Cơ sở lý thuyết và thực tiễn xây dựng thuế tài sản tại Việt Nam
Thuế tài sản là một sắc thuế được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới. Thuế tài sản có vai trò quan trọng, không chỉ là nguồn thu của ngân sách mà mục tiêu quan trọng hơn là điều tiết hành vi sử dụng các tài sản của xã hội, đặc biệt là những tài sản hữu hạn về số lượng. Nghiên cứu từ các cơ sở lý thuyết , bài viết bàn về ý nghĩa của thuế tài sản và việc cần thiết xây dựng Dự án Thuế tài sản ở Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết xây dựng Luật Thuế tài sản
Học thuyết thuế lần đầu tiên được nhà kinh tế học Adam Smith đề xuất năm 1776, với những tiền đề cơ bản như: Công bằng trong tính thuế, nghĩa là căn cứ vào thực lực kinh tế, chứ không phải cào bằng; Chừng mực, không quá cao, quá thấp; Không cực đoan, tức thích ứng với những ngoại lệ thông qua miễn giảm; Không áp dụng luật mới cho quá khứ, cái gì đã có theo luật cũ phải thừa nhận; Có hiệu quả, tức phí hành chính thu kiểm tra thuế và phí thủ tục khai báo thuế thấp (cũng vì vậy dự luật thuế phải trình được bảng dự toán cân đối thu chi khi thu thuế); Đơn giản hóa và người đóng không bị áp lực bởi thuế tăng; Minh bạch, rõ ràng. Thuế là nền tảng của thiết chế kinh tế có thể gây bất ổn kinh tế, một khi thiếu minh bạch, rõ ràng.
Theo lý thuyết kinh tế học, thuế tài sản thuộc thuế "gốc", tức đánh vào tài sản sẵn có, khác với thuế thu nhập đánh vào tài sản tăng thêm, được tính trên tổng số tài sản hiện có trừ đi trị giá vay mượn chưa trả. Do không mang bản chất khấu trừ đó, nên thuế nhà đất và thuế ô tô không thuộc thuế tài sản như ý kiến của một số chuyên gia tại một số diễn đàn, nó mang bản chất phí để thực thi chức năng quản lý của nhà nước đối với tài sản nhà đất và ô tô.
Kinh nghiệm quốc tế về đánh thuế tài sản
Ở Đức, thuế tài sản được ban hành lần đầu vào năm 1893. Tuy nhiên, từ năm 1997, nước Đức không áp dụng thuế tài sản. Mức đánh thuế của Đức năm cuối cùng 1997 = Tài sản hiện có - Nợ chưa trả - Mức miễn thuế đổ đồng 120.000 DM (thời điểm đó chưa lưu hành đồng Euro) cho 1 thành viên gia đình x Thuế suất 1% đối với cá nhân và 0,6% đối với pháp nhân (Điều 10 Luật VStG). Kết quả năm 1997, Đức thu được 9 tỷ DM (4,62 tỷ Euro).
Hiện nay, tại Đức, có thuế nhà đất nhưng cách thức tính thuế đang gây nhiều tranh cãi, bởi trị giá nhà đất lấy từ xưa, nay đã thay đổi và chênh lệch tùy từng địa phương, nên Tòa Bảo hiến ấn định, thuế nhà đất chỉ được phép thu theo luật hiện hành đến hết năm 2019, sau đó phải cải cách. Do chi phí cao khi xây dựng các chuẩn mực mới nên các chuẩn mực cũ được vận dụng tiếp trong luật cải cách thêm 5 năm, muộn nhất hết năm 2024.
Ở Đức, câu chuyện đánh thuế căn hộ thứ 2 nhằm mục đích trang trải chi phí nhà nước phát sinh ở địa phương có căn hộ đó (theo Điều 105 Hiến pháp Đức, thuế đánh vào những ai đăng ký hộ khẩu ở căn hộ thứ 2 dù thuê hay sở hữu). Tỷ suất tùy từng địa phương từ 5% tới 23% mỗi năm, phổ biến 10% trị giá.
Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, có các phương thức đánh thuế khác như: Thuế đối với đất, nhà và công trình trên đất; thuế đối với nhà; thuế đối với đất. Hầu hết các nước đánh thuế đối với cả nhà và đất. Về đối tượng chịu thuế, nhiều quốc gia thu thuế đối với cả nhà ở; đất ở, đất và các công trình không sử dụng để ở; đất cho mục đích công nghiệp. Đất ở, nhà ở nhìn chung chịu gánh nặng thuế thấp hơn so với các loại đất, nhà sử dụng cho các mục đích kinh doanh.
