Thị trường tài chính – tiền tệ chịu ảnh hưởng gì từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?


Từ ngày 6/7/2018, Mỹ đã chính thức áp thuế trị giá 34 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cũng nhanh chóng có các hành động đáp trả. Đây được xem là những bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một loạt các mức thuế mới mà 2 nước sẽ áp dụng và bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài và nguy cơ ảnh hưởng rất lớn tới nhiều nền kinh tế, gây rủi ro lâu dài tới kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm rủi ro đối với thị trường tài chính – tiền tệ thế giới và Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tác động đến thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế

Cuộc chiến thương mại của Mỹ với các quốc gia, đặc biệt là với Trung Quốc, không những gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và các quốc gia có chiến tranh thương mại với Mỹ mà còn có thể ảnh hưởng lớn tới nhiều nền kinh tế, phá vỡ thời kỳ tăng trưởng thương mại bền vững nhất kể từ khi kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 và có thể gây rủi ro lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó bao gồm rủi ro đối với thị trường tài chính – tiền tệ thế giới và Việt Nam. Cụ thể:

Tác động đối với thị trường chứng khoán thế giới

Các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới đang có những biến động trái chiều giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thị trường chứng khoán Mỹ:

Tổng thống Donald Trump cho rằng, những thiệt hại từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là trước mắt nhưng về lâu dài sẽ có lợi cho Mỹ, nhất là việc bảo hộ các ngành sản xuất nội địa, từ đó giảm thâm hụt thương mại và tự chủ trong việc sản xuất những mặt hàng quan trọng như vũ khí, xe hơi, máy bay...

Một số nhà đầu tư chứng khoán Mỹ cho rằng, việc áp thuế không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các tập đoàn Mỹ vì kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 1% GDP.

Bên cạnh đó, giới doanh nghiệp cũng ủng hộ chính sách của Donald Trump khi tin rằng nền sản xuất nội địa sẽ được củng cố, sức cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc tăng lên khi hàng hóa đến từ Trung Quốc bị áp thuế cao, giúp doanh thu và lợi nhuận tăng, qua đó, giúp TTCK Mỹ tăng điểm trong giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại. Tính từ đầu năm đến hết tuần đầu của tháng 7/2018, chỉ số S&P 500 đã tăng 4,8%, ghi nhận năm tăng trưởng thứ 9.

Thị trường tài chính – tiền tệ chịu ảnh hưởng gì từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 1

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cảnh báo việc căng thẳng thương mại kéo dài có thể gây biến động mạnh TTCK như đã xảy ra nhiều lần trong năm nay. Về lâu dài, chiến tranh thương mại có thể làm xói mòn năng lực sản xuất, đặc biệt là các ngành có lợi thế xuất khẩu ở các quốc gia trong cuộc chiến cũng như các ngành tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các quốc gia nằm ngoài cuộc chiến, làm giảm giá trị của các doanh nghiệp đó.

Theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ và tổ chức dịch vụ tài chính (UBS), lợi nhuận của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 có thể giảm 14,6%. Hiệu ứng này sẽ lớn hơn khi các công ty đa quốc gia Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc có thể bị tổn thương do sự đáp trả của Trung Quốc. Thực tế cũng cho thấy, trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ cuối tháng 7/2018, TTCK Mỹ đang xuất hiện xu hướng giảm điểm trong một số phiên.

Trong đó, cổ phiếu của một số hãng công nghiệp lớn của Mỹ như Boeing, 3M và Caterpill, cổ phiếu các hãng sản xuất thiết bị bán dẫn, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cơ bản… có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Trung Quốc về doanh thu. Tuy nhiên, mức tăng giảm giá chứng khoán trên thị trường Mỹ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài cuộc chiến thương mại như giá dầu thô, giá vàng và kim loại khác...

Thị trường chứng khoán Trung Quốc:

Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung do kim ngạch xuất khẩu của mức này sang Mỹ hiện lên tới hơn 500 tỷ USD/năm. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu Trung Quốc chịu tác động mạnh và trực tiếp nhất. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI chảy vào Trung Quốc có thể sẽ giảm, qua đó, gây sức ép lên TTCK nước này.

