Có thể hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Đó là nhận định của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngày 6/8/2014. Bởi, trong 7 tháng đầu năm, đã sắp xếp được 76 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 55 doanh nghiệp.
Năm 2014 có thể cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng chủ trì hồi tháng 2 vừa qua, một con số khiến dư luận đặc biệt chú ý là số doanh nghiệp Nhà nước còn lại cần được cổ phần hóa trong hai năm 2014 - 2015 là 432 doanh nghiệp.
Như vậy, bình quân cứ mỗi tháng phải cổ phần hóa được 18 doanh nghiệp nhà nước - một nhiệm vụ vào thời điểm đó được dư luận cho là “bất khả thi”.
Tuy nhiên, báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, tính đến hết ngày 31/7/2014, đã sắp xếp được 76 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 55 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập được 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền.
Với chuyển biến lạc quan này này, Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp đánh giá, năm 2014 có thể cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp và đến năm 2015 sẽ đạt mục tiêu đặt ra.
Thực tế, Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ cho phép doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, 7 tháng đầu năm 2014, hoạt động thoái vốn đã đạt được 2.975 tỷ VND. Số tiền này gấp 3 lần so với cả năm 2013, nhưng so với số vốn cần thoái, thì tiến độ vẫn chậm, tổng số tiền thu còn thấp.
Về vấn đề này, phát biểu với báo giới, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Theo tôi, vấn đề phức tạp trong tái cơ cấu là định giá và đất đai. Vấn đề này cần được xem xét toàn diện. Thủ tướng đã có quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp là rất đáng hoan nghênh, nhưng phải thay đổi về chính sách và quy chế thực hiện”.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn tái cơ cấu, nhưng lại được định giá quá thấp khiến họ chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng.
Thực tế cho thấy, ở những bộ, ngành, địa phương nào mà lãnh đạo trực tiếp giám sát, chỉ đạo, thì kết quả sắp xếp, cổ phần hóa rất tích cực, như: Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Báo cáo, một số bộ ngành, địa phương đang chậm tiến độ trong tái cơ cấu như Bộ Văn hoá, Thể thao Du lịch, Bộ Y tế, Công Thương, tỉnh Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Tây Ninh, Tập đoàn Công nghiệp hoá chất.
Không thực hiện được tái cơ cấu thì tự nguyện từ chức
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đồng thời với việc thực hiện tái cơ cấu, tập trung và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp.
“Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức” - Thủ tướng yêu cầu.
Thực tế, đây không phải lần đầu, Thủ tướng thể hiện quan điểm cứng rắn về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2014, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty cần nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ và có được kết quả rõ rệt thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp theo phương án đã phê duyệt.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ, không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tái cơ cấu là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đảo bảo thực hiện có kết quả mục tiêu, tiến độ đã đề ra; đồng thời, yêu cầu quá trình thoái vốn cần tiến hành một cách chặt chẽ, không được tùy tiện, không để nảy sinh tiêu cực, thất thoát.
"Các bộ, ngành cũng cần tiếp tục rà soát để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai tái cơ cấu.", Thủ tướng chỉ rõ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các chính sách để giải quyết tình trạng lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ đối với bà con dân tộc tham gia trồng và giữ rừng gắn với việc chỉ đạo triển khai tái cơ cấu các lâm trường quốc doanh.