Một số cuộc chiến thương mại trong quá khứ và giải pháp ứng phó


Chiến tranh thương mại là gì? Chiến tranh thương mại có tác động tích cực hay tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam? là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong phạm vi bài viết, tác giả thống kê và phân tích các cuộc chiến thương mại trong quá khứ, đồng thời khẳng định cuộc chiến nào cũng kết thúc bằng một hậu quả khó lường cho nền kinh tế của từng nước trong cuộc nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các cuộc chiến thương mại trong quá khứ

Chiến tranh thương mại giữa các nước châu Âu

Ngay sau khi thống nhất năm 1871, quốc gia non trẻ Italy đã chuyển sang xu hướng bảo hộ, nuôi dưỡng các ngành công nghiệp “sơ khai”, theo đó chấm dứt hiệp định thương mại với Pháp vào năm 1886. Italy đã tăng mức thuế lên tới 60% để bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi sự cạnh tranh của Pháp. Chính phủ Pháp đã đáp trả bằng cách thông qua chính sách bảo hộ mạnh mẽ mang tên Méline Tariff vào năm 1892. Thương mại Pháp - Italy giảm đáng kể, tiếp theo là sự xáo trộn ở các nước nơi mà họ có giao thương. Một kết quả không mong đợi nữa là đã đẩy Italy đến gần Đức và Áo - Hungary hơn trong những năm trước cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.

Một số cuộc chiến tranh thương mại tại châu Âu vào cuối thế kỷ XIX cũng cho thấy, trong một cuộc chiến song phương giữa một nước lớn và một nước nhỏ, nước lớn có thể thắng (hoặc không bị ảnh hưởng trong thực tế) và nước nhỏ có thể thua thiệt rất nhiều, điển hình là chiến tranh thương mại giữa Pháp và Italy từ năm 1886 đến năm 1898; chiến tranh thương mại giữa Pháp và Thụy Sĩ từ năm 1892 đến năm 1895; chiến tranh thương mại giữa Đức và Nga vào năm 1893-1894.

Tuy nhiên, khái niệm "nước lớn" ở trên không phải là quy mô kinh tế, mà là tỷ trọng chiếm được của “nước lớn” trong tổng kim ngạch xuất khẩu của “nước nhỏ” trong hoạt động kinh tế của họ. Năm 1891, Pháp thu hút 18,6% hàng xuất khẩu của Thụy Sỹ và Thụy Sỹ là một nước nhỏ, các mặt hàng xuất khẩu này chiếm một phần lớn trong GDP của họ. Trong thực tế, bằng cách ngừng nhập khẩu từ Thụy Sỹ, Pháp đã gây ra một thiệt hại đáng kể về kinh tế cho nước láng giềng của mình.

Chiến thương mại giữa một số nước châu Âu và Mỹ

Có thể kể đến cuộc chiến tranh gà diễn ra vào giai đoạn 1962 - 1964 do Đức thông qua biểu thuế đối ngoại chung của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). Điều này làm tăng mức thuế quan đối với sản phẩm xuất khẩu gà của Mỹ, làm họ nhanh chóng mất thị trường Đức vào tay các nhà xuất khẩu Pháp và Hà Lan: Các nước không phải chịu mức thuế quan này. Mỹ yêu cầu bồi thường và đe doạ trả đũa đối với các mặt hàng xe tải của Đức, rượu cognac của Pháp và hóa phẩm dextrin của Hà Lan. Cuộc xung đột chỉ liên quan đến một vài lĩnh vực, và nhận được sự ủng hộ trung gian của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Các nước châu Âu từ chối nhượng bộ và Mỹ, với sự đồng ý với định chế quốc tế, có thể tăng mức thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu nói trên của châu Âu.

Cuộc chiến tranh ngô diễn ra vào giai đoạn 1986 - 1987 tự nhưng liên quan đến việc Tây Ban Nha gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và mặt hàng ngô. Cuộc chiến liên quan đến việc các sản phẩm xuất khẩu của Pháp hưởng lợi từ việc Tây Ban Nha mở cửa thị trường, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ. EEC nhượng bộ và cấp cho Mỹ một hạn ngạch hàng năm với một mức thuế quan nhập khẩu ngô có giảm.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Canada

Mỹ đã bãi bỏ hiệp ước có đi có lại với Canada vào năm 1866. Theo đó, Canada đã tìm cách trả đũa đối tác của mình. Năm 1879, Canada đã đưa ra chính sách bảo hộ của quốc gia bằng việc tăng thuế. Một số công ty Mỹ như Singer Manufacturing, American Tobacco, Westinghouse và International Harvester đã quyết định chuyển sản xuất sang Canada thay vì phải nộp thuế nhập khẩu cao và đến cuối những năm 1880, 65 nhà máy của Mỹ đã di chuyển sang Canada.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Canada đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 1890. Tại Mỹ, Đảng Cộng hòa nắm quyền điều hành các cơ quan hành pháp và lập pháp, đã thông qua chính sách bảo hộ McKinley Tariff. Hậu quả là xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Canada đã giảm một nửa từ năm 1889 đến năm 1892.

