Cổ phiếu nhiệt điện than, cơ hội đầu tư dài hạn
(Tài chính) Theo đúng lộ trình được vạch ra trong Đề án Tái cơ cấu các DNNN thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), tập đoàn này mới đây đã trình Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực Vinacomin.
Nếu phương án này được phê duyệt, Tổng công ty sẽ tiến hành IPO vào tháng 11 tới đây tại Sở GDCK Hà Nội và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 1/2015.
Theo phương án cổ phần hóa trình Bộ Công Thương, giá trị thực tế doanh nghiệp của Công ty mẹ -Tổng công ty Điện lực Vinacomin để cổ phần hóa tính đến thời điểm 1/4/2014 được HĐTV TKV phê duyệt là trên 26.186 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn Nhà nước theo sổ sách là 5.036 tỷ đồng, giá trị vốn Nhà nước do TKV thẩm định, phê duyệt là 5.606,7 tỷ đồng, chênh lệch tăng vốn Nhà nước sau khi xác định giá trị doanh nghiệp là 570,6 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến của Tổng công ty sau cổ phần hóa dự kiến là 6.800 tỷ đồng, tương ứng với 680 triệu cổ phần; trong đó, Nhà nước nắm giữ 65% cổ phần, trị giá 4.420 tỷ đồng, tương ứng 442 triệu cổ phần.
Về hình thức cổ phần hóa, Ban Đổi mới doanh nghiệp, Tổng công ty cho biết sẽ thực hiện bán một phần vốn Nhà nước kết hợp với phát hành thêm cổ phiếu; trong đó, bán phần vốn Nhà nước chiếm 1.186,7 tỷ đồng, phát hành thêm cổ phiếu trị giá 1.193,2 tỷ đồng. Cũng theo Ban Đổi mới doanh nghiệp, số cổ phần dự kiến sẽ bán ra cho cổ đông bên ngoài hơn 236 triệu đơn vị, tương đương 34,76% vốn điều lệ; số còn lại bán được phát hành cho CBCNV.
Dù phương án cổ phần hóa đã trình Bộ Công Thương chưa đề cập tới cổ đông chiến lược, song theo ông Ngô Chí Thịnh, Tổng giám đốc Điện lực Vinacomin, Tổng công ty vừa tổ chức xong việc đấu thầu thuê đơn vị tư vấn và hiện đang đàm phán hợp đồng với Liên danh SMBC Nikko - PSI (Nhật Bản) để tìm nhà đầu tư chiến lược. Theo định hướng của Tập đoàn, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược sẽ tập trung vào nhóm nước G7 và Hàn Quốc để đảm bảo tính khả thi.
Ông Thịnh cũng chia sẻ, đến thời điểm này, phương án IPO của Tổng công ty chưa được nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. “Đơn vị tư vấn đã trao đổi với một số nhà đầu tư thì được biết, họ lo ngại rủi ro khi tham gia vào thị trường điện của Việt Nam. Ví dụ như chênh lệch tỷ giá chưa được tính vào giá bán điện, nhà máy vẫn hoạt động dưới công suất trong một số thời điểm trong năm”, ông Thịnh nói và cho biết, chính vì lý do này, Tổng công ty và TKV đang cân nhắc phương án giá khởi điểm đưa ra đấu giá cổ phần, nhất là khi kinh tế chung vẫn chưa thực sự phục hồi.
Trái với những lo lắng của Tổng giám đốc Điện lực Vinacomin, ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư VinaCapital nhấn mạnh tại Hội nghị thường niên các nhà đầu tư 2014 vừa diễn ra mới đây: “Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa DNNN đang diễn ra và háo hức chờ đợi những cơ hội đầu tư lớn từ các đợt IPO. Các nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới những DNNN hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, như nhà máy phát điện, cảng biển, nhất là một số nhà máy phát điện có kế hoạch cổ phần hóa và IPO trong cuối năm nay”.
Cũng theo ông Lâm, e ngại về đặc thù ngành điện thu hồi vốn chậm sẽ kém thu hút nhà đầu tư nước ngoài là không cần thiết, bởi hiện nay, các nhà đầu tư quan tâm đến xu hướng đầu tư dài hạn, từ 10 - 15 năm vào các dự án cơ sở hạ tầng.
“Số vốn đầu tư lớn hay nhỏ không thành vấn đề, quan trọng nhất là dự án đầu tư có khả thi hay không. Nhà đầu tư nhìn vào giá bán điện là bao nhiêu, tiền đầu tư mua cổ phần bao nhiêu, lợi nhuận ít nhất cần 12%/năm, cao hơn tiền lãi vay dài hạn 10%/năm là họ sẽ đầu tư” ông Lam phân tích và khuyến nghị, để khắc phục điểm yếu suất đầu tư lớn của nhà máy điện thì nên định giá DN ban đầu ở mức vừa phải để thu hút nhà đầu tư mua cổ phần, sau đó sẽ tăng giá cổ phần lên dần trong những đợt sau để bù lại thì sẽ thành công và trường hợp IPO của Tổng công ty Điện lực Vinacomin cũng không phải là ngoại lệ.