Có nên công nhận tiền ảo?
Trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của tiền ảo (coin), Chính phủ vừa phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, coin, tiền điện tử. Công tác quản lý giờ mới được tính đến, song thực tế, coin, tiền điện tử đã xâm nhập vào Việt Nam từ hơn 5 năm trước.
Số liệu thống kê của sàn giao dịch coinmarketcap.com cho thấy, thị trường toàn cầu hiện có 855 coin với tổng giá trị 152 tỷ USD, trong đó bitcoin có giá trị vốn hóa chiếm gần 50% thị trường, lên tới 69,4 tỷ USD. Số lượng người từ Việt Nam truy cập vào trang này mỗi ngày xếp hạng 5 toàn cầu.
Tranh cãi “mở cửa” cho tiền ảo
Đặc biệt, kể từ tháng 12/2016 đến nay, thị trường coin tại Việt Nam phát triển nhanh, lôi kéo ngày càng đông người tham gia, bởi giá tăng “chóng mặt”. Từ tháng 4 - 8/2017, đồng Bitcoin đã tăng giá gấp 4 lần, từ 950 USD (4/2017) lên khoảng 4.200 USD/Bitcoin (24/8). Các loại coin khác như Ethereum, Bitcoin Cash, Ripple, Litecoin… cũng tăng giá mạnh.
Anh Trần Quốc Cường (Cầu Giấy, Hà Nội), một dân chuyên “đào” coin, chia sẻ: “Có 2 cách cơ bản để tham gia thị trường này. Một là đầu tư mua “trâu cày” (máy dùng để giải các thuật toán, mỗi thuật toán tương đương 1 coin) để đào coin. Hai là mua coin chờ tăng giá rồi bán kiếm lời. Giới chơi coin Việt hiện chủ yếu theo cách thứ hai, đầu cơ lướt sóng kiếm lời”.
Việc đề án quản lý coin vừa được Chính phủ phê duyệt khiến giới đầu tư và nhiều chuyên gia hy vọng các loại coin sẽ được “mở cửa” hợp pháp. Anh Nguyễn Huy Hoàng - một nhà quản lý game, cho biết:
“Coin như bitcoin đang ngay càng phổ biến trong các trò chơi. Nếu được công nhận, coin sẽ giúp người dùng mua bán thuận tiện hơn”.
Tương tự, anh Hoàng Viết Hà - một dân “đào” bitcoin, cho rằng việc sử dụng coin mang lại nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khó bị làm giả... Các giao dịch với coin được bảo mật thông tin chặt chẽ, khó bị đánh cắp.
“Coin giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa được nhanh, thuận tiện hơn. Nhiều nước cũng đã chấp nhận và đang cố gắng hạn chế nạn đầu cơ, trục lợi từ coin. Tôi nghĩ coin hiện nay là xu thế, nên công nhận nó. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao quản lý được nó một cách phù hợp mà thôi”, anh Hà nói.
Trái với dòng ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh coin tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý thì chưa nên công nhận. Coin hiện vẫn còn khá xa lạ với nhiều người Việt Nam, nếu không tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch, nguy cơ bị lừa đảo rất cao.
Ngân hàng Nhà nước cũng giữ nguyên quan điểm là không công nhận các loại coin. Hiện, mọi người đang có xu hướng lẫn lộn giữa tiền điện tử và coin.
Các chuyên gia cũng lo ngại hình thức giao dịch coin có thể được dùng để chuyển tiền, “rửa” tiền, đang đe dọa doanh thu dịch vụ của các ngân hàng, công ty chuyển tiền. Đơn cử, việc chuyển Bitcoin có thể không mất phí hoặc chỉ tốn phí khoảng 0,15%, trong khi ngân hàng có phí 0,15 - 0,2% và bị yêu cầu giấy tờ chứng minh mục đích chuyển tiền. Các dịch vụ chuyển tiền “chui” từ Việt Nam ra nước ngoài hiện cũng có mức phí khá cao, khoảng 1 - 3%.
“Siết” chặt khung pháp lý
Trước những tranh cãi, PGs.Ts. Võ Trí Hảo - Phó Trưởng khoa Luật (ĐH Kinh tế Tp.HCM), cho rằng coin hay tiền điện tử đang dần trở thành một xu hướng công nghệ mới. Điều cần làm là xây dựng khung pháp lý và đặt ra các điều kiện về mục đích sử dụng, kèm theo chế độ đăng ký, báo cáo có liên quan để phòng ngừa các hoạt động chuyển tiền lậu hay rửa tiền.
Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho hay hiện nay mới đặt vấn đề quản lý coin chứ chưa có văn bản nào cấm hay thừa nhận toàn bộ hoặc một phần. Muốn quản lý được thì trước tiên phải công nhận đây là tài sản, phải quản lý để tránh sự biến tướng các hình thức đa cấp coin như thời gian qua.
Cùng quan điểm, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định đã đến lúc Việt Nam nên “mở cửa”. Tuy nhiên không nên chấp nhận nó là một đồng tiền dùng để thanh toán, vì sẽ tác động đến chính sách tiền tệ quốc gia, mà chỉ xem như một loại hàng hóa có thể được giao dịch.
“Những công ty được phép tổ chức hoạt động giao dịch tiền điện tử phải đăng ký kinh doanh với những quy định ràng buộc như vốn tự có, pháp nhân. Đồng thời, cần chỉnh sửa các luật có liên quan, nhất là luật phòng chống rửa tiền về loại tiền điện tử này, đề phòng việc chuyển tiền bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài”, Ts. Hiếu nói
Theo nhận định của giới chuyên môn, coin về cơ bản là một phương thức thanh toán mới, nên cần được đối xử như một công nghệ mới. Vì vậy, việc đưa vào khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho loại hình mới này phát triển cũng như kích thích phát huy được những lợi ích cho phát triển của kinh tế nói chung là tất yếu.
“Thị trường coin đang lộng hành, vì vậy, cần nhanh chóng rút ngắn thời gian ban hành khung pháp lý, nếu không mỗi cơ quan ban ngành sẽ có cách hiểu và xử lý khác nhau, tạo ra kẽ hở cho nhiều cá nhân lợi dụng. Thời gian hoàn thành đề án mà Chính phủ giao cho các bộ ngành đưa ra đến năm 2019 là quá lâu”, Ts.Bùi Quang Tín nhấn mạnh.