Những tác động từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung


Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả nhau quyết liệt bằng những biện pháp thuế quan áp với các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường của mình, không chỉ gây tổn hại cho chính các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Phân tích, đánh giá những tác động từ “Chiến tranh thương mại” Mỹ - Trung tới nước ta (gồm cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực), bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế những thách thức tác động xấu cũng như đón nhận các cơ hội từ “cuộc chiến” này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động đến kinh tế thế giới

Ngày 6/7/2018, Mỹ bắt đầu áp thuế 25% với 34 tỷ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Ngay sau đó, ngày 15/6/2018, Trung Quốc trả đũa bằng việc tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Ngày 11/7/2018, Mỹ đã chính thức công bố danh sách hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc diện dự kiến bị đánh thuế bổ sung, trong đó có cả sản phẩm công nghệ cao và hàng tiêu dùng như quần áo, thịt lợn, tủ lạnh… với trị giá hàng trăm tỷ USD. Diễn biến trên đánh dấu thời điểm bắt đầu một “cuộc chiến thương mại” giữa hai cường quốc trên thế giới.

Việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả nhau quyết liệt bằng những biện pháp thuế quan không chỉ gây tổn hại cho chính các quốc gia này, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia khác trên thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra có thể làm suy yếu đầu tư, làm giảm chi tiêu, làm xáo trộn thị trường tài chính và làm chậm đi tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế nhận định chiến tranh thương mại là một tổng thể các biện pháp trả đũa mà mục tiêu là tác động nhiều nhất tới đối thủ cho tới khi đối tượng suy sụp và từ bỏ theo đuổi chiến tranh. Không bao giờ có người thắng trong một cuộc chiến thương mại.

Bộ phận dự báo và phân tích kinh tế (EIU) của The Economist nhận định từ đầu năm 2018, chính sách thương mại đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm từ 1 đến 3% trong vài năm tới.

Những tác động từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung  - Ảnh 1

Mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng lưu ý là Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Thêm vào đó, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Mới đây, 41 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng và những nguy cơ xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Tuyên bố nhấn mạnh quan ngại của các nước thành viên trước sự gia tăng những căng thẳng thương mại cũng như những nguy cơ đối với hệ thống thương mại đa phương và thương mại thế giới. Văn kiện này đồng thời kêu gọi các nước thành viên WTO tránh thực thi các biện pháp bảo hộ cũng như những hành động làm leo thang căng thẳng.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo từng cảnh báo, mặc dù thế giới có thể đạt nhịp độ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 và 2019, song tiến bộ quan trọng này có thể nhanh chóng bị tổn hại nếu các chính phủ chỉ dựa vào các chính sách thương mại hạn chế, đặc biệt các biện pháp trả đũa thương mại leo thang không thể kiểm soát nổi.

Trong khi đó, Ngân hàng Morgan Stanley ước tính thương mại thế giới có thể bị gián đoạn nghiêm trọng vì 2/3 hàng hóa được giao dịch có liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu. Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn cho các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất bị Mỹ áp thuế. Các nhà cung cấp đậu tương, thịt heo, rượu của Mỹ có thể mất đi lợi thế cạnh tranh ở Trung Quốc. Người tiêu dùng Mỹ sẽ chật vật để tìm đủ sản phẩm thay thế hàng hóa mà họ đang mua từ Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn.

Những tác động từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung  - Ảnh 2

Theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm nay, 0,5% hoặc cao hơn nữa vào năm tới. Nhìn chung về ngắn hạn, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều bị thiệt hại.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đa phần là các mặt hàng có giá trị thặng dư cao, mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp Mỹ. Theo nhận định của ông David Bachman, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Đại học Washington, khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường Trung Quốc như Apple, Boeing - sẽ chịu thiệt hại lớn. Các đối thủ cạnh tranh sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc.

Một báo cáo năm 2017 của Đại học Oxford chỉ ra quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra 2,6 triệu việc làm cho nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ khó có thể đương đầu với cái giá của tình trạng thất nghiệp và giá cả tăng vọt, hệ quả tất yếu của chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đã xuất hiện ý kiến lo ngại rằng, khi Trung Quốc có thêm các biện pháp trả đũa, người tiêu dùng Mỹ có thể trở thành đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên do giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Ngành nông nghiệp và hàng không của Mỹ có thể là 2 lĩnh vực hứng chịu các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc.

