Cổ phần hóa doanh nghiệp: Bầy hầy có trảm tướng?
(Tài chính) Mục tiêu đặt ra trong 2 năm 2014-2015 phải cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước, tương đương mỗi ngày phải cổ phần hóa xong 1 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với tốc độ cổ phần hóa như hiện nay, mục tiêu cổ phần hóa được dự báo sẽ khó cán đích vì ngay cả việc thoái vốn ngoài ngành cũng vẫn còn dây dưa, bầy hầy...
Mỗi ngày phải cổ phần hóa 1 doanh nghiệp?
Ông Phạm Viết Muôn - Phó trưởng ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ cho biết trong Hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 do Đảng bộ khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức, trong 2 năm cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước là việc không hề dễ dàng.
Ông Muôn tính toán, trong 2 năm cổ phần hóa 432 doanh nghiệp thì một ngày phải cổ phần hóa hơn 1 doanh nghiệp bởi vì từ nay đến hết năm 2015 chỉ còn 21 tháng với số ngày làm việc hơn 300 ngày nhưng số ngày mà Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm việc lại không đến chừng đó. Cho nên bình quân 1 ngày hai sở giao dịch này phải đưa ra bán đấu giá hơn 1 doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, ông Dominic Meller cũng từng cho rằng: Chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2015 có vẻ tham vọng, vì trong giai đoạn 2011-2013 chỉ có 99 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng quy trách nhiệm cho người đứng đầu là các Bộ chủ quản. Theo đó, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ chậm tái cơ cấu.
Nghị quyết cũng cho phép thoái vốn dưới giá và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC lại được nhận nhiệm vụ mua lại cổ phần của các doanh nghiệp thoái vốn thất bại.
Theo GS., TS. Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính đây là biện pháp quyết liệt của Chính phủ mà chỉ trên cơ sở những biện pháp này mới làm cho nền kinh tế trở nên ổn định và phát triển được.
Thoái vốn còn bầy hầy, khi nào mới cổ phần hóa?
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ quá trình cổ phần hóa, theo phản ánh của Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, hầu hết đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt, các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời.
Đồng thời trong 3 năm qua thị trường chứng khoán suy giảm sâu, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, không thuận lợi cho cổ phần hóa, thoái vốn.
Nguyên nhân chủ quan là các đơn vụ chưa thực hiện quyết liệt, chưa có động lực và thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện tái cơ cấu.
Quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cổ phần hóa phải gắn liền với việc thực hiện các nguyên tắc tách chủ sở hữu ra khỏi những nguyên tắc, chức năng khác, thay đổi lại vị trí doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng kinh doanh và chức năng xã hội.
“Chúng ta vẫn tuyên bố doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, là công cụ để nhà nước điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô... là sai về nguyên lý kinh tế thị trường.
Chúng ta chưa thay đổi mặc dù gần đây Chính phủ đã mạnh mẽ, Thủ tướng muốn tái cơ cấu trọng tâm là cổ phần hóa. Chúng ta cũng tuyên bố thoái vốn ngoài ngành nhưng thực tế nhiều người còn nghi ngại", TS. Nguyễn Đình Cung nói.
TS. Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi: "Chúng ta muốn bán cái xấu nhất, kém nhất với giá cao nhất. Bán dưới giá trị sổ sách, ai chịu trách nhiệm về sự thua lỗ?",
Sau đó ông chỉ ra rằng, chúng ta luôn luôn phải tìm được một ông nào đó để chịu trách nhiệm mới được làm. Nếu nói vậy, tốt nhất là gói nó ở đấy chứ không nên làm.
Cũng tại hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015, ông Phạm Viết Muôn có chỉ ra, trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng có những công ty lớn như Điện lực dầu khí vốn đầu tư cả tỉ USD, rồi Tổng công ty Xăng dầu vốn cũng rất lớn. Các công ty trong Tập đoàn Điện lực nếu cổ phần hóa thì cũng đẩy ra thị trường số vốn rất lớn.
Có rất nhiều các doanh nghiệp như vậy, SCIC có kham nổi?