Thị trường tài chính – tiền tệ chịu ảnh hưởng gì từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 2

Xu hướng bán khống Nhân dân tệ (NDT) và chứng khoán Trung Quốc đang gia tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang và nền kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu của sự giảm tốc. Các chỉ số Shanghai và Hangsheng đồng loạt có chiều hướng đi xuống kể từ khi cuộc chiến được phát động (chỉ số Shanghai Composite đang trong đợt sụt giảm dài nhất trong vòng 6 năm qua).

Nếu căng thẳng thương mại và các biện pháp trả đũa tiếp tục được công bố từ Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến hiện tượng rút vốn ồ ạt trên cả TTCK Trung Quốc và Mỹ của các nhà đầu tư để tìm đến các tài sản an toàn hơn như vàng, Yên Nhật, USD, France Thụy Sỹ...

Các TTCK khác:

Cuộc chiến thương mại không những mang lại những hậu quả xấu cho các quốc gia nằm trong cuộc chiến mà còn có tác động tiêu cực tới các nền kinh tế trên toàn thế giới. Hiện nay, hệ thống thương mại thế giới đang được tổ chức theo các chuỗi sản xuất toàn cầu, được đặt tại nhiều quốc gia. Do đó, rủi ro sẽ tác động lan tỏa tới nền kinh tế toàn thế giới chứ không chỉ dừng lại ở một nhóm nước có chiến tranh thương mại.

Theo tính toán, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore  sẽ là nhóm các quốc gia chịu rủi ro cao nhất do có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong một nghiên cứu của Viện kinh tế Quốc tế  Peterson, 2/3 số hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, do đó sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của các nước đầu tư vào Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… và kéo theo lợi nhuận toàn cầu dự báo giảm khoảng 2,5%, qua đó gây sức ép lên giá chứng khoán.

Thị trường tài chính – tiền tệ chịu ảnh hưởng gì từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 3

Hầu hết các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu đều có xu hướng giảm kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại. Trên TTCK châu Âu- FTSE 100 giảm 0,46%; DAX giảm 2,9%... Các chỉ số Kospi của Hàn Quốc, Nikkei 225 của Nhật Bản lần lượt giảm 14% và 6,3% trong tuần sau ngày 6/7/2018.

Diễn biến tiêu cực của TTCK thế giới thời gian gần đây đã khiến cho các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính mới, điều này cũng phần nào hạn chế đến sự tăng điểm của một số thị trường, trong đó có Việt Nam.

Tác động đối với thị trường tiền tệ thế giới

Trong cuộc chiến thương mại, đồng tiền các quốc gia có nền kinh tế mở, dựa nhiều vào thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động lớn hơn.

Đồng USD:

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những nguyên nhân giúp đồng USD tăng giá mạnh thời gian qua. Kể từ khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung bắt đầu leo thang, đồng USD đã có dấu hiệu tăng sau gần bốn tháng đi ngang. Tính tới ngày 7/8/2018, chỉ số USD đã đạt mức 95,33 điểm, tăng 1,20% so với thời điểm ngày 6/7/2018, trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 6/2018 và duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài do những tín hiệu khả quan từ kinh tế Mỹ cũng góp phần làm đồng USD mạnh lên. Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tăng cao, các nhà đầu tư toàn cầu có xu hướng xem USD là phương tiện cất giữ tài sản an toàn, đề phòng nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, việc Mỹ áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, kết hợp với việc tăng lãi suất của FED giúp đồng USD không chỉ là nơi cất trữ tài sản an toàn mà có thể được sử dụng làm phương tiện kinh doanh chênh lệch lãi suất. Dự báo USD sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá trong thời gian tới, đặc biệt là với một số đồng tiền của các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc, Canada, Mexico, Đài Loan, Ấn Độ…

Đồng Nhân dân tệ:

Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm giá mạnh. Tính từ đầu tháng 4/2018 đến nay, tỷ giá NDT so với đồng USD đã giảm hơn 8%, xuống mức dưới 6,83 NDT/USD, mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Bên cạnh đó, NDT còn chịu áp lực trước những lo ngại về sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Thị trường tài chính – tiền tệ chịu ảnh hưởng gì từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 4

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, Trung Quốc không chỉ áp hàng rào thuế quan tương tự lên hàng hóa Mỹ, mà có thể đang sử dụng giải pháp phá giá đồng NDT như là một vũ khí chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Điều này có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ mới vì các nền kinh tế khác cũng có thể theo đuổi chính sách phá giá đồng nội tệ tương tự để hỗ trợ xuất khẩu.

 Một số đồng tiền khác:

NDT của Trung Quốc giảm giá đã có ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền khác trên thế giới, đặc biệt là các đồng tiền châu Á và của các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, trong đó đồng won Hàn Quốc, đô la Đài Loan và đô la Singapore - những đồng tiền dễ biến động nhất. Đồng đô la Australia (đồng tiền của đối tác thương mại lớn của Trung Quốc) đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 13 tháng qua và có thể tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới.

Những ảnh hưởng đến thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam

Căng thẳng thương mại trên thế giới 2018, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có cả tác động tiêu cực và tích cực đối Với Việt Nam. Xét về mặt tích cực, Việt Nam là nước nằm trong top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới với hơn 38 tỷ USD năm 2017. Những mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đều nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, đây có thể là cơ hội tốt cho Việt Nam nhằm tranh thủ chiếm lĩnh thị phần.

Mặt khác, khi đồng USD tăng giá, NDT giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn vì đồng Việt Nam chủ yếu neo theo giá USD. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng có thể tăng lên trong bối cảnh dòng vốn FDI vào các nước bị Mỹ đánh thuế cao sẽ có xu hướng chững lại.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ chịu một số tác động bất lợi từ cuộc chiến thương mại 2018 như: nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng có mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất về ngoại thương của Việt Nam. Do đó, khi 2 đối tác lớn có chiến tranh thương mại với nhau sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Lượng hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế dẫn tới dư thừa và có thể đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó hơn bởi vì Trung Quốc phải tập trung tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Ngoài ra, cũng có những lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ cũng sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc.

Bên cạnh các tác động đối với nền kinh tế Việt Nam, cuộc chiến thương mại cũng có tác động khá lớn đến thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam. Cụ thể:

Đối với TTCK Việt Nam: TTCK Việt Nam sau khi đạt kỷ lục vào tháng 4/2018, đã xuất hiện xu hướng giảm điểm mạnh với việc nhà đầu tư ngoại liên tục rút vốn ròng trong 3 tháng qua, mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, dự trữ ngoại hối cao và dòng vốn FDI vào tiếp tục tăng. Chỉ trong vòng chưa đầy 01 tháng (từ 06/7 – 27/7/2018), các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng trên cả 2 sở giao dịch chứng khoán với tổng giá trị gần 1.669 tỷ đồng.  

Do chiến tranh thương mại được dự báo sẽ còn tiếp tục nên các nhà đầu tư có xu hướng hoãn lại các các dự án đầu tư. Mặt khác, TTCK sụt giảm trong thời gian qua còn do một số nguyên nhân khác như việc FED tăng lãi suất; các quỹ đầu tư quốc gia SWF đang bán bớt phần đầu tư trên các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.

Đối với thị trường tiền tệ: Đồng tiền Việt Nam (VND) liên tục tăng giá so với NDT và mất giá so với đồng USD kể từ tháng 4/2018, đặc biệt sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mức độ biến động giá lớn hơn so với các tháng trước đó.

 Tỷ giá VND/USD liên tục tăng, đặc biệt là trong tháng 7 và đầu tháng 8 khi căng thẳng thương mại Việt – Mỹ lên cao. Tính tới đầu tháng 8 (6/8/2018), tỷ giá trung tâm đang được giữ ở mức 22.676 VND/USD, đã tăng 0,17% so với thời điểm ngày 6/7/2018.

