Có thể “bán khống” một nền kinh tế?

Theo TBKTSG

Trong những ngày đầu năm 2010, James Chanos, nhà đầu cơ tài chính nổi tiếng của Mỹ, đã gây xôn xao dư luận khi ông công khai tuyên bố (trên kênh CNBC) rằng ông sẽ tìm cách “bán khống” toàn bộ thị trường Trung Quốc, vì nền kinh tế “bong bóng” - “gấp 1.000 lần Dubai” này sắp sụp đổ.

Ông còn nói rằng, do Trung Quốc cấm bán khống, nên ông sẽ bán khống gián tiếp thông qua các công cụ phái sinh (short derivative plays), các hàng hóa, nguyên vật liệu nhập vào thị trường Trung Quốc.

Vậy, liệu có thể “bán khống” một nền kinh tế, nhất là một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, thậm chí đang được kỳ vọng là “cứu tinh” của thế giới khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay?

“Bán khống” (short selling), là việc bán cổ phiếu không do người bán sở hữu mà tạm “vay” của bên thứ ba. Trong khi theo xu hướng chung trên thị trường cổ phiếu đang “lên cơn sốt” tăng giá không ngừng, thì nhà đầu tư “ngược dòng” (contrarian investor) lại cho rằng cổ phiếu đó đã được định giá quá cao và sắp rớt giá, thậm chí sụp đổ, nên họ tung ra bán cổ phiếu tạm “vay” với giá cao và sau đó mua lại cổ phiếu khi giá xuống đáy để trả lại người cho vay nhằm kiếm lời.

Vị trí đặt quảng cáo

Tuy bán khống có tác dụng kích thích tính thanh khoản của thị trường, và ngăn chặn xu hướng thổi phồng giá cổ phiếu quá cao, nhưng nó có thể bị lợi dụng để gây lũng đoạn, thậm chí làm sụp đổ thị trường. Sự sụp đổ thị trường chứng khoán Phố Wall năm 1929 được cho là do các nhà đầu cơ bán khống gây ra. Họ cũng mới bị gán tội đã làm trầm trọng thêm cuộc tháo chạy của thị trường chứng khoán Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008.

Tuy vậy, bán khống là hoạt động hợp pháp và phổ biến tại nhiều nước tư bản phát triển, và nó chỉ bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí đình chỉ áp dụng khi xảy ra khủng hoảng tài chính, như Chính phủ Mỹ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính mới đây tại Mỹ.

Tại Trung Quốc, mãi đến đầu năm 2010 chính phủ nước này mới cho phép thí điểm giao dịch bán khống. Còn Việt Nam cho đến nay hình thức giao dịch này vẫn chưa được phép hoạt động.

Nhà đầu cơ bán khống hàng đầu thế giới George Soros, được coi là người đã từng “làm sụp đổ” ngân hàng nước Anh vào năm 1992, khi ông bán khống đồng bảng Anh trị giá 10 tỉ đô la Mỹ vì ông cho rằng đồng bảng Anh sắp mất giá, và ông đã đoán đúng. Chỉ qua một đêm ông đã kiếm lời 1 tỉ đô la từ phi vụ này.

Nhiều nhà đầu cơ bán khống khác cũng đã kiếm được các món lời kếch xù từ việc dự đoán đúng cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra tại Thái Lan và nhiều nước châu Á khác vào các năm 1997-1998. Bản thân James Chanos, cũng làm giàu nhờ bán khống, quỹ đầu tư Kynikos Associates, với số vốn 6 tỉ đô la Mỹ do ông cai quản, phất lên là nhờ các phi vụ bán khống lớn như Enron, Tyco.

Chanos đưa ra dự đoán “ngược dòng” với đa số các nhà đầu tư về sự sụp đổ sắp tới của kinh tế Trung Quốc vì ông cho rằng nền kinh tế nước này tăng trưởng quá nóng, tín dụng tăng đột biến vào những công trình xa xỉ và nhu cầu giả tạo, giá bất động sản và chứng khoán quá cao so với giá trị thực và sức mua trong nước, sản xuất dư thừa nhưng không tiêu thụ được, sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào hoạt động kinh tế và tình trạng thiếu minh bạch của hệ thống quản lý và hệ thống thông tin kinh tế, kể cả số liệu tăng trưởng GDP, có độ tin cậy thấp, không phản ánh đúng tình hình thực tế.