Những tác động từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung  - Ảnh 3

Nông nghiệp hiện là lĩnh vực xuất siêu của Mỹ với Trung Quốc. Việc đánh thuế này có thể ảnh hưởng mạnh đến nông dân Mỹ, trong đó có một bộ phận không nhỏ cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Việc Bắc Kinh áp khoản thuế mới này lên ngành chăn nuôi được dự báo sẽ khiến sản phẩm này không còn giữ được mức giá cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Nếu việc áp thuế Trung Quốc cũng như việc đàm phán lại thỏa thuận thương mại với đồng minh không thu được kết quả như mong đợi, nhiều khả năng kế hoạch thu thêm lá phiếu cử tri cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ gặp thất bại.

Về phía Bắc Kinh, các biện pháp trả đũa cũng là một canh bạc lớn và có thể gây phản tác dụng với chính nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ doanh nghiệp Mỹ, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự bất bình về việc môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng khó khăn, liên quan đến việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bị buộc chuyển giao công nghệ hoặc các ưu đãi công khai quá mức của Chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp bản địa.

Những tác động từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung  - Ảnh 4

Nếu các bất đồng thương mại và vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chậm được giải quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ và EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này là bất lợi lớn đối với Trung Quốc. Cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục gặp khó khăn...

Tác động đến kinh tế Việt Nam từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Xét về lý thuyết, các nước trong khu vực châu Á sẽ có cơ hội bù đắp vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho Mỹ thay Trung Quốc, tuy nhiên thực tế vấn đề phức tạp hơn nhiều bởi đa số hàng hóa xuất đi của các nước này được Trung Quốc nhập khẩu rồi gia công bán sang Mỹ. Việt Nam được dự báo sẽ bị tác động rất nhiều từ vòng xoáy của cuộc “chiến tranh thương mại” này theo cả 2 chiều hướng tiêu cực lẫn tích cực. Trong ngắn hạn, có nhiều yếu tố để có thể lạc quan, nhưng về dài hạn, “chiến tranh thương mại” mang đến những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn cho Việt Nam.

Tác động tích cực

Thứ nhất, xuất hiện những cơ hội mới: Cuộc chiến này có thể sẽ giúp Việt Nam gia tăng quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà chi phí nhân công và các ưu đãi về thuế đang mất dần.

Thứ hai, việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ làm cho hàng hóa của nước này kém khả năng cạnh tranh hơn, thậm chí còn tạo ra xu hướng dịch chuyển nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc sang các thị trường thay thế khác, trong đó có Việt Nam. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hiện nay chất lượng khá tương đồng với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Theo dự đoán của các chuyên gia từ Deutsche Bank Hong Kong, xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ thời gian tới sẽ tăng khoảng 1,7%.

Những tác động từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung  - Ảnh 5

Thứ ba, việc Trung Quốc đáp trả bằng việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có các mặt hàng nông sản, cũng có thể tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu các nhóm mặt hàng này của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang rất ưa chuộng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam và có thể sẽ xem xét nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng này từ Việt Nam.

Thứ tư, mặc dù, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là khá lớn, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam lại phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động, làm cho giá nguyên liệu rẻ hơn và đây là lợi thế để Việt Nam có thể giảm giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Thứ năm, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc ở những ngành hàng như nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… Cho nên, cuộc chiến sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng mặt hàng xuất khẩu vào thị trường vào Mỹ.

Tác động tiêu cực

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và gắn chặt chẽ với hệ thống thương mại toàn cầu có tính phụ thuộc lẫn nhau. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ đem đến không ít tác động tiêu cực đối với nước ta, cụ thể như:

Thứ nhất, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 được dự báo sẽ giảm 0,3% và mạnh hơn trong các năm 2021 - 2023. Tương tự, tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6%.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm của doanh nghiệp thuộc Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự tác động của cuộc chiến thương mại này.

Thứ ba, rào cản về thuế quan từ cả 2 phía Mỹ và Trung sẽ làm cho sản phẩm Việt Nam mất lợi thế, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường do giá bán sản phẩm cao, không thể tiếp cận được đối tượng tiêu thụ tại hai thị trường đối đầu trực tiếp cũng như các thị trường mà sản phẩm đó đang hiện diện.

Thứ tư, sự chệch hướng thương mại của Mỹ với Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân thương mại của nước thứ ba nếu các bên muốn tìm một đường vòng để đi vào sân nhà của đối thủ. Việt Nam có thể sẽ bị xếp chung vào một nhóm với Trung Quốc và gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện quy mô và chất lượng xuất khẩu của mình.

Thứ năm, khi bị Mỹ áp thuế, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam, để giảm phụ thuộc vào Mỹ và duy trì năng suất. Điều này có thể sẽ khiến cho cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc quay lại xu hướng gia tăng, sau khi chúng ta đã đạt được mục tiêu dần tiến tới cân bằng cán cân thương mại với nước này.