Thuế suất ở nhiều quốc gia cũng có sự khác nhau. Ngoài biểu thuế suất có nhiều mức, còn có sự phân biệt giữa các khu vực với số hệ số định giá khác nhau, phụ thuộc vào từng loại tài sản. Ví dụ, ở Philippines, thuế ở thành phố và đô thị trong khu vực Manila không vượt quá 2% giá trị định giá của bất động sản (BĐS). Còn Hàn Quốc ban hành biểu thuế suất lũy tiến theo giá trị tài sản và áp dụng các mức thuế khác nhau, trong đó thường điều tiết cao hơn đối với đất. Ví dụ, đất làm sân golf, khu giải trí cao cấp có mức thuế suất cao nhất, lên tới 4%; biệt thự, nhà trong sân golf và khu giải trí cao cấp cũng có mức thuế tương tự.
Ý nghĩa của việc xây dựng Luật Thuế tài sản
Thuế tài sản là một sắc thuế được áp dụng rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Trong những loại tài sản được đánh thuế trên thế giới, phổ biến nhất là BĐS như nhà đất, bởi đây được quan niệm là tài sản hữu hạn. Nếu một nhóm người có tiềm lực kinh tế chiếm hữu quá nhiều tài sản này sẽ dẫn đến không còn cơ hội cho những người yếu thế hơn. Từ đó, xảy ra tình trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận nhà ở, một quyền rất cơ bản của con người. Do đó, việc áp dụng thuế tài sản chính là nhằm điều tiết hành vi đó.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, thuế tài sản được đề cập đến từ nhiều năm trước đây. Gần đây, tính cấp bách của việc áp dụng thuế tài sản càng rõ hơn khi sự chênh lệch giữa nhóm người giàu và nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội ngày càng tăng. Hiện nay, có một số người có tiềm lực, thu gom tài sản để chiếm giữ, điển hình như nhà đất… khiến giá nhà, đất ngày càng cao, người nghèo càng khó có cơ hội tiếp cận nhà ở. Do đó, nếu chưa áp dụng thuế tài sản thì tình trạng đầu cơ và sự bất bình đẳng lại càng tăng. Khi tiền dồn vào đầu cơ không chỉ khiến giá cả tăng cao mà còn khiến nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh giảm sút, gây bất lợi cho hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Như vậy, lợi ích của việc chống đầu cơ là rất lớn, mà trong chống đầu cơ, thuế tài sản đóng vai trò hết sức quan trọng.
Từ khía cạnh ngân sách, việc áp dụng thuế tài sản có ảnh hưởng. Nguyên do là nếu Việt Nam áp dụng luật thuế này thì số thu cũng tăng lên, tuy nhiên, không nên cho rằng, vì thu cho ngân sách mà có thuế tài sản. Thuế trước hết là công cụ của Nhà nước để điều tiết các hành vi trong xã hội (Ví dụ: Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với những hàng hóa xa xỉ, hàng hóa không có lợi cho sức khỏe, cho xã hội, cần hạn chế tiêu dùng). Thuế tài sản cũng nhằm phân phối, điều tiết thu nhập, hạn chế các hành vi đầu cơ, khuyến khích những hành vi lành mạnh, mang lại lợi ích tốt đẹp cho xã hội.
Do vậy, phải thấy rằng, tăng thu không phải là mục tiêu đầu tiên của việc áp thuế tài sản mà trước hết và quan trọng hơn là để điều tiết tài sản. Người nào chiếm hữu, sở hữu nhiều tài sản thì cần có trách nhiệm với xã hội, khi làm giảm cơ hội tiếp cận tài sản của người khác. Khi đó, Nhà nước phải đứng ra làm người điều tiết, dùng nguồn thu đó để đầu tư trở lại cho xã hội. Bên cạnh đó, thuế tài sản còn làm lành mạnh thị trường BĐS.
Một số khuyến nghị
Có thể thấy, việc ban hành và thực thi thuế tài sản tại Việt Nam mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng sắc thuế này là không đơn giản. Thuế tài sản tác động đến nhiều đối tượng, nhiều người có thu nhập cao, người đầu cơ BĐS, thậm chí là kinh tế ngầm, xa hơn là một số hành vi rửa tiền chưa bị phát hiện. Do đó, dự án Luật Thuế tài sản thời gian qua khi đưa ra thảo luận, xin ý kiến các chuyên gia, người dân đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận, trên nhiều diễn đàn. Vì vậy, để có thể áp dụng thuế tài sản một cách khả thi, có được sự đồng thuận rộng rãi, dự thảo Luật cần làm nổi bật được tính điều tiết, phân phối từ những người nhiều tài sản cho những người yếu thế, người nghèo được hưởng lợi.