Khi Mỹ thông qua chính sách bảo hộ thậm chí còn mạnh hơn (Dingley Tariff vào năm 1897), thì Canada đã đáp trả bằng cách tăng gấp đôi các khoản thuế và thắt chặt quan hệ thương mại với Anh hơn Mỹ. Sau đó, phải mất gần một thế kỷ, tự do thương mại giữa Hoa Kỳ và Canada mới có thể phát triển.

Các cuộc chiến thương mại không dừng ở cuối thế kỷ XIX. Các cuộc chiến thương mại đã diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Herbert Hoover ký Đạo luật Thuế quan năm 1930, thường được gọi là đạo luật Smoot-Hawley. Theo đó, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu đối với gần 900 mặt hàng nhập khẩu từ khoảng 15%-25% lên hơn 40%, đồng thời tăng thuế đánh vào hơn 20.000 sản phẩm từ đường và trứng tới kẹp quần áo và thùng hình ống.

Với việc áp dụng đạo luật Smoot-Hawley, Mỹ đã đón nhận sự trả đũa quyết liệt của các quốc gia khác và động thái này của Mỹ đã mở đường cho sự lây lan của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Theo đó, thế giới đã phải mất nhiều thập kỷ để khắc phục thiệt hại.

Trong hai năm sau khi ban hành luật Smoot-Hawley, khối lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ giảm khoảng 40% khi các đối tác thương mại trả đũa bằng thuế quan của chính họ. Các nhà sản xuất nước ngoài cắt giảm hoặc ngừng vận chuyển các lô hàng tới Mỹ vì không còn lợi nhuận khi bán tại thị trường này.

Một số nhà xuất khẩu Mỹ đã phải chi trả nhiều hơn cho các nguyên liệu nhập khẩu mà họ sử dụng để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa và phải đối mặt với các rào cản thương mại cao hơn ở nước ngoài. Nông dân Mỹ, những người đáng lẽ được hưởng lợi từ Smoot-Hawley, phải chứng kiến xuất khẩu nông sản giảm mạnh.

Bài học từ các cuộc chiến tranh thương mại

Douglas Irwin, chuyên gia về thương mại tại Đại học Dartmouth cho rằng, đôi khi người ta nhìn lịch sử hệ thống thương mại hậu chiến tranh với lăng kính màu hồng. Nếu tương lai lặp lại những câu chuyện của lịch sử, thì có khả năng, sau cuộc chiến thương mại sẽ là chiến tranh tiền tệ (hoặc chiến tranh tiền tệ trước rồi đến chiến tranh thương mại), cuối cùng sẽ là chiến tranh với đầy đủ nhất ý nghĩa của nó.

Lịch sử ghi nhận cuộc chiến thương mại toàn cầu nổi tiếng nhất thế kỷ XX bùng phát khi Mỹ ban hành Luật Smoot-Hawley Tariff Act (1930), đánh thuế với hơn 20.000 hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (hầu hết là hàng hóa không do Mỹ sản xuất ra) và sau đó là sự trả đũa của các nước đối với Mỹ.

Tiếp đến là một cuộc đại phá giá tiền tệ ở Anh, Pháp (1936), Mỹ (1933), trùng với khoảng thời gian xảy ra siêu lạm phát ở Đức. Kết quả sau đó là chiến tranh xâm lược của Đức tại Ba Lan năm 1939.

Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, hiện có nhiều quan điểm, nhưng hầu hết khó lòng phủ nhận cuộc chiến thương mại lần này có bản chất khác các cuộc chiến thương mại trong quá khứ. Nó vượt qua khỏi cuộc chiến thương mại bình thường để thực sự trở thành cuộc tranh giành vị thế ảnh hưởng toàn cầu của hai siêu cường lớn nhất hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa chiến tranh thương mại trong quá khứ và hiện tại.

Từ diễn biến các cuộc chiến tranh thương mại có thể rút ra những bài học sau:

Thứ nhất, có những cuộc tranh chấp thương mại (chỉ liên quan đến một hoặc hai sản phẩm) không nhất thiết phải diễn biến xấu thành một cuộc chiến tranh thương mại (xung đột liên quan đến nhiều sản phẩm được giao dịch, thậm chí là tất cả các sản phẩm).

Thứ hai, một cuộc tranh chấp thương mại sẽ tìm ra một “kết quả ôn hoà” nếu vụ tranh chấp này được phân xử bởi một tòa án quốc tế.

Thứ ba, các biện pháp trả đũa thương mại thường được áp dụng đối với những sản phẩm có chọn lọc về mặt chiến lược: áp lực đối với các nhóm sản phẩm tập trung về mặt địa lý, với một trọng lượng quan trọng về mặt chính trị (mặt hàng rượu cognac là một minh hoạ điển hình).