Thứ sáu, tranh chấp có thể dấy lên giữa Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc về vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trên thực tế, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ như các sản phẩm may mặc, da và giày dép, thiết bị điện tử và điện quang, sản phẩm hóa chất và khoáng sản phi kim loại, máy móc và thiết bị; gỗ, giấy, sản phẩm từ giấy, in ấn và xuất bản… có thành phần xuất xứ từ Trung Quốc được mượn danh sản xuất tại Việt Nam; Hay Việt Nam nhập khẩu nho, đậu nành, yến mạch Mỹ rồi xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng vì "chiến tranh thương mại" giữa 2 cường quốc thì những hoạt động này sẽ bị cả Trung Quốc và Mỹ giám sát chặt chẽ và sử dụng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu "quá cảnh" Việt Nam.

Giải pháp giúp Việt Nam hạn chế những tác động từ xung đột thương mại giữa Mỹ và các nước

Trước những diễn biến xung đột thương mại nêu trên, việc tìm giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực là vấn đề đang đặt ra với Việt Nam.

Các giải pháp tầm vĩ mô

Thứ nhất, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần theo sát diễn biến của các xung đột thương mại, tiếp đó là xây dựng các kịch bản khác nhau nếu chiến tranh thương mại xảy ra. Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Thứ hai, đẩy mạnh thông tin, xúc tiến thương mại, định hướng cho doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là với các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do như Liên minh châu Âu.

Thứ ba, chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại với Mỹ trong trường hợp “chiến tranh thương mại” lan rộng. Ngoài ra, cũng cần sớm nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng vệ để ngăn chặn các sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc có thể sẽ tràn vào Việt Nam.

Thứ tư, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu ở các cửa khẩu, hải quan, sát sao phòng chống buôn, nhập lậu hàng hóa.

Thứ năm, việc hạ giá tiền đồng có thể giúp xuất khẩu nhưng cũng sẽ làm tăng lạm phát và tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Do vậy, cần cân nhắc, tính toán cụ thể, kỹ lưỡng và lựa chọn thời điểm thích hợp trong điều chỉnh tỷ giá.

Thứ sáu, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và tăng tốc quá trình tái cấu trúc ngành Công Thương.

Thứ bảy, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu sâu và đưa ra cảnh báo sớm về thị trường Trung Quốc và Mỹ nhằm nắm bắt kịp thời những động thái có thể xảy ra, cụ thể như: Áp dụng các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu hàng hóa, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam…

Về giải pháp tầm vi mô

Bên cạnh các cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp thách thức không nhỏ, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của cả 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới những vấn đề sau:

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là thông tin, thông báo về “các xung đột thương mại” giữa Mỹ và các nước, nhất là với Trung Quốc; Cập nhật đầy đủ danh mục hàng hoá bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như diễn biến điều chỉnh tỷ giá của cả đồng USD và NDT để có phản ứng kịp thời.

Thứ hai, khẩn trương tìm hiểu thị trường cả Mỹ và Trung Quốc, nhất là với các loại hàng hoá trong danh mục mà Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu, hay danh mục hàng hóa mà Trung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ để tìm cơ hội đa dạng hoá, mở rộng và thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này.

Thứ ba, nghiên cứu sâu hơn danh mục một số hàng hoá của Trung Quốc và Mỹ có thể tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và ngược lại xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc bị hạn chế để có cách thức ứng phó và kiểm soát.

Thứ tư, đối với thị trường Trung Quốc, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp nước này để ký hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn, xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu ổn định; Phát triển hệ thống phân phối trên thị trường Trung Quốc; Thâm nhập kênh phân phối bán buôn thông qua việc thiết lập công ty liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, nghiên cứu để thay đổi sang phương thức xuất khẩu chính ngạch bằng các hợp đồng thương mại, để ổn định và phát triển xuất khẩu bền vững.

Thứ năm, cần có sự chuẩn và đưa ra biện pháp ứng phó bị kịp thời trước khả năng sử dụng các rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính của Mỹ và Trung Quốc nhằm hạn nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp…

Tài liệu tham khảo:

  1. Gia Minh (16/07/2018) “Tác động 2 chiều của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế Việt Nam”, Doanhnhansaigon.vn;
  2. ThS. Nguyễn Thị Thu Trung - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán (16/07/2018), “Thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, tapchitaichinh.vn;
  3. Minh Sơn (12/7/2018), “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu”, Vnexpress.net;
  4. Nguyễn Hoài (9/7/2018 ), “Lo hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam khi Mỹ-Trung đối đầu thương mại”, Vnexpress.net;
  5. Quỳnh Như (12/04/2018), “Đối sách của Việt Nam trước nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, theLeader.vn…