Theo đó, có thể thiết kế Luật theo hướng áp dụng một hệ số lũy tiến, tài sản càng nhiều thì mức đóng thuế càng cao (Ở nhiều nước, thậm chí có hệ số lũy tiến lên đến 10 – 12%). Hệ số lũy tiến có thể sẽ phù hợp, dễ tạo sự đồng thuận của người dân. Như vậy, những người có nhiều tài sản, tài sản có giá trị lớn phải đóng thuế nhiều, người có ít tài sản đóng thuế ít, người không có tài sản chịu thuế hoặc có sở hữu tài sản nhưng chưa đến mức phải tính thuế thì không phải nộp thuế. Quy định như vậy sẽ đảm bảo yêu cầu công bằng trong đánh thuế, giải quyết những vấn đề bất công bằng trong phân phối của cải, tài sản xã hội.
Ngoài ra, cùng với các chính sách quản lý khác của Nhà nước, thuế tài sản sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, giúp thị trường minh bạch hơn. Tuy nhiên, tác dụng thực tế của thuế tài sản trong việc hạn chế đầu cơ BĐS còn phù thuộc nhiều vào nội dung cụ thể của Luật như chọn đối tượng điều chỉnh, mức độ điều tiết cũng như thực tiễn triển khai thực thi Luật và sự đồng bộ của các chính sách quản lý BĐS.
Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam đã xác định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”; tại Điều 181, Bộ Luật này nêu rõ “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước giao quyền sử dụng cho các đối tượng trong xã hội để sử dụng đất và người sử dụng đất được phép mua bán, trao đổi quyền sử dụng đất trên thị trường thì thuế đánh vào tài sản sẽ đánh vào quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, quyền sử dụng đất chính là quyền tài sản, đồng thời cũng là tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 sắc thuế đánh vào quyền sử dụng đất gồm: Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đánh vào quyền sử dụng đất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đánh vào quyền sử dụng đất để ở, xây dựng công trình và sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Sự ra đời của Luật Thuế tài sản thay thế cho 2 luật thuế nói trên, đồng thời bổ sung thêm nhà vào đối tượng chịu thuế sẽ đảm bảo phù hợp các quy định pháp lý và thực tiễn hiện nay. Cũng theo nguyên tắc nói trên, mức thuế tài sản đối với nhà, tác giả cho rằng, không nên đánh thuế nhà giá trị thấp (chỉ nên quy định ngưỡng chịu thuế với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên hay 1 tỷ đồng trở lên).
Trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn đánh thuế tài sản tại một số quốc gia, tác giả đề xuất 2 phương án:
Một là, Nhà nước chỉ nên quy định đánh thuế vào tài sản thứ hai trở đi, còn tài sản thứ nhất thì không đánh thuế. Quy định như vậy thì người chỉ sở hữu một tài sản chịu thuế không phải nộp thuế. Người sở hữu từ hai tài sản chịu thuế trở lên sẽ phải nộp thuế đối với các tài sản chịu thuế còn lại ngoài tài sản chịu thuế thứ nhất.
Tuy nhiên, phương án này sẽ gặp khó khăn nhất định trong quản lý tài sản chịu thuế, như xác định số lượng tài sản chịu thuế của một người là bao nhiêu, việc xác định tài sản nào là thứ nhất, tài sản nào thứ hai trở đi. Ngoài ra, trường hợp một người có nhiều hơn một tài sản nhưng đều giá trị thấp, cuộc sống khó khăn với một người chỉ có một tài sản nhưng giá trị rất lớn, cuộc sống khá giả thì việc chỉ đánh thuế vào tài sản thứ hai trở đi lại trở nên không hợp lý.
Hai là, bất cứ tài sản nào có giá trị (xác định theo các quy định về giá tính thuế) vượt quá một ngưỡng nhất định sẽ thuộc diện phải tính thuế. Thuế tài sản sẽ tính trên phần giá trị vượt quá ngưỡng chịu thuế đó. Các tài sản có giá trị không vượt quá ngưỡng chịu thuế sẽ không thuộc diện tính thuế.
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quản lý tài sản dân cư, thị trường BĐS chưa thực sự minh bạch, hệ thống quản lý nhà đất và các giao dịch BĐS còn chưa đầy đủ thì việc tính thuế trên tất cả các tài sản không phân biệt thứ nhất, thứ hai có thể là phương án phù hợp hơn cả.
“Nghiên cứu này do trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh bảo trợ và cấp kinh phí theo Hợp đồng số 101/HĐ-DCT”.
Tài liệu tham khảo:
1. Dự thảo Luật Thuế tài sản, https://thuvienphapluat.vn;
2. Báo Nhân dân, “Khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản tại Việt Nam”, https://www.nhandan.com.vn;
3. Thời báo Kinh tế Sài Gòn, “Thuế tài sản – Góc nhìn đa chiều”, tháng 12/2018;
4. Thời báo Tài chính Việt Nam, “Sắc thuế tài sản sẽ giúp hạn chế nạn đầu cơ bất động sản”, tháng 11/2018.