Cổ phiếu ngành thép "thăng hoa"

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Hai phiên giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu ngành thép đã thay thế nhóm ngân hàng thu hút dòng tiền trên thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hầu hết các cổ phiếu ngành thép đều tăng giá khá tốt trong phiên giao dịch hôm thứ Ba tuần này, điển hình như HPG tăng 1,6%, HSG tăng 0,6%, NKG tăng 1,6%, TIS tăng 2,4%…

Đà tăng tiếp nối trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Lý do cơ bản là lợi nhuận quý IV/2016 của các doanh nghiệp ngành thép rất tốt, giúp cải thiện chỉ số P/E của cổ phiếu ngành này.

Cổ phiếu thép đầu ngành là HPG hiện đang giao dịch với P/E chỉ khoảng hơn 6 lần vì lợi nhuận cả năm ước tính tới hơn 6.000 tỷ đồng. Dù kế hoạch lợi nhuận năm 2017 của HPG chưa được tiết lộ và kế hoạch lợi nhuận có thể thấp hơn mức thực hiện của năm 2016 đã phản ánh vào giá cổ phiếu, dẫn đến rủi ro cho những nhà đầu tư mua cổ phiếu ở thời điểm này, nhưng với tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn còn rất lớn, nên rủi ro này cũng không quá đáng ngại.

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng đang giao dịch với mức P/E 6,3 lần ước tính cho năm  tài chính 2016 -2017 khi tập đoàn này đặt kế hoạch lợi nhuận năm tài chính mới hơn 1.600 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Trí, Phó tổng giám đốc HSG chia sẻ bên lề Đại hội đồng cổ đông mới đây rằng kế hoạch lợi nhuận này khá khả thi. Chưa kể, HSG còn chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ tới 75%. Sau khi chia thưởng xong, nếu giá cổ phiếu điều chỉnh giảm về 30.000 đồng/cổ phiếu thì nhà đầu tư vẫn có lời. Tuy nhiên, rào cản tăng giá với cả HSG và HPG là làn sóng chốt lời của nhiều nhà đầu tư đã tích lũy cổ phiếu trong năm qua. Dù vậy, lệnh mua bán 2 cổ phiếu này của nhà đầu tư ngoại khá sôi động và bên mua có phần nhỉnh hơn về khối lượng.

Các doanh nghiệp thép quy mô nhỏ hơn đều có kết quả kinh doanh rất khả quan. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, quý IV/2016 lợi nhuận dự kiến đạt 60-70 tỷ đồng nâng tổng lợi nhuận cả năm lên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhóm ngành tôn thép thì diễn biến giá nguyên liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.

Năm qua, xu thế giá nguyên liệu đi lên nên các doanh nghiệp hưởng lợi. Hiện nay, giá thép nguyên liệu đang đứng ở mức 520 USD/tấn cán nóng và chưa rõ xu hướng sẽ tăng hay giảm.

Nếu nói đến nhóm cổ phiếu P/E thấp, phải kể đến hai cổ phiếu ngành xây dựng là CTD của CTCP Coteccons và HBC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình. Cả hai doanh nghiệp này đều hứa hẹn công bố lợi nhuận khủng trong quý IV/2016.

Theo ước tính của giới phân tích, quý IV này, CTD có thể lời khủng khi các hợp đồng đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Sau 9 tháng, CTD đã vượt kế hoạch lợi nhuận 20% khi lãi ròng 961 tỷ đồng và lợi nhuận quý IV/2016 có thể giúp chỉ số P/E của CTD ở thị giá hiện nay giảm về chỉ 8-9 lần.

Giới phân tích cũng dự báo HBC ghi nhận lợi nhuận quý IV/2016 là 240 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) xấp xỉ 6.000 đồng, tương đương P/E hơn 5 lần ở mức giá 32.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Triển vọng của ngành xây lắp năm 2017 khá tốt nhờ thị trường bất động sản ổn định về sức cầu và các chủ đầu tư vẫn tiếp tục ra hàng, chào bán được sản phẩm trên thị trường. HBC còn hơn 21.000 tỷ đồng giá trị các hợp đồng thầu xây lắp thực hiện cho các năm tiếp theo.

So với mặt bằng chung của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng không phải là nhóm có P/E thấp. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khởi sắc từ tuần trước và thu hút dòng tiền là cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, BID, CTG…

Giới đầu tư cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lặng sóng cả năm qua và một số cổ phiếu đã giảm khá sâu, vì thế, ở thời điểm này, khi các biến động lớn của ngành ngân hàng không còn, nhóm này sẽ phục hồi trở lại.

Nguyên nhân trực tiếp kích hoạt dòng tiền quay lại cổ phiếu ngân hàng việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2509, cho phép tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90% đối với các ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tỷ lệ giới hạn trước đó là 80% theo Thông tư 36/2016 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, ba ngân hàng lớn là VietinBank, BIDV và Vietcombank là những đối tượng được hưởng lợi lớn khi được phép mở rộng quy mô cho vay sau quyết định này. Quyết định mới giúp giảm áp lực cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng thương mại nói chung và mở ra cơ hội tạo ra lợi nhuận nhiều hơn đối với những ngân hàng còn dư địa cho vay lớn so với giới hạn 90%.

“Ngoài ra, việc Vietcombank chính thức công bố xử lý xong phần nợ xấu bán cho VAMC cũng cho thấy tín hiệu tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng nói chung và việc dòng tiền trở lại mạnh mẽ đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là diễn biến hợp lý”, nguồn tin từ Công ty Chứng khoán MBS nhận định.

Mặc dù nhiều cổ phiếu còn ở mức P/E thấp, nhưng dòng vốn ngoại có bán ròng nữa hay không còn là ẩn số cho đến sau thời điểm Tổng thống mới của Mỹ nhậm chức. Và thị trường, theo thông lệ hàng năm, nhiều khả năng còn lình xình cho đến khi mùa đại hội đồng cổ đông với thông tin rõ ràng hơn cho kế hoạch 2017.