Có lạc quan với triển vọng của ngân hàng nửa cuối năm?

Theo Hoàng Oanh/baodauthau.vn

Trái với các dự báo, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố mức tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cao vọt so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả từ hoạt động khả quan và đúng hướng của nhiều ngân hàng. Dù vậy, triển vọng kinh doanh nửa cuối năm của ngành ngân hàng được dự báo không dễ dàng.

6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 11.303 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Việt Trần
6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 11.303 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Việt Trần

Vượt trở ngại ngoạn mục

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ vừa được Vietcombank công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 11.303 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Vietcombank hiện là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay.

Cùng đà tăng mạnh này, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính bán niên soát xét riêng lẻ và hợp nhất năm 2019 của VIB đạt lần lượt 1.461.836 triệu đồng và 1.453.155 triệu đồng, tăng 60% và 58% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu trên báo cáo tài chính bán niên riêng lẻ đã soát xét tăng trưởng 37% so với năm trước và tăng trưởng ở hầu hết các khoản mục chính như thu nhập lãi thuần tăng 29%, thu nhập ngoài lãi tăng 79%.

Giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính đã soát xét bán niên 2019, VIB cho biết: “Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng nhanh nhờ việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu, hiện chiếm 20% trong tổng doanh thu”. 

Một số ngân hàng khác cũng công bố mức lợi nhuận 6 tháng tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, TPBank đạt 1.295 tỷ đồng, Sacombank đạt 1.500 tỷ đồng, ACB đạt 3.620 tỷ đồng.

Các con số tăng trưởng lợi nhuận như trên không cùng xu hướng với nhiều dự báo trước đó về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2019. Cuối năm ngoái, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo: “Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 có thể thấp hơn năm 2018 do: Một số ngân hàng áp dụng Basel II từ năm 2020 sẽ phải chủ động cơ cấu lại danh mục tài sản, điều chỉnh chiến lược kinh doanh nên tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ giảm. Bên cạnh đó, thu nhập từ thoái vốn, xử lý nợ xấu ngoại bảng có thể giảm, nguồn thu từ hoạt động bancassurance có thể tăng chậm hơn năm 2018”.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã công bố chính sách tín dụng thận trọng và kiểm soát chặt chẽ ở một số lĩnh vực nhạy cảm để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả là, 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,33%, tương đương mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. 

Bức tranh thực còn ở phía trước

Nhiều khả năng các ngân hàng sẽ đạt lợi nhuận khá trong năm nay. Tuy nhiên, một trở ngại là nhiều ngân hàng đã dùng hết hoặc đã gần đụng trần hạn mức (room) tín dụng.

Bình luận về tốc độ tăng lợi nhuận nửa đầu năm nay của các ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nói: “Đúng là nửa đầu năm nay, hoạt động của nhiều ngân hàng khá khả quan. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng tăng trưởng hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ khác ngoài tín dụng. Đây là chiến lược kinh doanh tốt và cần đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay. Cách làm này giúp các ngân hàng tránh rủi ro từ hoạt động tín dụng, đồng thời, phù hợp chủ trương giảm thiểu độc canh tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng”.

Ở khía cạnh khác, theo ông Hiếu, trong bối cảnh nguồn tiền cho tín dụng không dư dả và trần tín dụng rất sát sao, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng được lợi nhuận nhờ giảm đáng kể các khoản chi phí không hiệu quả. Điều này chỉ có được ở những ngân hàng có khả năng quản trị kinh doanh tốt.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, vẫn cần xem xét cẩn trọng các con số trong báo cáo bán niên của các ngân hàng để biết được tình trạng thực tế của các khoản nợ, khoản phải thu, chất lượng tài sản. Chẳng hạn, những ngân hàng đã bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nhận về trái phiếu đặc biệt thì cần “soi” kỹ hơn bởi có thể họ đang thổi phồng lợi nhuận bằng cách chuyển loại tài sản này từ xấu sang tốt, hoặc họ có thể áp dụng một số cách khác để giấu nợ xấu và biến tài sản xấu này thành tài sản ảo.

Dự báo về triển vọng kinh doanh 6 tháng cuối năm nay, theo ông Hiếu, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ đạt lợi nhuận khá trong năm nay. Tuy nhiên, một trở ngại là nhiều ngân hàng đã dùng hết hoặc đã gần đụng trần hạn mức (room) tín dụng.

“Tôi được biết là nhiều ngân hàng đã và đang xin nới room tín dụng, nếu không được chấp thuận, họ sẽ khá chật vật trong hoạt động từ nay đến cuối năm. Dù vậy, việc nới room tín dụng vẫn cần xem xét và đánh giá thấu đáo, bởi đây là một trong những giải pháp tốt để hạn chế nguồn cung tiền, qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Hiếu nhấn mạnh.