"Cơn sóng thần" của cổ phiếu đầu cơ
Từ quý III/2021, thị trường chứng khoán luôn xoay quanh chủ đề chính là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhất là những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao. Cùng với dòng tiền đổ vào mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã mang lại mức lợi nhuận “ăn bằng lần” chỉ trong thời gian ngắn, bất chấp doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan. Tuy nhiên, sức nóng của dòng tiền liệu có bền vững hay không khi bản chất của thị trường chứng khoán là “quay xe trong phút mốt”?
Trong hai năm gần đây (2020 - 2021), thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân và đã cán mốc 1.500 điểm. Trong đó, có rất nhiều cổ phiếu bất ngờ được đẩy giá lên rất cao, với nhiều phiên tăng trần liên tục, kích thích dòng tiền của nhà đầu cá nhân tham gia với hy vọng “ăn theo game” của doanh nghiệp.
Cổ phiếu “trà đá” có xu hướng thu hẹp
Trong “cơn say” tăng giá của cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, khái niệm về doanh thu, lợi nhuận, tiềm năng tăng trưởng… đều được nhà đầu tư bỏ qua và chạy theo cuộc đua của “ba chữ cái” với quan điểm “cổ phiếu tăng giá mới là cổ phiếu tốt”. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đua theo hiệu ứng FOMO - sợ bỏ lỡ cơ hội với những cổ phiếu cứ mở cửa là đã tăng mạnh với hàng triệu lệnh mua chực chờ.
Trong khi các kênh đầu tư khác ít hấp dẫn hơn trước thì dòng tiền đầu cơ ồ ạt chảy vào thị trường chứng khoán đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu đầu cơ. Điều này làm cho nhiều cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ đua nhau tăng tính bằng lần, thậm chí hàng chục lần trong năm 2021 bất chấp kết quả kinh doanh “bết bát”.
Theo đó, số lượng cổ phiếu có thị giá dưới 3.000 đồng/cp đang có xu hướng thu hẹp lại cùng với thanh khoản của nhiều cổ phiếu cải thiện hơn nhiều so với năm 2020.
Nếu như cuối năm 2020, toàn thị trường có 160 mã cổ phiếu có thị giá dưới 3.000 đồng thì đến thời điểm ngày 21/12/2021 giảm xuống chỉ còn 58 cổ phiếu với 30 mã tăng giá trên 100% và chỉ có 5 mã giảm giá.
Trong đó, trên sàn HoSE hiện không ghi nhận bất kỳ cổ phiếu nào có thị giá dưới 3.000 đồng/cp và sàn HNX chỉ có 1 mã nằm trong số này, còn lại là trên sàn UpCoM.
Theo lý giải của ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI, hiệu ứng đầu tư FOMO theo những con sóng đầu cơ đến từ nhiều nguyên do.
Trước hết là bởi tâm lý đánh nhanh thắng nhanh và chốt lãi thời điểm cuối năm. Nếu như các nhà đầu tư tổ chức hay quỹ ngoại thường “làm đẹp” danh mục bằng cách bán cổ phiếu xấu và mua thêm cổ phiếu tốt, thì nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng cho rằng "tỷ lệ tăng giá quyết định đến giá trị của cổ phiếu".
Bên cạnh đó, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư F0 đang mất dần niềm tin vào cổ phiếu cơ bản do hiệu suất về lãi và thời gian.
Không chỉ vậy, hiện nay, thị trường xuất hiện sự không đồng nhất giữa danh mục đầu tư cơ bản, giá trị từ những công ty chứng khoán và khuyến nghị của các nhóm chat (room). Trong khi các room đưa ra cổ phiếu tăng gấp 3, gấp 4 lần trong thời gian ngắn thì danh mục khuyến nghị từ các công ty chứng khoán vẫn chìm trong sắc đỏ. Vì vậy, những nhà đầu tư vốn theo quan điểm đầu tư cơ bản cũng phải suy nghĩ khác và FOMO theo những "con sóng" đầu cơ.
Vẫn thiếu sự bền vững
Trước “cơn điên” của dòng tiền đầu cơ này, nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng nóng của dòng cổ phiếu penny đang thiếu sự bền vững.
“Về bản chất, thị trường chứng khoán là "chóng nở sẽ sớm tàn” và đây là một vấn đề hết sức đơn giản nhưng ít nhà đầu tư chú ý", ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận xét về thị trường trong vòng 21 năm hình thành và đi lên.
Thực tế cho thấy, trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu thị giá thấp đã tăng gấp hàng chục lần chỉ trong thời gian ngắn trước khi rơi tự do khiến nhà đầu tư lỗ nặng.
Đơn cử như cổ phiếu TGG của Louis Capital (TGG) đã nổi lên như một hiện tượng trong trong thời gian vừa qua. Với mức thị giá chỉ 1.170 đồng/cp vào cuối năm 2020 và nhanh chóng tăng vọt lên mức 74.800 đồng/cp vào phiên 22/9/2021 - tương ứng tăng gấp 64 lần. Chốt phiên ngày 23/12, thị giá của TGG giảm sàn chỉ còn 23.250 đồng/cp.
Tương tự, những cổ phiếu IDI, SJF, TNI, LIC... đã có thời điểm được tung hô như “những món quà của thượng đế” sau nhiều phiên tăng mạnh đột biến cũng đã quay đầu rơi tự do, thậm chí nhiều mã còn thường xuyên gặp tình trạng “trắng bên mua”, khiến nhà đầu tư lỡ "đu đỉnh" cũng rất khó để cắt lỗ.
Được biết, phía sau những cổ phiếu giảm sàn la liệt đó là hàng loạt nhóm chat đặc biệt đã được lập ra, liên tục cung cấp thông tin “mật” về những cổ phiếu đang tăng nóng trên thị trường. Theo đó, đông đảo nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư mới rất hào hứng tham gia các nhóm này. Và khi những cổ phiếu này giảm sàn liên tục cùng với việc mất thanh khoản, nhà đầu tư chợt “vỡ lẽ” thì cũng là lúc những nhóm chat này lần lượt biến mất.
“Nguyên nhân chính là do những nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiếu thông tin và rất khó tiếp cận nguồn thông tin chính thống”, ông Phạm Lưu Hưng nhận định.
Theo một chuyên gia trong giới phân tích, giới hạn giữa đầu tư và đầu cơ rất mong manh, chỉ là quan điểm và lựa chọn của mỗi người. Vấn đề lớn nhất đối với nhà đầu tư là chiến thắng chính bản thân mình, tránh xa được những cám dỗ khi ngồi nhìn một cổ phiếu tăng quá nóng.
Đứng trên lập trường của một nhà đầu tư tham gia thị trường lâu năm, chị Thanh Vân (Hoàn Kiếm) cho rằng, không thể phủ nhận đầu cơ là một cuộc chơi mang lại nhiều cung bậc đầy cảm xúc. Nếu không có đầu cơ thì không có chứng khoán.
Tuy nhiên, "nhà đầu tư chỉ nên đầu cơ khi đã có đủ kinh nghiệm, tài chính vững, hiểu biết rõ về phân tích kỹ thuật, nhạy bén với thị trường, nhất là phải biết phân bổ nguồn vốn theo tỷ lệ đầu cơ và đầu tư một cách khoa học mới có khả năng không bị những “con sóng” nhấn chìm", chị Vân nói.