Con cá tra hái về nhiều đô la


Con cá tra dân dã miệt đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giờ đã bức tốc vượt biển lớn vươn ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Kim ngạch thu về hàng năm từ nguồn nguyên liệu dồi dào này cũng dễ dàng bước qua ngưỡng trên vài tỷ USD và càng ngày càng có thêm nhiều đơn đặt hàng mới mang tên đối tác mới.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO Seafood), Khu công nghiệp An Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: CTV
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO Seafood), Khu công nghiệp An Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: CTV

Đầu tư con giống và chế biến

Xứ Dừa Bến Tre ở cuối nguồn châu thổ càng chịu ảnh hưởng nặng biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng cao, nhưng vẫn “tranh thủ” nuôi và chế biến cá tra cùng cả nước tăng nhanh tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Với sản lượng 200 ngàn tấn thành phẩm góp phần xuất khẩu trong những năm đầu, tỉnh Bến Tre đang xúc tiến đầu tư mạnh kỹ thuật ươm giống cá bột và đặc biệt chú trọng việc nhân giống càng nhiều, càng chất lượng, hiệu quả cao.

Hiện tỉnh còn phải nhập giống cá từ Long An, Đồng Tháp mới đủ phân bổ đều khắp mạng lưới ao nuôi trong tỉnh. Kỳ vọng của hầu hết các cơ sở, hộ nuôi là làm sao luôn có nhiều giống tốt và thuần chủng, để lựa chọn và đảm bảo thích ứng thật sự với môi trường sông nước đặt trưng 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn của tỉnh duyên hải Bến Tre.

Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre tận dụng đến từng mét vuông đất bồi bãi và ao hồ sông rạch để nuôi tôm cá và những loài thủy sản giá trị xuất khẩu. Trong đó, bền vững và bài bản hơn cả vẫn là con cá tra.

Nhiều nhà vườn có vốn lớn (và những hộ từng nuôi cá tra qua nhiều mùa vụ) vững tin rằng, con cá tra dân dã của mình nhưng béo bở của nhiều người và vì nó bảo đảm đạt chuẩn chất ngon - bổ - rẻ đã từng đến được nhiều bàn ăn của nhiều thượng khách.

Rất dễ thấy là giờ đây hầu hết các cơ sở chăn nuôi cũng như chế biến, nhân giống ca trá của Tỉnh và cả ĐBSCL đều ứng dụng nghiêm túc các quy chuẩn quốc tế về GAP (Global GAP, ASC, BAP) và đa phần trong số đó đều đạt chuẩn ASC và BAP… Đó có thể nói là điều căn cơ để công cuộc nuôi, chế biến và xuất khẩu con cá tra phát triển mạnh, lâu dài.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, hình nuôi và tiêu thụ cá tra của tỉnh gần đây khá khởi sắc nhờ thị trường luôn mở rộng, giá cả ổn định, đảm bảo duy trì mức lợi nhuận hợp lý cho người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Liên kết để phát triển xuất khẩu

Nắm rõ giá thành nhưng thường lệ thuộc về giá bán nên lâu nay người nuôi cá trá vẫn phải chịu đựng nhiều thiệt thòi, thậm chí bị thua lỗ nhiều hộ buộc phải “treo ao”. Thực trạng này nhan nhản tại các ao nuôi mới trong đất liền và ngay cả những vùng nuôi chuyên canh cồn bãi, xuồng bè trên sông nước.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua chế biến nguồn nguyên liệu đặc trưng của châu thổ đồng bằng này thì cứ an nhiên thu lợi (định giá bao nhiêu do mình, lời lãi cỡ nào cũng do mình quyết). Hệ quả là có hàng loạt nhà máy phải đói nguyên liệu chế biến, chủ yếu “trung gian” doanh nghiệp  là nguyên do của mọi nguyên do.

Vài năm gần đây, nhiều thời điểm, thị trường cá tra cũng bị “đóng băng”. Cũng do doanh nghiệp thu mua cầm chừng, nhỏ giọt với giá thấp hơn giá thành sản xuất làm người nuôi phải dở sống dở chết vì hết vốn thức ăn, phải bỏ đói cá. Không ít hộ nuôi đã trở thành con nợ bởi vốn đầu tư lớn trong khi sản phẩm tồn đọng đầy ao không tiêu thụ được.

Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tệ hại là lúc các doanh nghiệp đẩy giá thu mua lên thì không còn mấy ao hồ, thuyền bè còn cá để bán. Thử tính, mức lợi nhuận bình quân từ 150 - 450 triệu đồng/ha, thì mấy vạn ha nuôi cá cả ĐBSCL này sẽ thất thu bao nhiêu?

Vì sao tình trạng bấp bênh, thua thiệt này vẫn còn tiếp diễn? Câu trả lời của Hiệp hội cá tra Việt Nam là do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp  và người nuôi. Lâu nay, ai nuôi cứ nuôi, ai thu mua chế biến cứ thu mua chế biến mà chưa có sự thương lượng, hợp đồng chặt chẽ về giá, về chất lượng, sản lượng.

Trong khi đó tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thường xuyên xảy ra. Đó là việc hạ giá thành sản phẩm để tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu rồi trở lại mua cá tra nguyên liệu của nông dân với giá thấp đã tạo ra sự bất ổn định về mặt bằng giá và gây thiệt hại cho người nuôi.

Lẽ ra các doanh nghiệp phải vừa xây dựng kiện toàn thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm vừa mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng đặc trưng này làm cho người nuôi và doanh nghiệp cùng có lợi. Và với lợi thế riêng của vùng ĐBSCL, người nuôi cá tra cũng như các doanh nghiệp chế biến hoàn toàn có thể yên tâm thu về nguồn kim ngạch xuất khẩu khá giả, góp phần phát triển nền kinh tế, khu vực.

Đã đến lúc phải quy hoạch lại bài bản ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra; đổi mới phương thức kinh doanh, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nuôi và doanh nghiệp  theo hướng cùng có lợi, cùng san sẻ lợi nhuận cũng như những rủi ro.

Theo Huỳnh Thanh Văn/ Báo Đồng Khởi