So với mức tăng bình quân của các tháng trước đó trong năm 2018, đây là mức tăng tương đối thấp, chỉ trên mức điều chỉnh của các tháng trong quý I/2018 (trung bình tăng 0,05%), thấp hơn nhiều so với mức điều chỉnh cao nhất vào tháng 4/2018 (0,36%).

Tuy nhiên, có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất linh hoạt trong điều hành tỷ giá trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8 với mức biến động các ngày tương đối lớn nhằm duy trì sự ổn định của tỷ giá. Một số biện pháp đã được NHNN áp dụng là: (i) Giảm giá bán USD; (ii) Tuyên bố sẽ can thiệp bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường để cân bằng cung cầu.

Tỷ giá bình quân ngân hàng thương mại (NHTM) và tỷ giá trên thị trường tự do đều tăng mạnh so với các tháng trước đó. Tính đến đầu tháng 8 (ngày 6/8/2018) tỷ giá bình quân NHTM tăng 1,18%, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng 1,62% so với ngày 6/7/2018. Trong khi đó, trung bình cả 6 tháng đầu năm, tỷ giá bình quân của NHTM chỉ tăng 0,61% trong khi tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 1,03% so với cuối năm 2017. Như vậy, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, tỷ giá bình quân NHTM và tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục trong xu thế tăng, với tốc độ tăng xấp xỉ sáu tháng đầu năm 2018, nhưng về cơ bản, đồng VND vẫn tương đối ổn định.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, tỷ giá VND/USD sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do: (i) Đồng USD tiếp tục mạnh lên; (ii) Dòng vốn đầu tư nước ngoài có nguy cơ rút vốn do giá trị đồng USD tăng; (iii) Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng NDT như một giải pháp đối với các chính sách thương mại của Mỹ.

Tỷ giá VND/NDT vẫn trong đà giảm từ đầu năm 2018, nhưng mức độ giảm mạnh hơn kể từ cuối tháng 6/2018, khi nguy cơ chiến tranh thương mại bùng nổ giữa Mỹ - Trung. Tính tới đầu tháng 8 (6/8/2018), tỷ giá VND/NDT đã giảm 1,72% so với thời điểm trước khi xảy ra chiến tranh thương mại (6/7/2018), chạm mức 3.409 VND/NDT.  

Như vậy, so với NDT, VND đang đắt dần lên, khiến giá cả hàng hóa Trung Quốc tại Việt Nam rẻ hơn, sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc đang tăng lên. Trong bối cảnh trên, nếu để đồng tiền VND mất giá theo tốc độ đồng tiền Trung Quốc để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế, thì có thể gây mất niềm tin về đồng VND, tăng nguy cơ rút vốn nước ngoài, tác động lên tăng trưởng và lạm phát.

Kịch bản khác, nếu VND tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay, việc xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sẽ gặp khó khăn, nhập khẩu tăng lên, hàng Trung Quốc có thể sẽ tràn sang Việt Nam, cán cân thanh toán sẽ vào tình trạng xấu hơn.

Trước các nguy cơ trên, có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật khác để hạn chế khả năng này, như áp đặt hạn ngạch, tăng thuế… đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên những biện pháp này có thể dẫn tới khả năng đáp trả lại từ phía Trung Quốc.

Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi diễn biến tiếp theo của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mức độ phá giá của đồng NDT/USD, bám sát cung - cầu trên thị trường, để lựa chọn điều chỉnh tỷ giá VND/USD hợp lý nhằm hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tác động ít nhất tới lạm phát.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hoàng Đình Minh (2013), Ảnh hưởng của tỷ giá đến xuất, nhập khẩu tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
  2. Washingtonpost.com 20 May 2018/Heather Long: China is winning Trump’s trade war (Analysis);
  3. “Stark China warning to US over trade”. BBC News;
  4. “China: 'The US has launched a trade war'”. cnn.com.