Cổ phần hóa DNNN không phải là chuyện chuyển doanh nghiệp yếu kém sang chủ sở hữu khác

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều văn bản đã được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thực hiện mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015. Nhưng các chuyên gia cho rằng, cổ phần hóa không phải chuyển doanh nghiệp yếu kém sang chủ sở hữu khác, mà là nâng cao hiệu quả hoạt động. Vì vậy, nên chủ động loại bỏ các doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, không có mục tiêu rõ ràng.

Cổ phần hóa DNNN không phải là chuyện chuyển doanh nghiệp yếu kém sang chủ sở hữu khác
Cổ phần hóa là để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Nguồn: internet
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015 khó có thể thực hiện được, khi đến nay mới hoàn thành cổ phần hóa 100 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đang có thông tin 70% nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là của DNNN. Do đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần làm rõ số nợ xấu của DNNN, nhất là nợ xấu trong các doanh nghiệp buộc phải hoàn thành cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 – 2015. Bởi nếu không cung cấp thông tin cụ thể sẽ khiến giá trị cổ phiếu của những doanh nghiệp này giảm, nhà đầu tư nghi ngại không dám mua vào, khó có thể đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Những món nợ xấu không có khả năng thu hồi, phải mạnh dạn cắt bỏ để lành mạnh hóa tài chính của doanh nghiệp cần cổ phần hóa. Khi đó, giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ tăng, góp phần thu lại phần nợ xấu bị cắt bỏ khi tiến hành cổ phần hóa.

Tán thành quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa DNNN không phải để gạt những đơn vị yếu kém sang tay các chủ sở hữu khác thông qua mua cổ phần, cổ phiếu. Cổ phần hóa là để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nên phải chủ động loại bỏ các đơn vị hoạt động không hiệu quả, không có mục tiêu rõ ràng. Doanh nghiệp đã mất hết vốn, nợ lớn hơn vốn điều lệ, thì tại sao không để giải thể hoặc phá sản? Tại sao phải chọn phương án cổ phần hóa khi biết không thể thực hiện được? Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, cần thực hiện nhiều biện pháp để tái cơ cấu DNNN, không thể chỉ dựa vào cổ phần hóa. Các cơ quan chủ quản và doanh nghiệp cũng phải xác định mục tiêu cổ phần hóa, các cổ đông, hình thức thực hiện...

Từ thực tế một số doanh nghiệp hiện nay không thể thực hiện cổ phần hóa do nguồn vốn đầu tư ban đầu quá lớn nhưng trong quá trình thực hiện đã bị thua lỗ, giá trị vốn tài sản/vốn của Nhà nước gần như không còn (như trường hợp của Công ty đóng tàu Dung Quất), chuyên gia tài chính Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, cần tính tới các biện pháp khác hiệu quả hơn. Bởi, những doanh nghiệp như vậy, dù có hoạt động theo mô hình nào cũng không đúng với ngành nghề kinh doanh chính mà thực tế đang đòi hỏi các tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vào. Nếu ngành điện lực thoái vốn khỏi ngành viễn thông bằng cách giao lại cho một số công ty của ngành dầu khí thì chính là đang quay lại bước đầu, mà đáng lý mục đích tái cấu trúc là để tránh tình trạng này (?).

Mạnh dạn cho giải thể, phá sản những doanh nghiệp không còn đủ sức hoạt động, bán nguồn tài sản của Nhà nước còn lại tại các doanh nghiệp đó cho những doanh nghiệp cùng ngành nghề trên thị trường sẽ mang lại tác động tích cực. Điều này vừa giúp tinh gọn bộ máy cồng kềnh, vừa tránh việc tiếp tục đầu tư vốn cho mô hình doanh nghiệp mới được phù phép hồi sinh từ những doanh nghiệp yếu kém - là cách mà theo nhiều chuyên gia, sẽ giúp lành mạnh hơn hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa, với tỷ lệ vốn của cổ đông quá thấp, sở hữu của Nhà nước vẫn chiếm cao, từ 65% đến hơn 90% vốn (như Vietnam Ailines cho phép bán cho cổ đông 25%, Nhà nước nắm giữ 75% cổ phần) đang không hấp dẫn nhà đầu tư. Nguyên nhân do tỷ lệ sở hữu thấp sẽ khiến nhà đầu tư dù đã bỏ tiền ra nhưng vẫn không có điều kiện thực hiện quyền và chức năng giám sát đối với nguồn vốn của mình. TS. Lê Đăng Doanh kiến nghị, phải có các phương án thực sự hấp dẫn đối với cổ đông mới thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Không có phương án khắc phục hiệu quả những hạn chế thì khó thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Để cổ phần hóa DNNN có hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát kỹ từng doanh nghiệp để thấy thực trạng bức tranh tài chính, nợ nần cũng như những khúc mắc trong mỗi đơn vị. Thay vì ban hành chính sách chung, nên phân loại để có được tháo gỡ cụ thể. Đặc biệt lưu ý, cần tách biệt tài sản là đất đai với các tài sản khác đã hoặc đang và sẽ khấu hao. Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu doanh nghiệp về tiến độ cổ phần hóa.