Cổ tức khủng thời kinh doanh bết bát

Theo VnExpress

Trong gần 80 doanh nghiệp đã công bố tạm ứng cổ tức năm 2012, gần 20 đơn vị hứa tỷ lệ cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, dao động từ 15% tới 50%.

Theo thống kê của VNDIRECT, doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất (50%) là Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Hà Nội (HCI - UpCOM). 5 doanh nghiệp khác có mức tạm ứng 30% bao gồm Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS - HOSE), Thủy điện Gia Lai (GHC - UpCOM), Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM - HNX), Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT - HOSE) và Cổ phần Đường Kon Tum (KTS - HNX).
Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng cho rằng tỷ lệ cổ tức từ 15% đã được xem là cao trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi hầu hết các kênh đầu tư đều giảm sức hấp dẫn.

"Lãi suất ngân hàng và lạm phát hạ, đồng USD đã tăng giá so với những đơn vị tiền tệ khác trên thế giới như bảng Anh, đôla Australia. VND vẫn ổn định, nhưng nếu so tương quan với các ngoại tệ khác, thì nó đang tăng giá. Vì thế, tỷ lệ cổ tức từ 15 đến 50% là cao”, chuyên gia này nhận định.

Đánh giá về việc tỷ lệ trả cổ tức của chính doanh nghiệp mình, bà Huỳnh Bích Ngọc - Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) chia sẻ, đơn vị năm nay cũng đặt chỉ tiêu trả cổ tức 20%. Mặc dù mức này thấp hơn năm ngoái (30%), nhưng theo bà Ngọc, so với các đơn vị khác trong ngành thì 20% đã là con số khá tốt.

"Chúng tôi có chất lượng đường tốt và đầu ra cho sản phẩm ổn định với những đối tác lớn như Vinamilk hay Kinh Đô, vì thế tình hình kinh doanh vẫn khả quan", bà Ngọc giải thích. Bà Ngọc nói thêm, Công ty cổ phần Thành Thành Công, nơi bà làm Chủ tịch HĐQT cũng có dự kiến trả cổ tức từ 20-30% trong năm nay.

Báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp trả cổ tức cao cho thấy, tình hình kinh doanh khá lạc quan. Cụ thể, 6 tháng, HGM lãi sau thuế hơn 66,3 tỷ đồng và lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) là 10.527 đồng. ABT cũng lãi gần 53 tỷ đồng, EPS đạt 4.784 đồng. Đồng thời, theo quyết định của HĐQT, ABT dự kiến năm 2012 sẽ trả cổ tức ở mức 50-60% và kết thúc năm với mức lợi nhuận trước thuế 90 tỷ đồng. SBT cũng có mức lãi sau thuế 6 tháng là 210 tỷ, EPS đạt 1.641 đồng.

Chưa niêm yết chính thức nhưng năm 2009, lợi nhuận sau thuế của Hancic tăng hơn 200% so với năm 2008. Lãi sau thuế hợp nhất các năm 2010 và 2011 cũng lần lượt đạt 29,8 tỷ đồng (tương đương EPS 6.449 đồng) và 23,8 tỷ đồng (tương đương EPS 4.664 đồng). Riêng năm 2012, đơn vị này ước đạt 44 tỷ đồng, tương đương 84% vốn điều lệ 52 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với một số nhà đầu tư tỷ lệ trả cổ tức cao chưa hẳn là tiêu chí quan trọng nhất để rót tiền mua cổ phiếu. Đánh giá tốt các doanh nghiệp chi trả cổ tức cao, nhưng theo anh Phục, một nhà đầu tư tại Hà Nội, còn nhiều yếu tố khác mà bản thân anh quan tâm, chẳng hạn tốc độ tăng trưởng, chỉ số ROE, chu kỳ lợi nhuận trong vòng 5 năm thế nào...

Đồng thời, cũng theo anh Phục, hồi năm 2009 từng xuất hiện cổ phiếu trả cổ tức lên tới 150% mệnh giá. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu này chỉ xoay quanh mức giao dịch 5.000 đồng mỗi đơn vị.

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, việc trả cổ tức cao của nhiều doanh nghiệp trong năm nay, không loại trừ khả năng doanh nghiệp còn dư tiền mặt từ các năm trước. Số tiền này có thể dùng vào 2 mục đích, thứ nhất là trả cho cổ đông, thứ hai là mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng trong bối cảnh lợi nhuận khó khăn, việc mở rộng sản xuất khó khả thi, nên nhiều doanh nghiệp quyết định trả cổ tức cao, nhiều khi với mục đích là để đẹp lòng cổ đông.

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng khuyến cáo rằng, các nhà đầu tư lướt sóng thường không phù hợp với doanh nghiệp trả cổ tức cao. Lý do, theo chuyên gia này, tiền cổ tức nếu trả bằng tiền mặt, thì sẽ phải chịu thuế và chi trả theo nhiều đợt, nên số tiền thực nhận về sẽ ít. Bên cạnh đó, thông thường, tiền mặt thường được trả vào đợt 1, còn đợt 2 là cổ phiếu. Đồng thời, khi cổ tức cao, thị giá cũng sẽ bị giảm đi ngay sau đó. Đối với nhà đầu tư lướt sóng, đây là một điểm rất bất lợi.