Còn khoảng 30 sàn vàng chui cần triệt phá
(Tài chính) Hiện vẫn còn khoảng 30 sàn vàng chui, song việc triệt phá các sàn vàng này, cùng với việc “cai nghiện” cho các nhà đầu tư là không dễ, trừ khi có một sàn vàng chính thức ra đời.
Chưa triệt phá hết các sàn vàng chui
Vừa qua, sàn vàng chui HGI (Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng) đã bị đánh sập. Đây là sàn vàng ảo thứ tư được lực lượng chức năng triệt phá trong vòng 4 tháng gần đây (trước đó là sàn vàng VGX, Khải Thái và 24 Gold Duệ Bác).
Tuy nhiên, báo cáo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tuần qua, Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, trên thị trường vẫn còn khoảng 30 sàn vàng chui đang tồn tại. “Trong số này, TP.HCM có khoảng 10 sàn và nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào”, Trung tướng Triệu Văn Đạt cho biết.
Hiện việc quản lý sàn vàng, sàn giao dịch ngoại hối được giao cho 3 đơn vị (Bộ Công an, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước - NHNN), song số sàn vàng bị triệt phá mới đếm đầu ngón tay. Phản ứng nhanh nhất và gần như duy nhất của NHNN sau mỗi vụ sàn vàng bị đánh sập là lên tiếng khẳng định kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật, đồng thời khuyến cáo người dân về nguy cơ thua lỗ, vỡ nợ.
Còn về phía Bộ Công an, mặc dù biết trên thị trường còn khoảng 30 sàn vàng chui đang tồn tại, nhưng Bộ cho biết, rất khó triệt phá các sàn vàng này. Đại tá Trần Văn Doanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Mặc dù các công ty này đã hoạt động một thời gian và có diễn biến phức tạp, song quy định pháp luật còn chung chung, nên việc dựa vào các quy định hiện hành để bắt giữ ngay các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn”, Đại tá Trần Văn Doanh cho biết.
Cơ quan chức năng hy vọng, việc đánh sập một số sàn vàng chui sẽ “dằn mặt” các sàn vàng chui khác, đồng thời là hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư để họ rút khỏi canh bạc may rủi này.
Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, “chơi” vàng tài khoản cũng gây nghiện như đánh bạc. Do đó, rất khó để khuyên các con nghiện này rút khỏi sàn vàng chui, trừ khi Nhà nước có một sàn vàng chính thức.
Nên thành lập sàn vàng quốc gia
Trong một nghị quyết ban hành đầu năm 2015, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu huy động vàng trong dân. Một trong những cách huy động vàng khả dĩ nhất, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, là huy động qua sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây cũng là giải pháp giúp triệt phá sàn vàng chui.
Theo quy định hiện nay, kinh doanh vàng tài khoản, lập sàn giao dịch vàng chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép (Nghị định 24/2012/NĐ-CP). Tuy nhiên, Nghị định 24 đã ra đời 2 năm, mà vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
Về vấn đề này, theo LS. Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), là không ổn, bởi kinh doanh vàng qua tài khoản không nằm trong danh mục cấm kinh doanh, mà chỉ nằm trong danh mục “kinh doanh có điều kiện”. Có nghĩa, NHNN phải đưa ra danh mục điều kiện để các doanh nghiệp có căn cứ để đăng ký kinh doanh, không thể “lờ đi” văn bản hướng dẫn.
Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp vàng cho rằng, đầu tư vàng qua sàn là nhu cầu tất yếu của thị trường. Cơ quan quản lý thay vì cấm, cần cần học hỏi, rút kinh nghiệm để quản lý.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, sàn giao dịch vàng là mô hình kinh doanh hiện đại mà phần lớn các nước trên thế giới đều triển khai. Việc cấm sàn vàng sẽ gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp. Tất nhiên, ở nhiều nước, trước khi giao dịch trên sàn vàng, người chơi phải trải qua một lớp học bắt buộc để hiểu hết sự rủi ro, nguy hiểm của thị trường vàng.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia sẽ giải quyết được vấn nạn sàn vàng chui và tạo sân chơi an toàn, minh bạch cho nhà đầu tư.
Thời gian qua, hầu hết nhà đầu tư tham gia sàn vàng chui đều cháy túi do các sàn này đặt tài khoản của khách hàng vào tài khoản công ty, khách hàng không thể giám sát. Tuy nhiên, nếu Nhà nước cho phép thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, chỉ cho phép các ngân hàng thương mại lớn và các doanh nghiệp lớn được làm “nhà cái”, và nhà cái này chỉ là nơi làm dịch vụ cho người mua - người bán gặp nhau, thì các giao dịch trên sàn sẽ trở nên minh bạch. Sàn vàng khi đó không còn là canh bạc, mà sẽ là kênh đầu tư cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, giống như sàn giao dịch chứng khoán.