Cổ phiếu ngân hàng đang quá đắt?
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng ngày càng chứng minh được bản lĩnh của “người dẫn đường” đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi liên tiếp tăng mạnh trong suốt một thời gian dài, thậm chí còn được kỳ vọng sẽ tăng tiếp. Tuy nhiên, cũng như các ngành khác, một cổ phiếu cụ thể có thể sẽ khác nhiều so với chỉ số chung của cả ngành.
Theo ý kiến của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường chung liên tiếp thăng hoa kéo theo mức tăng giá của hầu hết cổ phiếu tại các nhóm ngành thì nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm ngành có sức tăng “đồng đều” nhất. Trong quý I vừa qua, có tới 21/26 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá.
Dư địa tăng trưởng còn nhiều
Nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ cùng với sự chuyển biến từ chính nội tại, đặc biệt là chính sách chia cổ tức với tỷ lệ khủng của hàng loạt ngân hàng (đây là vấn đề luôn gây ra sự thất vọng cho các cổ đông nhiều năm trước đó) đã ngày càng tạo ra sự hứng khởi cho nhiều nhà đầu tư, thu hút dòng tiền hướng vào tâm điểm là cổ phiếu ngân hàng.
Có thể kể đến như cổ phiếu SHB từ mức đáy cuối tháng 1 tính đến nay tăng hơn gấp đôi, VIB tăng 85%, KLB tăng 70%, CTG, STB, MBB và MSB đã tăng xấp xỉ 50%, ACB và NAB tăng 45%, EIB tăng 40%, SSB từ lúc lên sàn hôm 24/3 đến nay tăng hơn 40%,…
Tính đến thời điểm hiện tại, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt mức đỉnh lịch sử như VPB, MBB, TCB, BID, CTG…, nhưng nhóm cổ phiếu này vẫn được nhìn nhận còn khá nhiều dư địa tăng trưởng.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, do có lợi thế về mặt thanh khoản và các thông tin hỗ trợ.
Đồng quan điểm, báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa được công bố của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng đưa ra nhận định, các ngân hàng sẽ chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.
BSC cho rằng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.
Đặc biệt, theo Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 sẽ tăng thấp hơn mức tăng trưởng ấn tượng của năm 2020, nhưng sẽ theo hướng bền vững hơn khi Vn-Index dao động trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm nhờ lợi thế về phục hồi và ngành ngân hàng sẽ làm nhóm đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng này.
Đáng chú ý, mặc dù liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm tới nay, nhưng các nhà đầu tư/quỹ đầu tư ngoại đang tập trung nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, thể hiện rõ kỳ vọng vào nhóm dẫn dắt này.
Nhưng không là của tất cả
Không thể phủ nhận dư địa tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn tới, nhưng tại mỗi báo cáo triển vọng đều chỉ đưa ra kỳ vọng chung cho toàn ngành. Tất nhiên, cũng như những nhóm ngành khác, sự tươi sáng của toàn ngành đôi khi không tồn tại ở một cổ phiếu cụ thể.
Theo ông Trần Tánh – Phó phòng phân tích và nghiên cứu, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, sau giai đoạn tăng nóng vừa qua, cổ phiếu của nhóm ngân hàng đã được định giá ở mức tương đối cao. Hiện nay, P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) cổ phiếu ngành này ở mức 1,5x và ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) kỳ vọng năm nay là 19%. Điều này đồng nghĩa với việc, các cổ phiếu ngân hàng đang trở nên khá đắt đỏ.
Tuy nhiên, đối với các “ông lớn” như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, VPBank... thì sự đắt đỏ này có thể do kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Và với những gì đã diễn ra trong suốt thời kỳ phát triển nhiều năm, những cái tên này chưa bao giờ làm giới đầu tư thất vọng.
Nhưng điều này lại rất khó giải thích với một số ngân hàng niêm yết có vốn hóa nhỏ. Sự việc cổ phiếu SHB vừa vượt đỉnh lịch sử vẫn đang gây bất ngờ cho giới đầu tư, bởi ngân hàng này không có thông tin gì đột biến ngoài kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng 70% so với năm ngoái.
Trong khi đó, SHB lại đang đối mặt với rủi ro xuất phát từ các đợt tăng vốn quá nhanh trong quá khứ. Kể từ năm 2015 đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng gấp gần 2 lần, từ mức 9.486 tỷ đồng lên 17.558 tỷ đồng. Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh tăng chậm, không tương xứng với biên lãi ròng (NIM) chỉ khoảng 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình ngành 3,84%.
Hay giữa bối cảnh dòng tiền đổ vào nhóm ngân hàng như “thác” thì mức tăng của BAB lại khiến giới đầu tư phải đặt ra nghi vấn, bởi hoạt động của Bac A Bank là quá "nhẹ cân" nếu so sánh với các ngân hàng đang niêm yết khác.
Theo báo cáo tài chính năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Bac A Bank đạt 737 tỷ đồng (giảm 21%) do chi phí rủi ro tăng mạnh, thu nhập lại thuần tăng trưởng yếu; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,69% lên 0,79%.
Đặc biệt, cơ cấu cổ đông quá cô đặc và không có cổ đông lớn là yếu tố quá dễ để các "đội lái làm giá" cổ phiếu BAB và khi sóng cổ phiếu ngân hàng qua đi, BAB sẽ là cái tên đầu tiên có thể gặp vấn đề về thanh khoản. Rủi ro tương tự cũng đang tồn tại ở SSB của SeA Bank.
Theo nhận định của TS. Võ Đình Trí (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, IPAG Business School Paris, và AVSE Global): “Nhóm ngành nào cũng có cổ phiếu đắt và rẻ nhưng sẽ có những cổ phiếu đắt xắt ra miếng, nhưng cũng sẽ có những cổ phiếu đắt khiến nhà đầu tư ngậm đắng nuốt cay. Mỗi nhà đầu tư đều có khẩu vị và biện pháp định giá của riêng mình, nhưng dù trong trường hợp nào đi nữa thì việc thẩm định kỹ càng cũng là cách phòng ngừa rủi ro rất hiệu quả".