Tuyên bố của Chanos tuy được một số nhà đầu cơ theo trường phái “ngược dòng” đồng tình, nhưng đã bị chính giới đầu tư và nhiều nhà phân tích phản bác mạnh mẽ.

Theo báo điện tử “businessinsider.com”, Jim Rogers, nhà đầu tư tài chính Mỹ, một chuyên gia về Trung Quốc, nói châm biếm Chanos là “người mà 10 năm trước đây thậm chí còn đánh vần sai cả tên gọi “China”, thế mà nay bỗng dưng lại trở thành “chuyên gia về Trung Quốc”.

Nhà báo nổi tiếng Thomas Friedman (tác giả cuốn Thế giới phẳng) viết trên tờ New York Times (12-1-2010) cho rằng, Trung Quốc không thể sụp đổ như đánh giá của Chanos vì Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lớn đến 2.000 tỉ đô la Mỹ, là một thị trường khổng lồ với 1,3 tỉ dân nên Trung Quốc có khả năng tự điều tiết nhu cầu trong nước và chính quyền Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát thị trường tài chính và bất động sản.

Friedman nói thêm rằng, theo ông vào lúc này nếu bán khống ông sẽ bán đồng euro, chứ tuyệt nhiên không bán khống Trung Quốc, vì chưa có lý do thuyết phục. Ông còn nói kháy rằng, nếu ông Chanos thực sự “biết cách làm sao để thành công trong việc bán khống Trung Quốc”, thì hãy làm ơn “mách nước” cho ông biết.

Các báo kinh tế có uy tín như Forbes, The Economist..., cũng đều có bài phân tích bác bỏ tuyên bố của Chanos cho rằng tuy Chanos đã từng dự đoán chính xác về sự sụp đổ của các tập đoàn như Enron và Tyco của Mỹ, nhưng ông hoàn toàn sai khi đưa ra dự đoán trên về Trung Quốc, vì tình hình Trung quốc khác với Mỹ, nhất là Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn tiêu dùng và luôn có sự can thiệp mạnh tay của nhà nước vào thị trường khi có những biến động thái quá.

Như vậy, phần lớn dư luận nghiêng về bác bỏ ý kiến của Chanos, điều này cũng dễ hiểu vì những nhà đầu cơ chọn con đường “đi ngược với đám đông” đương nhiên sẽ bị đám đông phản bác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong cuộc sống, nhất là đối với môi trường chịu tác động của nhiều yếu tố khó dự đoán chính xác, như thị trường chứng khoán, thì triết lý “đám đông không phải lúc nào cũng đúng”, và “thiểu số không phải lúc nào cũng sai” không phải không có chỗ đứng. Đó cũng chính là chỗ dựa để làm giàu cho những kẻ thiểu số bạo gan đi ngược dòng, như thực tế đã chứng minh.

Trở lại câu hỏi liệu có thể “bán khống” nền kinh tế. Câu trả lời là nếu có thể coi toàn bộ kinh tế thế giới như một “thị trường chứng khoán khổng lồ”, trong đó, mỗi nền kinh tế hội nhập với thế giới là một “cổ phiếu” niêm yết, và nếu thực tế cho thấy những cổ phiếu bluechip rất vững mạnh và lâu đời, như “USA Inc.” (kinh tế Mỹ), đã nhiều phen bất ngờ suy sụp và bị “bán khống”, thì dưới con mắt của các nhà đầu cơ, “cổ phiếu” nào cũng có thể “bán khống” được, miễn là họ phát hiện ra “bong bóng” và biết chắc chắn nguyên nhân vì sao có “bong bóng” và khi nào nó nổ.

Đương nhiên, bán khống vốn không phải là việc dễ, bán khống một cổ phiếu đã khó, “bán khống” cả một nền kinh tế còn khó gấp ngàn lần. Nhưng nếu thành công thì lợi nhuận là vô cùng lớn, và một khi lòng tham là vô đáy thì không có điều gì là không thể.