầu hết sản phẩm của Mỹ bị Trung Quốc áp thuế mới đều đến từ các khu vực đã bỏ phiếu bầu Tổng thống Trump" - ông Chad Bown nói.