Cổ phiếu nhóm ngành nào triển vọng tăng trưởng tốt năm 2022?
Thị trường chứng khoán đã mang lại nhiều kết quả ngọt lành cho không ít nhà đầu tư trong năm 2021 bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Vậy bước sang năm 2022, trong chiến lược đầu tư của mình, nhóm cổ phiếu nào có triển vọng tăng trưởng tốt mà nhà đầu tư cần dành sự quan tâm hơn cả?
Gợi ý về nhóm ngành đầu tư cổ phiếu tốt trong năm 2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho rằng nhà đầu tư có thể quan tâm đến các doanh nghiệp bất động sản có lợi thế về quỹ đất và nguồn lực tài chính, đồng thời có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm 2022.
Đồng thời, nhà đầu tư có thể cân nhắc các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của ngành - đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ hoặc một số doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm hồi phục trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội và thích nghi "bình thường mới".
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các ngành gắn liền với hoạt động khai thác tài nguyên trong nước như: dầu khí, xi măng, khai thác và chế biến kim loại màu... cũng rất đáng được quan tâm.
Trong khi đó, theo Công ty chứng khoán VNDirect, với độ phủ rộng rãi của vắc xin, nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý I/2022. Do đó, một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 như: Hàng hóa công nghiệp, Dịch vụ, Bán lẻ và Bất động sản...
Trong khi đó, dự báo về các nhóm ngành bứt phá trong năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE cho biết, Việt Nam hiện đã có độ phủ vắc xin cao, trong chiến lược mở cửa thì đây là cơ hội rất lớn cho hầu hết nền kinh tế có thể bật tăng trở lại.
Thêm vào đó, theo một số dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 sẽ tăng khoảng 17-20% so với năm 2021. Do vậy, các nhóm ngành sẽ tiếp tục có sự phân hóa, trong đó ngành Tài chính, Chứng khoán, dịch vụ liên quan đến bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc. Riêng ngành Ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 20-25%, còn các cổ phiếu ngành Hàng không sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chính sách..
Về phương diện vĩ mô, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng) bình quân khoảng 4%...
Trong bối cảnh đó, một số ngành sẽ trở thành yếu tố "dẫn đường", động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế năm 2022 có thể gồm: Nhóm vật liệu, xây dựng (do cả nước tập trung đẩy mạnh thực hiện đầu tư công sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số); Nhóm ngành có tỉ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, caosu, sắt thép, lương thực... (do nhu cầu tiêu dùng của thế giới tăng, nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại sẽ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu); Nhóm ngành đồ uống, bán lẻ, hàng không... (phục hồi do nhu cầu trong nước tăng); Nhóm thương mại điện tử và logistics (do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh)...
Do vậy, các nhà đầu tư cũng cần dành sự quan tâm cho các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực này bởi nếu tình hình thuận lợi, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng tốt.