Có nên khống chế lãi vay tiêu dùng?
Vay tiêu dùng từ các công ty tài chính (CTTC) đang tạo cơ hội để người dân tiếp cận vốn chính thức ngày càng nhiều. Tuy nhiên hiện nay tình trạng lãi suất cho vay mỗi nơi một kiểu, liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nên đặt ra bài toán quản lý lãi suất cho vay tiêu dùng đối với các CTTC?
So sánh lãi suất hợp lý trước khi vay
Anh Lê Thanh Tuấn (quận 8, TPHCM) cho biết vừa mua trả góp một chiếc điện thoại với giá 10.490.000 đồng. Khi làm thủ tục vay vốn, nhân viên tư vấn của CTTC yêu cầu phải trả trước 30% là 3.147.000 đồng và đưa ra 2 lựa chọn, gồm lãi suất thực (lãi suất trên dư nợ giảm dần) 4,58%/tháng và lãi suất phẳng (lãi suất trên dư nợ gốc) 2,77%/tháng.
Nếu tính theo năm, CTTC này áp dụng lãi suất trên dư nợ giảm dần tương đương 54,96%/năm, lãi suất trên dư nợ gốc 33,24%/năm. Đồng thời, khách hàng còn chịu phí thu hộ 11.000 đồng/tháng và bảo hiểm 42.500 đồng/tháng. Cũng cùng sản phẩm đó, một CTTC khác lại cho vay lãi suất tính trên dư nợ giảm dần chỉ 2,92%/tháng (tương đương 35,04%/năm) và lãi suất trên dư nợ gốc 1,74%/tháng (20,88%/năm).
Đối với vay tiền mặt, mỗi CTTC cũng áp dụng một mức khác nhau. CTTC Prudential cho vay tiền mặt đến 100 triệu đồng với lãi suất từ 18-38%/năm. MCredit cung cấp khoản vay với lãi suất từ 1,66-2,95%/tháng (khoảng 20-35,4%/năm).
VietCredit cho vay tiền mặt thông qua thẻ vay với lãi suất từ 2-3,25%/tháng (tương đương 24-39%/năm). Đáng chú ý, theo bảng lãi suất được niêm yết tại một cửa hàng xe máy Honda, lãi suất cho vay mua xe được các CTTC áp dụng cao nhất lên đến 68%/năm.
Hiện nay có 16 CTTC được NHNN cấp phép đang hoạt động cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, do đặc thù riêng nên các CTTC này không có một khung lãi suất chung, mỗi CTTC áp dụng một mức lãi suất khác nhau, mỗi đối tượng khách hàng cũng có một mức lãi suất khác. Chính điều này dẫn đến đa số khách hàng vay thường bị áp dụng lãi suất tối đa.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết kết quả khảo sát vừa được NHNN thực hiện tại 7 tỉnh (gồm Bắc Giang, TPHCM, Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Thanh Hóa) có cho vay tín dụng tiêu dùng lớn và hoạt động tín dụng đen nhức nhối thời gian qua, cho thấy công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khó tiếp cận vốn vay NH mà phải vay của các CTTC với lãi suất cao.
Cụ thể, mức lãi suất phổ biến các CTTC áp dụng là 40-50%/năm, và thường áp dụng với số tiền cho vay ban đầu, không tính theo dư nợ giảm dần. NHNN sẽ kiểm soát lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC ở mức hợp lý, đảm bảo minh bạch, lành mạnh.
Vào tháng 5/2018, NHNN đã có Văn bản 3436 yêu cầu các TCTD chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống tại các TCTD.
Trong đó, NHNN yêu cầu riêng đối với các CTTC tiêu dùng, phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng, áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và báo cáo NHNN về khung lãi suất cho vay theo quy định tại Thông tư số 43/2016.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều CTTC vẫn phớt lờ quy định này, nhân viên tư vấn một đằng làm thủ tục một nẻo, dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng phản ánh tư vấn lãi vay khoảng 2%/tháng, nhưng khi ký hợp đồng mới biết lãi suất gần 5%/tháng.
Lãi suất cao vì người vay thiếu minh bạch
Hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng ở Ấn Độ khoảng 12-48%/năm, tại Brazil 30-70%, tại Mỹ chỉ khoảng 8-36%/năm, Trung Quốc áp dụng từ 10-40%/năm. Lãi vay tiêu dùng Việt Nam phổ biến ở mức 20-50%/năm, nên nhiều chuyên gia cho rằng lãi vay tiêu dùng của Việt Nam đứng mức trung bình.
Theo lý giải của những người trong cuộc, sở dĩ CTTC áp dụng lãi suất cao vì họ không thể huy động vốn cá nhân mà phải đi vay các tổ chức khác nên lãi suất đầu vào cao. Cho vay tiêu dùng tại các CTTC chủ yếu là cho vay tín chấp, đã vậy tại Việt Nam thông tin khách hàng thiếu chính xác, không minh bạch và tính tuân thủ của bên đi vay yếu.
Ở các nước phát triển, các tổ chức tín dụng (TCTD) có nhiều cơ sở để thẩm định khách hàng, chẳng hạn Mỹ có hệ thống thẩm định khách hàng là điểm tín dụng cá nhân, thu chi qua hệ thống ngân hàng (NH). Vì vậy thông tin khá minh bạch, giúp NH đánh giá một khách hàng không quá khó khăn, tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhanh nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro, và lãi suất cho vay cũng tốt hơn.
Một nguyên nhân quan trọng khác đến từ hành lang pháp lý. Theo một chuyên gia tài chính NH, trong Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Do NHNN có quy định, lãi suất cho vay của các TCTD là lãi suất thỏa thuận, nên các CTTC cũng áp dụng mức lãi suất khác theo thỏa thuận của 2 bên, không chịu khống chế của trần 20%. Nhưng Bộ luật Hình sự 2017 lại có điều khoản người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng thì phạt hình sự, phạt tù đến 3 năm.
Rõ ràng hai bộ luật này chưa chặt chẽ trong quy định và dẫn đến cách hiểu khác nhau. Cụ thể, Bộ luật Dân sự cho phép luật chuyên ngành khác áp dụng lãi suất khác, nên khi cho vay CTTC xem 20%/năm chưa phải là trần.
Nhưng ngược lại khi nhìn vào Bộ luật Hình sự, đa số các CTTC lại xem mức lãi suất 20%/năm là trần, theo đó ngầm hiểu áp dụng lãi suất đến 100%/năm mới vi phạm pháp luật. Đây cũng chính là nguyên nhân một số công ty tín dụng phi chính thức khi cho vay liệt kê lãi suất chỉ 99%/năm để tránh bị xử phạt.