"‘Sóng" cổ phiếu ngân hàng

Theo Lê Hải/ndh.vn

Cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm nhờ thông tin chuyển sàn, tăng vốn và phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuần qua, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank (UPCoM: LPB) gây chú ý với 12 triệu cổ phiếu được giao dịch trong ngày 17/9, gấp đôi so với mặt bằng chung. Trước đó, mã này cũng đạt thanh khoản đột biến 16 triệu cổ phiếu trong phiên 14/9, cao nhất trong 3 tháng qua. Thị giá LPB tăng 42% từ đáy đầu tháng 6 và hơn 61% từ mức thấp nhất cuối tháng 3. 

Mã STB của Sacombank (HoSE: STB) cũng ghi nhận khối lượng hơn 24 triệu cổ phiếu “trao tay” ngày 17/9, cao nhất trong gần 2 tháng qua. Thị giá mã này tăng hơn 15% tính từ mức đáy cuối tháng 7 và gần 60% so với mức đáy cuối tháng 3. ACB cũng ghi nhận thanh khoản cao với 12 triệu cổ phiếu giao dịch trong phiên 17/9. 

Hay cổ phiếu VIB cũng ghi nhận thanh khoản hơn 2,4 triệu đơn vị ngày 18/9, cao hơn 2-3 lần bình quân tuần. Đồng thời, thị giá tăng gần 7% trong phiên, lên giá 25.000 đồng/cp, cao hơn 43% so với đáy cuối tháng 7 và 95% so với đáy cuối tháng 3. 

Không riêng 3 mã trên, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều tăng 10-40% chỉ tính từ đầu tháng 8, có thể điểm tới như SHB tăng 43%, ACB 29%, HDB 26%, TCB 20%... 

Diễn biến một số cố phiếu ngân hàng từ đầu tháng 8. Đồ thị: Trí thức trẻ.
Diễn biến một số cố phiếu ngân hàng từ đầu tháng 8. Đồ thị: Trí thức trẻ.

 

Động lực từ chuyển sàn, tăng vốn

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa thông báo chấp nhận hồ sơ niêm yết của SHB. Động thái này cho thấy kế hoạch chuyển sàn của ngân hàng đang diễn ra. Động lực rời HNX của SHB đến từ việc muốn nâng cao thương hiệu cổ phiếu, tiếp cận các nhà đầu tư lớn. Nhà băng này đang có kế hoạch thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV SHB (SHB Finance) cho khối ngoại.

Bên cạnh SHB, ACB cũng đang thực hiện việc chuyển sàn sau khi HĐQT có nghị quyết triển khai vào cuối tháng 8. Ngân hàng này cũng đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% cho cổ đông, bước đầu tiên của việc sang HoSE. 

VIB vừa qua được NHNN chấp thuận tăng vốn lên từ 9.244 tỷ đồng lên hơn 11.000 tỷ đồng thông qua chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, nhà băng này đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE. 

LienVietPostBank cũng nộp hồ sơ niêm yết và cam kết sẽ lên sàn HoSE trong năm 2020. VIệc rời UPCoM của ngân hàng có thể nhằm hướng đến việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ không quá 4,99% vốn. 

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu ngân hàng. Các nhà băng niêm yết trên HoSE vào cuối năm như ACB, LienVietPostBank và VIB sẽ giúp cổ phiếu có mức định giá cao hơn do minh bạch hơn về thông tin. Việc này cũng giúp ngân hàng tiếp cận nhiều nhà đầu tư hơn, thuận lợi cho kế hoạch tăng vốn.

Theo Hiệp định EVFTA, các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới "room" chung. Đây sẽ là cơ hội để các nhà băng Việt Nam thu hút sự quan tâm của khối ngoại. 

Lợi nhuận tăng trong năm 2021

Dưới tác động của Covid-19 đến toàn nền kinh tế, chất lượng tài sản của ngân hàng có chiều hướng giảm. Theo BSC, tổng nợ nhóm 2-5 trên dư nợ của toàn ngành tăng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2019, lên 3,2%. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có khoảng 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tương đương 30% tín dụng toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng. 

Các ngân hàng đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng việc liên tục rao bán các nợ và tài sản đảm bảo. Sacombank rao bán hàng loạt bất động sản trăm tỷ đồng tại TP HCM và một số tỉnh khác. VIB thanh lý xe và các tài sản đảm bảo. Trong khi đó, 3 ngân hàng quốc doanh liên tục đăng tin phát mại nợ.

Mặt khác, nâng vốn điều lệ là một trong bước giúp các ngân hàng chuẩn bị “bộ đệm” khi Thông tư 01 hết hiệu lực. Một số bên như LienVietPostBank, OCB tìm đến cổ đông ngoại phát hành riêng lẻ. Trong khi đó, phần lớn ngân hàng thực hiện qua trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn tích lũy như HDBank, ACB, VIB… Theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng không được chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay nhằm dành nguồn lực ứng phó Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp. 

"‘Sóng" cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Reserch cho rằng các ngân hàng quốc doanh chịu nhiều áp lực hơn từ NHNN trong việc hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ đại dịch, trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý. 

Dù lãi trước thuế năm 2020 của các ngân hàng được dự báo giảm, năm 2021, khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% trong khi nhóm ngân hàng TMCP tăng 11,2%.