Tín dụng tiêu dùng cần minh bạch về lãi suất, phương thức đòi nợ

Theo Duy Minh/congthuong.vn

Được nhận định là kênh cung ứng vốn quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi tín dụng đen, tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng vẫn có những “mảng xám” trong hoạt động cho vay, nhất là ở các công ty tài chính; và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tăng trưởng, mặc dù dư địa cho lĩnh vực này là rất lớn. Vì thế, một hành lang pháp lý rõ ràng cho tín dụng tiêu dùng là điều cần sớm được triển khai.

Thủ tục nhanh, trả góp hàng tháng là lợi thế để tín dụng tiêu dùng phát triển. Nguồn: Internet
Thủ tục nhanh, trả góp hàng tháng là lợi thế để tín dụng tiêu dùng phát triển. Nguồn: Internet

Dư địa cao, rủi ro lớn

"Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen", là chủ đề của buổi tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức sáng 15/3. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, cho vay tiêu dùng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (gồm cả việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt…

Thực tế, quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018, khoảng 1,4 triệu tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, dư địa cho vay tiêu dùng còn rất lớn, là kênh vốn cần thiết giúp người dân bớt cảnh phải đi vay nặng lãi. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”, vốn đang hoành hành ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, những hạn chế cũng được chỉ ra: đã có không ít công ty tài chính thực hiện cho vay tiêu dùng với lãi suất rất cao, trong khoảng từ 20-50%/năm, thậm chí lên tới 70%/năm; và thực hiện đòi nợ mang tính “khủng bố”, khiến Ngân hàng Nhà nước năm 2018 đã phải ra văn bản chấn chỉnh…

Đồng thời, những rủi ro của hoạt động cho vay tiêu dùng cũng được chỉ ra. Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng,tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Rủi ro vĩ mô, hệ thống mà cụ thể là lãi suất tăng làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả lãi và gốc của người đi vay. Tiếp đến là rủi ro vay mượn quá mức. Rủi ro này chủ yếu do người đi vay tiêu dùng ít có các kiến thức về đánh giá và phòng ngừa rủi ro hơn các doanh nghiệp. Do đó, họ thường đánh giá quá cao khả năng trả nợ của mình và đánh giá quá thấp các rủi ro đối với dòng tiền trong tương lai của mình.Rủi ro tiếp theo là rủi ro bong bóng…

“Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã cao hơn 25% GDP, do đó các rủi ro vĩ mô, rủi ro hệ thống có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và bản thân hệ thống các tín dụng tiêu dùng. ”- ông Tú Anh đánh giá.

Giải pháp cho tín dụng tiêu dùng phát triển đúng hướng

Bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tạo sức cạnh giữa các tổ chức cho vay để thu hút khách hàng, điều này sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng “dễ thở” hơn hiện nay, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao. Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, cần phải có một hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sự phát triển của tín dụng tiêu dùng để đảm bảo ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính. Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng… Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho các công ty tài chính mới và nhỏ có thể phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh, hạn chế sức mạnh độc tôn của một số ít công ty tài chính lớn hiện nay.

Đặc biệt, theo TS. Cấn Văn Lực, các công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng, nhất là những vấn đề như lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn …