Công bố thông tin bằng tiếng Anh giúp nâng tầm thị trường chứng khoán Việt

Tuấn Thủy

Công bố thông tin bằng tiếng Việt đồng thời bằng tiếng Anh giúp xây dựng hình ảnh công ty đại chúng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế, cũng bước đệm cho nâng hạng thị trường chứng khoán.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và pháp luật) đã có những trao đổi với Tạp chí Tài chính về quy định ngôn ngữ công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh đối với các công ty đại chúng từ ngày 01/01/2025.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và pháp luật)
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Viện Nhà nước và pháp luật)

Phóng viên: Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Điều 5 Thông tư số 96/2020/TT-BTC về ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, buộc các công ty đại chúng công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh từ năm 2025. Ông đánh giá thế nào sự điều chỉnh, sửa đổi này?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Tôi cho rằng quy định này cần thiết và phù hợp. Thứ nhất, nó thể hiện cam kết hội nhập và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng minh bạch và chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế. Thứ hai, cũng từ điều này, nó góp phần thu hút nguồn vốn ngoại và tạo thuận lợi cho giao dịch của các nhà đầu tư quốc tế. Thứ ba, trong khi các thị trường trong khu vực vốn dĩ đã thực hiện công bố song ngữ từ lâu, với động thái này sửa đổi này, thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào đó sẽ trở nên hấp dẫn hơn, trước hết là so với chính chúng ta trước đó. Từ đó, từng bước thu sự quan tâm dòng vốn ngoại đang có mặt trong khu vực và sau đó là toàn cầu. Thứ tư công bố thông tin bằng tiếng Anh giúp các công ty đại chúng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp hơn, đặc biệt khi tìm kiếm đối tác hoặc huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Cố nhiên, không phải có tiếng Anh, kể cả tiếng Anh chuẩn mực, chất lượng dịch thuật cao là thị trường tăng trưởng ngay lập tức, tiền chảy vào ồ ạt luôn được. Nó chỉ là điều kiện cần, là điều kiện tối thiểu để các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và làm cho họ ra quyết định tốt hơn trong đầu tư. Chúng ta muốn làm lớn, nhưng cái tối thiểu mà bỏ qua thì không thể làm được gì cả.

Phóng viên: Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc công bố thông tin bằng tiếng Việt của nhiều công ty đại chúng còn gặp khó, vậy khi buộc phải công bố thông tin bằng song ngữ, họ có thể gặp phải những khó khăn gì?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Chắc chắn là có không ít thách thức, đặc biệt là chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp, họ sẽ phải dành một chi phí đáng kể cho việc chuyển ngữ và rà soát các thông tin bằng tiếng Anh này. Trong lúc công bố thông tin bằng tiếng Việt đôi khi còn có những khó khăn, có sai sót, nay lại thêm bản tiếng Anh thì dễ thấy là các doanh nghiệp đó sẽ gặp khó khăn hơn.

Ngoài ra, những rủi ro dịch thuật và tính chính xác của thông tin cũng là một thách thức không nhỏ. Sự khác biệt giữa hai bản tiếng Việt và tiếng Anh có thể dẫn đến mâu thuẫn hoặc hiểu nhầm thông tin. 

Một khó khăn nữa là đối với các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm quốc tế hóa. Các công ty hoạt động chủ yếu ở thị trường nội địa, chưa quen với việc giao tiếp quốc tế, có thể gặp khó khăn khi thực hiện yêu cầu này.

Tuy vậy, phải thấy rằng đây không còn là quy định quá mới, dù trước đây theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc công bố bằng tiếng Anh, bên cạnh bản tiếng Việt chính thức chỉ là quy định có tính khuyến khích. Dù vậy, doanh nghiệp muốn gọi vốn từ tất cả các nguồn thì việc làm cho khối ngoại biết đến mình thông qua việc công bố thêm bản dịch tiếng Anh là điều nên làm.

