Cổ phiếu tài chính – ngân hàng: “đáng để đầu tư” nhất trong năm 2018

Theo Minh Ngọc/thoibaonganhang.vn

Đó là một trong những kết quả kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đưa ra cùng với việc công bố Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2017 ngày 19/12/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghị quyết 42 đang hỗ trợ thị trường

Nhận định chung của các đối tượng khảo sát mà Vietnam Report (chuyên gia và các DN niêm yết) khảo sát cho thấy hơn 45% đối tượng được hỏi đánh giá cao nhóm cổ phiếu tài chính – ngân hàng vì có nhiều cổ phiếu tăng trưởng và có khả năng sinh lời tốt nhất thị trường chứng khoán trong năm 2017.

Nhóm này được kỳ vọng sẽ là nhóm cổ phiếu tiềm năng “đáng để đầu tư” nhất trong năm 2018. Kế đến là ngành Bất động sản – Xây dựng và Hàng tiêu dùng với tỷ lệ lựa chọn lần lượt tương ứng là 29,2% và 20,8%.

Mặc dù hiện nay còn nhiều tranh cãi về Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, nhưng Nghị quyết này vẫn được đánh giá là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường tài chính – ngân hàng trong năm 2017 – 2018.

Theo công bố mới đây của đại diện công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), kể từ sau khi triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, VAMC đã thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khi có nhiều hơn nữa các ngân hàng vào cuộc, vấn đề xử lý nợ xấu sẽ được cải thiện triệt để hơn, giúp đánh tan cục máu đông nợ xấu, khơi thông dòng tiền và thúc đẩy toàn nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn. Động thái này của ngành Ngân hàng cũng sẽ góp phần tháo gỡ những bất cập đang tồn tại và hỗ trợ các DN bất động sản trong thời gian tới đây.

Đáng chú ý, trong Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2017 nhóm Blue chip có 7/10 DN dẫn đầu về tổng doanh thu, 10/10 DN có lợi nhuận sau thuế năm 2016 thuộc Top 5 so với các DN niêm yết hoạt động cùng ngành. CTG cùng VIC là 2 DN có điểm số truyền thông cao nhất, trong khi VNM là DN được nhiều chuyên gia đánh giá đứng vị trí số 1 về uy tín với tỷ lệ lựa chọn cao nhất 66,7%.

Ở nhóm Mid cap, 8/10 DN có tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 thuộc Top 10 ngành hoạt động, HBC là DN có điểm số truyền thông cao nhất, PNJ là DN có 61,1% lựa chọn nằm trong Top 3 DN niêm yết được chuyên gia lựa chọn tiêu biểu nhất.

Chất lượng doanh nghiệp là yếu tố quan tâm hàng đầu

Khảo sát chuyên gia do Vietnam Report thực hiện trong tháng 12/2017 cho thấy, thị trường chứng khoán trong năm 2017 tăng trưởng mạnh về chỉ số VN-Index (từ 665 lên 926, tương đương với mức tăng khoảng 40%), mức tỷ trọng vốn hóa tăng từ 35% GDP vào năm 2015 lên mức 65% GDP trong năm nay, thanh khoản tăng gấp đôi năm 2016, các nhà đầu tư ngoại tích cực mua ròng với tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp tăng khoảng 47% kể từ đầu năm 2017…

Một điểm đáng chú ý khác là nếu như trước đây, tâm lý đám đông có ảnh hưởng nhiều nhất đến các quyết định giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư thì nay tình hình phát triển của công ty được đánh giá là yếu tố tác động lớn nhất tới biến động giá cổ phiếu.

Thực tế thị trường chứng khoán thời gian qua cũng có sự phân cấp cổ phiếu: nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, đầu ngành và có kết quả kinh doanh tốt tăng giá mạnh, chỉ số P/E ở mức rất cao.

Trong khi đó, các cổ phiếu yếu kém vẫn giảm giá liên tục. Có thể thấy, các nhà đầu tư chứng khoán đang bớt dần kiểu đầu tư theo phong trào và bắt đầu có sự nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về chất lượng của các cổ phiếu đang giao dịch.

Quản trị thông tin trên truyền thông của các DN niêm yết đã được cải thiện đáng kể

Uy tín luôn được đánh giá là tài sản vô hình vô giá, là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động đầu tư vào một DN niêm yết, đặc biệt là uy tín trên truyền thông. Theo nghiên cứu của Vietnam Report và các đối tác, để được đánh giá cao trên truyền thông, DN cần đạt được một tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực nhất định (trên 10% tổng số thông tin được mã hóa).

Trong quá trình đánh giá và xếp hạng Top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín năm nay, Vietnam Report nhận thấy số lượng các DN đạt thông tin tích cực và tiêu cực ở mức hợp lý là khá cao (chiếm trên 70% tổng số các DN đạt đủ ngưỡng nhận biết trên truyền thông), trong đó 100% số DN thuộc Top 10 đều có tỷ lệ chênh lệch thông tin trên 10%, điển hình như KDH, PTB, NLG, HBC, VNM…

Bên cạnh đó, kết quả phân tích theo 24 nhóm chủ đề nghiên cứu cho thấy, các tin tức về DN niêm yết trên truyền thông được dàn trải, không chỉ bó hẹp trong kết quả kinh doanh hay sản phẩm/dịch vụ, mà bao gồm cả nhân sự, văn hóa doanh nghiệp, quan hệ cổ đông…

Theo kinh nghiệm phân tích truyền thông tại Việt Nam cho thấy, 4/24 nhóm chủ đề là ngưỡng cần thiết để thông tin về một DN có đủ độ nhận biết và bao phủ trên truyền thông. Theo đó, 100% số DN thuộc Top 10 đều đạt và vượt ngưỡng 4/24, ấn tượng nhất là CTG với 20/24 nhóm chủ đề bao phủ.

“Truyền thông có tác động không nhỏ đến hoạt động cũng như giá cổ phiếu của các DN niêm yết. Để xây dựng uy tín tốt trên truyền thông, DN cần lựa chọn công bố đúng và đủ lượng thông tin cần thiết, có kế hoạch dự phòng cho những trường hợp khủng hoảng thông tin bất ngờ” báo cáo viết.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Các DN niêm yết cũng cần tận dụng tốt các cơ hội từ kênh đầu tư này, bảo vệ và phát triển uy tín của mình một cách hiệu quả, qua đó giúp tăng giá cổ phiếu, giá trị thương hiệu và mức độ hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong khu vực và thế giới.