Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh
Sau 7 tháng triển khai khung pháp lý mới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp. Kênh huy động này được dự báo vẫn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 235.094 tỷ đồng, trong đó có 363 đợt phát hành riêng lẻ và 13 đợt phát hành ra công chúng, 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm, nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 95 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 79% trái phiếu phát hành với kỳ hạn từ 2-4 năm, lãi suất thấp từ 3-4.2%. Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 75.8 nghìn tỷ đồng; trong đó, có khoảng 15% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu; lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm.
Về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ phận Nghiên cứu Chứng khoán Thu nhập Cố định Khối dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm Fiin Ratings dự báo, về dài hạn, kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển mạnh và quy mô sẽ sớm tiệm cận với quy mô thị trường cổ phiếu. Riêng trong năm 2021 thì quy mô phát hành mới sẽ không lớn như năm 2020 do hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ giảm đi và hình thức chào bán ra công chúng sẽ tăng lên đáng kể.
Cũng liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo với nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành cũng như tổ chức phân phối nhằm đảm bảo thị trường phát triển an toàn, minh bạch.
Trong đó, Bộ Tài chính khuyến nghị, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Đặc biệt, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.
Nhà đầu tư cá nhân cũng cần thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao.
Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Do đó, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.