Để bảo đảm quy định mới được tuân thủ tốt mà không gây thêm nhiều khó khăn, theo tôi, cần thiết thực hiện theo từng bước, ngoài lộ trình được quy định tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC.

Theo đó, trước hết là việc hỗ trợ tập huấn và hướng dẫn doanh nghiệp công bố thông tin song ngữ. Điều này chắc chắn cũng làm phát sinh chi phí đối với cả Nhà nước trong thời gian đầu nhưng về bản chất, nó là quan hệ cùng có lợi. Nó không chỉ bảo đảm quy định mới được tuân thủ mà còn tạo cơ hội gia tăng các giao dịch, từ đó, người hưởng lợi có cả nhà nước từ các khoản thuế, phí. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có thể xây dựng trung tâm hỗ trợ dịch thuật cho doanh nghiệp, xây dựng bộ từ vựng chuẩn (glossary) trong công bố thông tin.

Phóng viên: Vậy làm thế nào để cơ quan quản lý giám sát hiệu quả việc tuân thủ quy định công bố thông tin song ngữ, thưa ông?

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương: Đây là một câu hỏi khó có thể trả lời chi tiết. Tuy nhiên, về mặt tư duy, cần xác định ngay từ đầu là việc giám sát tuân thủ không phải để xử phạt vi phạm, mặc dù luôn cần phải xử phạt vi phạm. Mục đích của quy định là hướng đến phát triển một thị trường minh bạch, lành mạnh và hiệu quả, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Xác định ngay từ đầu như vậy làm chúng ta có cách tiếp cận cởi mở hơn với các nghiệp vụ hướng dẫn, điều hành của cơ quan quản lý. 

Thứ nhất, để giám sát hiệu quả, cơ quan quản lý cần có hệ thống quản lý thông tin tập trung thông qua việc xây dựng nền tảng công bố thông tin trực tuyến. Các công ty đại chúng nộp thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh qua nền tảng này. Nền tảng này sẽ kiểm tra tự động xem doanh nghiệp đã nộp đầy đủ cả hai phiên bản ngôn ngữ chưa.

Đó là việc kiểm tra tính “đủ”, cơ quan quản lý cũng có thể từng bước kiểm tra tính “đúng” của các tài liệu bằng cách tích hợp công nghệ phân tích ngôn ngữ (Natural Language Processing - NLP) để phát hiện lỗi cơ bản như thiếu thông tin hoặc sự khác biệt giữa hai phiên bản.

Thứ hai, quy trình kiểm tra định kỳ cần được thiết lập. UBCKNN có thể yêu cầu các công ty nộp báo cáo định kỳ về việc công bố thông tin song ngữ. Các báo cáo này sẽ được kiểm tra ngẫu nhiên để đảm bảo tính chính xác.

Thứ ba, cơ chế xử phạt nghiêm minh. Chúng ta nói việc xử phạt không phải mục đích của kiểm tra nhưng vẫn phải xử phạt để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền. Các vi phạm không công bố đúng hạn, không đủ hai ngôn ngữ, hoặc thông tin thiếu chính xác, nếu phát hiện, đều phải xử lý và công khai vi phạm lên trang web của cơ quan quản lý.

Thứ tư, tập huấn và cung cấp tài liệu. Thực ra đây là biện pháp cần làm trước tiên. Cơ quan quản lý nên tổ chức các buổi tập huấn cho doanh nghiệp, hướng dẫn cách thức công bố thông tin song ngữ một cách chuẩn xác; cung cấp mẫu biểu và tài liệu tham khảo về cách trình bày thông tin song ngữ. Đồng thời, các hỗ trợ kỹ thuật cũng cần triển khai để giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy định và yêu cầu công bố thông tin.

Việc giám sát hiệu quả không chỉ dừng lại ở xử phạt mà cần kết hợp cả công nghệ, quy trình kiểm tra minh bạch và sự hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp. Khi thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, cơ quan quản lý có thể đảm bảo quy định công bố thông tin song ngữ được thực thi nghiêm túc và đạt mục tiêu tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!