Có nên hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp?
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như một hình thức cấp tín dụng, nên cần quản lý chặt chẽ các điều kiện như cấp tín dụng, tránh rủi ro phát sinh.
Sáng ngày 7/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ngân hàng đẩy mạnh nắm giữ TPDN
Thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh nắm giữ TPDN trong bối cảnh tín dụng tăng chậm. Đơn cử, Techcombank là ngân hàng sở hữu giá trị chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế phát hành rất lớn. Tại thời điểm ngày 30/6/2021, lượng TPDN mà ngân hàng này nắm giữ là 51.515 tỷ đồng, tăng thêm 5.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020.
Còn theo dữ liệu từ FiinGroup, hơn 70% dư nợ TPDN hiện nay là do các ngân hàng nắm giữ. Do đó, ngân hàng vẫn đóng vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Ở góc độ tổ chức cung cấp vốn, qua các hình thức tài trợ vốn ở các đợt phát hành TPDN, ngân hàng cũng được tính vào dư nợ tín dụng đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động này cũng được đánh giá có nhiều rủi ro do lợi suất TPDN thời gian qua quá cao so với lãi suất huy động ngân hàng, chất lượng của các tổ chức phát hành trái phiếu chưa được xếp hạng tín nhiệm, thông tin chưa minh bạch... Rủi ro này có thể đến với cả các nhà đầu tư cá nhân lẫn các tổ chức đầu tư, không loại trừ ngân hàng.
Theo các chuyên gia, để bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững; đồng thời giúp quản lý các hoạt động mua, bán TPDN của ngân hàng thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng và hoạt động mua, bán nợ cần thiết bổ sung một số điều khoản chặt chẽ hơn so với quy định hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA đánh giá, hiện TPDN rất đa dạng, có loại TPDN đảm bảo hoặc không đảm bảo, có loại TPDN bảo lãnh qua ngân hàng hoặc bên thứ 3… nên cần xác định rủi ro của từng loại TPDN để có quy định rõ ràng. Cùng với đó, quy định mới cần chú ý đến việc tăng trưởng tín dụng liên quan đến hoạt động mua TPDN, các nhóm lợi ích và việc tái cơ cấu trái phiếu nợ xấu…
Theo dự thảo, các ngân hàng chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; không được mua TPDN phát hành với mục đích đảo nợ, góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác...
VNBA cho rằng, quy định này là phù hợp, nhằm giúp bảo đảm an toàn, chấn chỉnh thị trường TPDN. Tuy nhiên, không nên áp dụng quy định này đối với các công ty tài chính tổng hợp, hoặc nếu có áp dụng thì tỷ lệ nợ xấu cần theo tiêu chuẩn nợ của nhóm các công ty tài chính. Bởi, hoạt động của các công ty tài chính tổng hợp chủ yếu là mảng cho vay tiêu dùng, với đặc trưng là các món vay nhỏ, vay không có tài sản đảm bảo, nên tỷ lệ nợ xấu ở nhóm công ty này sẽ cao.
Theo thống kê tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có thị phần lớn trên thị trường quanh mức 6-7%. Ví dụ, năm 2020, FECredit là 6,6%; HD Saison 5,8%; Home Credit 7,8%...
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng ý kiến nên xem xét bỏ quy định TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó. Hoặc quy định theo hướng chỉ hạn chế TCTD bán TPDN cho công ty con trong trường hợp công ty con đó không phải là công ty chứng khoán, vì việc mua bán TPDN là hoạt động kinh doanh chứng khoán bình thường và độc lập của các công ty chứng khoán.
Nâng tiêu chuẩn để quản lý dòng tiền
Về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, NHNN sửa đổi Thông tư 22 và 15 với mong muốn thúc đẩy thị trường vốn nói chung và thị trường TPDN nói riêng phát triển theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra, thậm chí còn mong muốn doanh số dư nợ của thị trường TPDN lớn hơn 20% tổng dư nợ tín dụng vào 2025.
Hiện tổng dư nợ tín dụng đã lên khoảng 9,7 triệu tỷ đồng, khoảng 145% GDP. Theo đánh giá của WB, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ số đòn bẩy tài chính lớn nhất trong nhóm các quốc gia đang phát triển, điều này khiến rủi ro tín dụng cũng rất lớn.
Hơn nữa, về cơ cấu tín dụng, hơn 50% là dư nợ tín dụng trung dài hạn, trong khi nguồn vốn của các ngân hàng rất hạn hẹp. Vì thế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh trào lưu huy động vốn không kỳ hạn (CASA), giúp cải thiện lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng, việc cải thiện, đảm bảo chất lượng nguồn vốn của hệ thống vẫn rất quan trọng.
Vì thế, theo ông Phạm Chí Quang, dự thảo sửa đổi Thông tư 22 và 15 lần này trao quyền và trách nhiệm rất lớn cho các TCTD. Hiện việc các TCTD mua TPDN vẫn mang nội hàm như một hình thức cấp tín dụng. Có nghĩa là một số doanh nghiệp đang được cấp tín dụng qua 2 "cửa sổ" là cho vay và TPDN.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, dù TCTD sử dụng “cửa sổ” nào thì điều kiện cấp tín dụng cũng phải như nhau, bởi TPDN là một loại giấy tờ có giá được mua bán giao dịch trên thị trường. Vì thế, NHNN đưa ra các quy định tại dự thảo có chuẩn cao hơn, dường như làm khó các TCTD nhưng để đảm bảo quản lý dòng tiền và đảm bảo quá trình xử lý rủi ro tín dụng phát sinh sau này, đặc biệt NHNN xây dựng dự thảo như vậy còn dựa trên những quan ngại về hành vi thay đổi mục đích sử dụng TPDN.