Giải pháp ứng phó

Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, do vậy, khi chiến tranh thương mại xảy ra, tác động tích cực là có nhưng chủ yếu ở dạng cơ hội, tác động tiêu cực được đánh giá là nhiều hơn, vì thế Việt Nam cần phải "gạn đục khơi trong" để tận dụng được các cơ hội.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nói riêng, các cuộc chiến thương mại giữa các nước khác nói chung, cho dù khó đoán định nhưng việc phân tích, tính toán các khả năng tác động ảnh hưởng vẫn là việc phải làm với mức độ ưu tiên cao nhất của Chính phủ và của cả nền kinh tế. Trong khuôn khổ bài viết, xin đưa ra một số khuyến nghị:

Thứ nhất, phòng tránh nguy cơ cuộc khủng hoảng kinh tế.

Sự bùng nổ của chủ nghĩa bảo hộ trong những năm 1930 gần như đã làm tê liệt hệ thống thương mại toàn cầu vào thời điểm đó. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thay vì giảm giá USD để giúp xuất khẩu của Mỹ duy trì tính cạnh tranh, đã tăng lãi suất quá cao, ngay cả khi thị trường chứng khoán sụt giảm, các ngân hàng bị phá sản và nền kinh tế sụp đổ, khiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới khoảng 25%. Đó được coi là một sai lầm mà các nhà hoạch định chính sách ngày nay cần rút kinh nghiệm để không phạm phải. Điểm mấu chốt cần quan tâm là hệ thống ngân hàng trung ương phải có đủ sự khôn khéo để tránh một cuộc khủng hoảng khác, mặc dù có thể hệ thống ngân hàng không thể bù đắp hoàn toàn các tác động tiêu cực từ một cuộc chiến thương mại.

Thứ hai, cần có chính sách thuế xuất nhập khẩu linh hoạt, phù hợp thực tế diễn biến của cuộc chiến:

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc hay căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước khác dẫn đến một cuộc xung đột thuế quan kéo dài có thể làm tăng lạm phát, làm chậm tăng trưởng kinh tế và trong một kịch bản xấu nhất, sẽ khiến Mỹ và phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái. Dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực nặng nề từ cuộc chiến này, đặc biệt là qua kênh tài chính - tiền tệ (trung hạn) và các quốc gia có quan hệ kinh tế - thương mại cũng sẽ bị ảnh hưởng tùy theo mức độ hợp tác.

Đối với Việt Nam, ngay từ bây giờ, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến thuế xuất nhập khẩu cần đưa ra một nhóm các biểu thuế có tính chất linh hoạt hơn (có tính chất ngắn hạn dành cho một số nhóm mặt hàng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của cuộc chiến) nhưng vẫn phải tuân thủ đúng các cam kết, thông lệ quốc tế nhằm đối phó với tác động ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Thứ ba, tập trung đổi mới thể chế, tạo nền tảng thể chế mạnh.

Cuộc đấu của các nước lớn sẽ gây tổn hại cho các nền kinh tế nhỏ. Nền kinh tế càng nhỏ yếu, mức độ lệ thuộc càng cao thì tổn hại càng lớn. Đó là điều đã được xác nhận qua lịch sử các cuộc chiến tranh thương mại. Theo logic đó, kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động, đặc biệt theo xu hướng tiêu cực, từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.  

Sự di chuyển của các dòng hàng hóa, dòng vốn, dòng tiền đến và đi khỏi Việt Nam từ 2 thị trường này chắc chắn sẽ có những biến động mạnh, sẽ gây tác động tiêu cực. Xu hướng giá cả hàng hóa thế giới tăng, xu hướng tỷ giá đồng Việt Nam giảm giá, thị trường chứng khoán biến động. Xu hướng gia tăng buôn lậu và tràn hàng hóa Trung Quốc... cũng sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp, khó khăn của tình hình.

Cách ứng xử chính sách tỷ giá “cứng” của Thái Lan khi lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 là một bài học có giá trị gợi ý lớn đối với nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải là tập trung đổi mới thể chế, tạo nền tảng thể chế mạnh, trên cơ sở đó tính các giải pháp ứng phó ngắn hạn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tuyên bố tại Hamburg ngày 02/3/2018;
  2. Đạo luật thuế quan năm 1930, được gọi là đạo luật Smoot-Hawley;
  3. Công trình nghiên cứu “Sự trả đũa của châu Âu”, 1934 - Nhà kinh tế học chính trị Joseph M. Jones Jr;
  4. “Chiến tranh thương mại là gì?” - Tạp chí Fortune 2018, Chuyên gia Manuel Perez-Rocha, Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ;
  5. Siegbert Tarrasch, trích dẫn của Savielly Tartakower, trong Bréviaire des échecs [Cẩm nang thất bại], Paris, Stock, 1936.