Cổ phiếu FLC chìm trong sắc đỏ, nhiều nhà đầu tư "tháo chạy"
Mở cửa thị trường phiên 28/3/2022, cổ phiếu "họ" FLC đồng loạt giảm sâu với mức giảm từ 6,9% - 9,9% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.
Cụ thể, ngay đầu phiên sáng 28/3, hàng loạt cổ phiếu ''họ'' FLC, gồm: FLC, ROS, HAI, KLF, AMD, ART đồng loạt bị bán ở mức giá sàn, giảm mạnh 6,9% - 9,9% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.
Mã FLC vào lúc 10 giờ 40 phút đang bán ở mức giá 13.600 đồng/ cổ phiếu (CP), giảm sàn mất 6,9%, khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị và dư bán giá sàn với gần 64,5 triệu đơn vị. Mã ROS cùng thời điểm trên bán giá sàn mất 7%, xuống 8.770 đồng/CP, khớp lệnh hơn 3,4 triệu đơn vị và dư bán giá sàn gần 58 triệu đơn vị.
Mã KLF cũng bán giá sàn mất 9,9% xuống 6.400 đồng/CP, khớp lệnh hơn 5,2 triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 19,83 triệu đơn vị. ART cũng bán giá sàn mất 9,65% xuống 10.300 đồng/CP, khớp lệnh hơn 3,78 triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 5,6 triệu đơn vị.
Mã AMD cũng bán giá sàn mất 7% xuống 6.650 đồng/CP, khớp lệnh gần 2,25 triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 13,1 triệu đơn vị. Còn HAI cũng bán giá sàn mất 7% xuống 6.320 đồng/CP, khớp lệnh hơn 2,55 triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 7,9 triệu đơn vị.
Từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC - bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 5 tháng do bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC (vào ngày 10/1), nhiều công ty chứng khoán đã siết việc cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) để mua các cổ phiếu liên quan, nhằm hạn chế rủi ro.
Ở một số công ty chứng khoán lớn, tổng dư nợ cho vay margin của các mã như FLC và ROS gần về bằng 0.
Tuy nhiên, theo Giám đốc của một công ty chứng khoán lớn, trong trường hợp cổ phiếu "họ FLC" tiếp tục bị bán tháo và mất thanh khoản liên tục như giữa tháng 1 vừa qua, không ít nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.
Đặc biệt trong khi kênh chính thống khó vay, để lấy "siêu margin" ở các mã "họ FLC", nhiều nhà đầu tư chọn cách vay tín chấp ở "kho ngoài" tỉ lệ 2:8 (2 đồng vốn, 8 đồng vay), 3:7, 1:9 với lãi suất lên đến 14%.
Khi nhận thấy cổ phiếu "họ FLC" rủi ro cao, nguy cơ mất vốn vay, các "kho ngoài" sẽ đặt lệnh bán để thu hồi nợ, khiến giá cổ phiếu lao dốc thêm.
Cũng trong sáng nay (28/3), bộ tứ họ FLC trên sàn HOSE vẫn trong trạng thái bị xả bán ồ ạt. Trong đó, ROS và FLC đang dư bán sàn trên dưới 60 triệu đơn vị, còn AMD dư bán sàn hơn 13 triệu đơn vị và HAI dư bán sàn gần 8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, vẫn có những nhóm cổ phiếu giao dịch thành công đi ngược xu hướng thị trường. Điển hình là nhóm cổ phiếu thủy sản, với ACL, IDI và CMX xoay quanh mức giá trần, ASM tăng hơn 5% và có thời điểm áp sát giá trần, VHC tăng 3,8%…
Nhóm cổ phiếu phân bón không tăng tốc mạnh nhưng cũng đồng loạt có được sắc xanh như DCM, DPM, BFC tăng trên dưới 2%, TSC tăng kịch trần…
Trước đó ngày 25/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT cũng gây xôn xao thị trường khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính với tổng các mức phạt là 495 triệu đồng.
Cổ phiếu FLC đóng cửa phiên cuối tuần trước tại mức giá 14.600 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm 2,34% trong tuần nhưng vẫn tăng 16,8% trong một tháng qua. Dù vậy, so với đầu năm, FLC vẫn giảm mạnh gần 19%. FLC từng đạt 22.550 đồng thời điểm đóng cửa phiên 7/1 nhưng đến nay đã giảm hơn 35% so với đỉnh...