“Cởi trói” để tăng năng lực xuất khẩu
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù việc cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành không cần thiết vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để thay đổi...
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 năm 2017 đạt 696 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Sở dĩ kim ngạch và giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tăng không chỉ bởi nhu cầu của các quốc gia nhập khẩu tăng trong thời gian qua mà còn bởi hoạt động xuất nhập khẩu trong nước có nhiều diễn biến thuận lợi, tạo cơ hội và động lực thúc đẩy gia tăng về lượng và chất.
Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Cục Giám sát Quản lý, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí cho DN và ngân sách nhà nước, mục tiêu trong năm 2017 sẽ giảm thời gian thông quan ngang bằng với các nước ASEAN.
Cụ thể, dưới 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và dưới 90 giờ với hàng hóa nhập khẩu, giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành từ 30 – 35% xuống còn 15%. Theo bà Hà, thực tế thời gian qua hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã bộc lộ khá nhiều bất cập như kiểm tra chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, nguồn nhân lực trang thiết bị còn yếu kém, chưa áp dụng quản lý rủi ro, một số quy định không còn phù hợp...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), có thể nói nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu nói chung, trong đó có mặt hàng thủy sản riêng thường xuyên gặp khó khăn đối với công tác kiểm tra chuyên ngành bởi phần lớn mặt hàng này có giá trị kinh tế lớn và là sản phẩm tươi sống nên việc kiểm tra, kiểm dịch phức tạp.
Ông Hồ Phước Hải, Giám đốc CTCP Phát triển Kinh tế duyên hải cho biết, hiện nay thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa, trong khi thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các lô hàng chiếm đến 72%, làm gia tăng rất nhiều chi phí và thời gian của DN.
Song điều đáng nói, tỷ lệ vi phạm đối với các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành lại chưa đến 1%. Chính vì vậy, muốn gia tăng năng lực xuất khẩu cho các DN việc cần làm chính là “cởi trói”, giảm tải bớt các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Chuyên gia về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho rằng, để quản lý và kiểm tra chuyên ngành có hiệu quả, không gây trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN trước tiên cần rà soát, xây dựng lại hệ thống văn bản pháp quy, cũng như ban hành đầy đủ các danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Cụ thể hơn, cần đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan một cách có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, cần áp dụng quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chứ không nên mang nặng tâm lý “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.
Hiện nay, đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại tình trạng giữa các bộ ngành không công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra hàng hóa, cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu và kết quả kiểm tra chưa có sự kết nối, đồng bộ khiến cho DN rất vất vả để có thể thông qua “một cửa” đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của DN mình.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có văn bản chỉ đạo đối với một số bộ ngành như: Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Tổng cục Hải quan... về vấn đề cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành những hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi thông quan.
Trong quá trình rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành phải thực hiện theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra và vấn đề này phải hoàn thành trước tháng 6/2018.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù việc cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành không cần thiết vẫn còn cả chặng đường dài phía trước để thay đổi. Và những chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống cũng cần có thời gian để phát huy tác dụng, tuy nhiên thông điệp mà Chính phủ đưa ra là tín hiệu đáng mừng đối với các DN xuất nhập khẩu đối với việc tiết giảm thời gian chi phí, gia tăng năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2017 chính thức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi một số chứng từ điện tử bên cạnh chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các nước thành viên.
Đến năm 2018, cung cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận kiểm dịch động, thực vật, giấy phép rời cảng cho tàu biển điện tử cho các quốc gia có nhu cầu kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam.
Thí điểm trao đổi ít nhất một loại chứng từ điện tử do cơ quan nhà nước cấp với một đối tác thương mại của Việt Nam để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu. Đến năm 2020, mở rộng trao đổi một số loại chứng từ điện tử trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập để tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa giữ Việt Nam với các đối tác thương mại quốc tế.