Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025:
Coi trọng phát triển sản xuất
Phát triển kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp là giải pháp căn bản trong xây dựng nông thôn mới. Thảo luận tại tổ chiều qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, giai đoạn 2021 - 2025 cần coi trọng hơn giải pháp này, thay vì nặng về chỉ tiêu hạ tầng. Hạ tầng đi trước để phát triển, sau 10 năm không thể tiếp tục phát triển hạ tầng mà phải chú trọng sản xuất. Sản xuất là khâu quan trọng để mang lại lợi nhuận và thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn nông thôn mới.
Khắc phục "bệnh thành tích"
Đánh giá cao thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2020, các ĐBQH khẳng định, chương trình đã được triển khai một cách toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu. Đây là một trong những Chương trình đạt được ý Đảng, lòng dân, đúng với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Do vậy, việc tiếp tục triển khai Chương trình này trong giai đoạn tới là rất đúng đắn, phù hợp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để tới đây việc triển khai Chương trình đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn? Theo ĐBQH Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai), Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là rất khó. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, chúng ta đã có 69% tổng số xã đạt nông thôn mới.
Như vậy, giai đoạn 2021-2025 còn 11% tổng số xã phải đạt nông thôn mới. Tuy nhiên, những xã dễ đạt nông thôn mới chúng ta đã làm rồi, chỉ còn lại những xã khó khăn. Chưa kể, Chính phủ lại đặt thêm yêu cầu nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Từ thực tiễn Đồng Nai là một trong hai địa phương hoàn thành nông thôn mới, Đại biểu Nguyễn Phú Cường cho biết, “Đồng Nai mới chỉ đạt 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, còn tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu lại càng khó”.
Nhìn thấu và nhìn đúng những bài học kinh nghiệm từ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 10 năm trước thì mới tổ chức xây dựng nông thôn mới nhanh, bền vững. Nhấn mạnh quan điểm này, nhiều ĐBQH cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phải khắc phục cho được căn bệnh thành tích, ồ ạt thực hiện các công trình, sau đó lại nợ đọng lớn vì địa phương không có nguồn lực chi trả.
Nhìn từ góc độ quy hoạch nông thôn mới, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) chỉ ra, công tác quy hoạch nông thôn mới được thực hiện rất tốn kém, vì đây là khâu đầu tiên để làm nông thôn mới, tiếc rằng điều chỉnh quy hoạch rất nhanh. "Tốn kém là vì, quy hoạch nông thôn mới phải xin ý kiến thôn, xóm, từng người dân có đồng ý với quy hoạch không. Nhưng đến lúc bố trí ngân sách lại không tương xứng với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, dẫn đến câu chuyện địa phương phải tự xoay xở, mà nguồn thu từ phát triển kinh tế, thu ngân sách ở xã thì không có, bí quá lại là câu chuyện bán đất. Bán đất thì phá vỡ quy hoạch và lại phải tìm cách điều chỉnh quy hoạch. Khi điều chỉnh quy hoạch, chúng ta không xin ý kiến từ người dân, thậm chí có mỗi ông địa chính báo cáo lên lãnh đạo xã. Cách làm như thế là chưa hợp lý", Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phân tích.
Mặt khác, vì nông thôn mới là chương trình được người dân ủng hộ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, luôn được Nhân dân ủng hộ và hiến đất, hiến nhà, thậm chí hiến vườn, ruộng để làm đường, trường, điều đó cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh hồ sơ địa chính đất ở, đất sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, có câu chuyện các địa phương mới chỉ điều chỉnh trên sổ sách vì kinh phí bố trí cho việc đo đạc, hoàn thành hồ sơ địa chính để làm bản đồ chưa có. Điều này dễ dẫn đến thực tế, hôm nay người dân đồng ý hiến đất, nhưng sau này các thành viên trong gia đình có vấn đề phát sinh mang ra kiện tụng thì lấy hồ sơ nào để xử lý các vụ khiếu kiện liên quan đến tranh chấp đất đai? - đại biểu nêu thực tế.
Sản xuất phải là gốc
Phát triển kinh tế, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản trong xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần coi trọng hơn giải pháp này, thay vì tập trung chỉ tiêu hạ tầng như giai đoạn trước. Hạ tầng đi trước để phát triển nhưng sau 10 năm, hạ tầng đã cơ bản rồi thì phải chú trọng sản xuất. Đây phải là khâu quan trọng để mang lại lợi nhuận và thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Nếu không thay đổi hướng tập trung thì tốc độ thực hiện nông thôn mới sẽ chậm lại. Không thay đổi cách làm nông thôn mới, theo các đại biểu, còn có nguy cơ dẫn đến câu chuyện “tái nông thôn cũ”, chưa kể nhiều địa phương khi công nhận nông thôn mới còn nợ tiêu chí, vì hạ tầng xuống cấp. Trong điều kiện nước ta chịu tác động của biến đổi khí hậu thì hạ tầng càng xuống cấp nhanh hơn. Do đó, sản xuất phải là gốc, từ đây mới củng cố và "vực dậy" hạ tầng.
Một số đại biểu cũng lo ngại về câu chuyện ngân sách đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi kinh phí bố trí cho giai đoạn 2021-2025 chỉ bằng 62% so với giai đoạn trước. Dù rất thông cảm với Chính phủ trong điều kiện khó khăn, kinh tế chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, song có đại biểu cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình phổ quát, có ý nghĩa, nên cân nhắc có thể bố trí ở những lĩnh vực, dự án khác chưa thực sự cần thiết để tăng kinh phí đầu tư cho chương trình.
ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) lưu ý, đầu tư xây dựng nông thôn mới cần tính toán theo đặc thù địa phương, nếu cứ cào bằng, “một cái bánh chia đều” thì sẽ rất khó cho những địa phương có nhiều xã đặc biệt khó khăn phấn đấu xây dựng nông thôn mới.