Nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu: Việc làm cấp thiết

Theo Kim Trung/ Báo Bạc Liêu

Sau khi Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân tổ chức lại sản xuất, tập trung sản xuất hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và tuân thủ các quy định từ phía Trung Quốc. Qua đó, đẩy mạnh hơn nữa thế mạnh kinh tế này gắn với tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TX. Giá Rai. Ảnh: K.T
Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TX. Giá Rai. Ảnh: K.T

Buộc tiêu hủy nếu hàng hóa không đáp ứng yêu cầu

Theo Lệnh 248, 249, đối với sản phẩm thịt tươi sống và đông lạnh, bao bì trong và ngoài phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh và ngôn ngữ của nước xuất khẩu (khu vực); nội dung thể hiện rõ: quốc gia (khu vực), xuất xứ, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất và lô sản xuất. Bên cạnh đó, bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật như: nơi sản xuất (tỉnh, thành phố), nơi đến, ngày sản xuất, hạn sử dụng hay nhiệt độ bảo quản…

Đối với sản phẩm thủy sản, bao bì bên trong và bên ngoài giống như sản phẩm thịt tươi sống, đông lạnh, còn phải ghi tên khoa học, thông số kỹ thuật, ngày sản xuất, số lô, thời hạn sử dụng và điều kiện bảo quản…

Điều đáng quan tâm là trong quá trình giám sát, cơ quan Hải quan Trung Quốc nếu phát hiện thực phẩm đóng gói sẵn nhập khẩu không dán nhãn tiếng Trung Quốc, hoặc nhãn tiếng Trung không tuân theo quy định pháp luật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc sẽ buộc tiêu hủy hàng hóa hoặc trả lại.

Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc còn triển khai công tác kiểm tra và xét nghiệm COVID-19 trên sản phẩm thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu, căn cứ kết quả kiểm tra theo quy định sẽ tiến hành kiểm tra và điều tra, xác nhận tình trạng an toàn và hệ thống quản lý an toàn của nước, khu vực xuất khẩu có tiếp tục phù hợp với yêu cầu của phía Trung Quốc hay không. Đối với các doanh nghiệp còn tồn tại các vấn đề đã nêu, căn cứ theo quy định pháp luật liên quan để áp dụng biện pháp khắc phục có thời hạn, tạm ngừng nhập khẩu, hoặc hủy bỏ đăng ký tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp...

Làm gì để thông quan?

Có thể nói, bên cạnh những thách thức, việc Trung Quốc ban hành Lệnh 248, 249 cũng mở ra một cơ hội mới cho ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Bạc Liêu nói riêng trong việc tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh hơn nữa liên kết sản xuất theo mô hình “từ cánh đồng đến bàn ăn”, nhằm tạo thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ, buộc nông dân và doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, VSATTP và cả nâng cao tính cạnh tranh, thương hiệu cho hàng thủy sản Việt Nam. Qua đó, đáp ứng kịp thời các yêu cầu về xuất khẩu hàng hóa cho tất cả các quốc gia chứ không riêng gì thị trường Trung Quốc.

Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản kiêm Giám đốc Văn phòng SPS (thuộc Bộ NN&PTNT), cho biết: Trong những năm vừa qua Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định tự do với Trung Quốc. Đây được xem là hiệp định rất quan trọng trong thúc đẩy thương mại, thực phẩm giữa hai nước.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, 249 sẽ kéo theo việc triển khai giám sát an toàn thực phẩm được tiến hành chặt chẽ hơn và bất kỳ lúc nào khi các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm các quy định của hiệp định về vấn đề dịch bệnh trên thủy sản hay vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép đối với hóa chất kim loại trong sản phẩm thủy sản thì ngay lập tức họ có thể cấm các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Do đó, việc các doanh nghiệp của Việt Nam tuân thủ nghiêm Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc là cấp thiết, phải đảm bảo thực thi nghiêm túc. 

Được biết, sau khi thực hiện Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu gặp khá nhiều khó khăn và đến nay đã có 6 doanh nghiệp bị cảnh báo bệnh thủy sản. Để giải quyết những khó khăn này và tiếp tục đưa hoạt động xuất khẩu phát triển nhanh, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân tổ chức lại sản xuất, tập trung sản xuất hàng hóa đảm bảo VSATTP và tuân thủ các quy định từ phía Trung Quốc, nhằm đẩy mạnh hơn nữa thế mạnh kinh tế này gắn với tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.