Có nên nới rộng biên độ tỷ giá để thị trường tự điều chỉnh ngoại hối?
(Tài chính) Thời gian qua, câu chuyện xung quanh quan điểm quản lý tỷ giá ngoại hối trong giai đoạn này như thế nào là có lợi cho kinh tế vĩ mô. Trong lúc đó, tỷ giá ngoại tệ sau một vài động thái rung rinh khi được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh vừa qua, nay đã trở lại bình thường. Một số chuyên gia còn bàn rằng: nên chăng nới rộng biên độ tỷ giá để thị trường có thể tự điều chỉnh?
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều khởi sắc, điểm sáng duy nhất là thực trạng xuất siêu mà nhiều năm nay chúng ta mới có được (một phần do xuất khẩu vẫn được triển khai tốt, một phần do nhu cầu nhập khẩu phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm), đồng thời thị trường tiền tệ đang rất ổn định, thì một tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ được điều chỉnh trong biên độ cho phép được hình thành và duy trì là điều dễ hiểu.
Một lý do chính đáng nữa cho quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng nhà nước là khi xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế, thì việc hỗ trợ cho xuất khẩu thông qua điều chỉnh tỷ giá tăng lên +- 1% trong phạm vi tuyên bố từ đầu năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là trong năm 2014 khả năng điều chỉnh tỷ giá ngoại hối trong biên độ +-2% là bình thường và không gây đột biến cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Không những thế, còn có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu và nhờ thế mà khiến cho nền kinh tế khởi sắc hơn.
Một lý do nữa ủng hộ việc điều chỉnh tỷ giá trong biên độ cho phép là các yếu tố hỗ trợ xu hướng ổn định của tỷ giá USD/VND đang khá rõ nét và có tác động tích cực đến mục tiêu tăng cường dự trữ ngoại hối cũng như mục tiêu kiểm soát thị trường ngoại tệ. Đó là cán cân thanh toán tổng thể thặng dư hiện đang ở mức cao, ước đạt tới 10 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Riêng cán cân thương mại đạt mức thặng dư 1,6 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay nếu so sánh với cùng kỳ các năm trước. Dự trữ nhà nước về ngoại hối cũng đang trong tình trạng dồi dào nhất, đạt 35 tỷ USD, các dòng vốn ngoại tệ khác vẫn được duy trì tốt như giải ngân FDI đạt 4,6 tỷ USD, giải ngân ODA đạt 810 triệu USD, kiều hối ước đạt khoảng 5 tỷ USD.
Cùng với đó, niềm tin vào đồng tiền nội tệ đang được cải thiện rõ nét, biểu hiện ở chỗ dù lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đã giảm nhiều nhưng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng trưởng nhanh, các ngân hàng thương mại đều khá rủng rỉnh. Tại các ngân hàng thương mại, tình trạng mua ròng ngoại tệ cũng diễn ra trong thời gian dài, nhờ thực tế xuất siêu và nhờ nguồn cung ngoại tệ ngoài thị trường khá dồi dào. Thêm nữa, bất cứ lúc nào ngân hàng thương mại có nhu cầu ngoại tệ cũng được Ngân hàng Nhà nước đáp ứng đủ với giá rất mềm cũng khiến tâm lý e sợ ngoại tệ biến động giá không có cơ sở để tồn tại. Những yếu tố này không chỉ khiến cơ quan quản lý nhà nước yên tâm khi thay đổi bước giá mà còn khiến doanh nghiệp và ngay cả người dân cũng bình tĩnh xử lý khi có nhu cầu mua hay bán ngoại tệ.
Những tác nhân trên tuy chưa xuất phát từ những cơ sở thật sự bền vững, nhưng cũng đã đủ để tạo nên một tâm lý yên tâm và không lo lắng về nguồn ngoại tệ như làm thất vọng nhiều tay đầu cơ hòng găm giữ ngoại tệ để kiếm lời.
Vì thế, quản lý thị trường ngoại tệ, nếu nắm bắt được nguyên nhân của kỳ vọng và điều khiển được căn nguyên xuất phát của tâm lý thị trường, thì nhà điều hành hẳn rất tự tin khi đưa ra quyết định điều chỉnh.