Công bố Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023


Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) năm 2023 vừa được công bố sáng 08/9 với vị trí Top 1 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Top 1 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam thuộc về Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam.

Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 
Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 

Cùng lọt vào Top 3 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 còn có Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 
Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 

Cùng lọt vào Top 3 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam còn có Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và Ngân hàng TMCP Á Châu.

Dù chưa thể quay về mức cao như trước đại dịch, song so với năm trước, tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 trong năm 2023 đã có sự cải thiện tương đối đồng đều ở cả ba khu vực kinh tế.

Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 giai đoạn 2019-2023. Nguồn: Vietnam Report
Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 giai đoạn 2019-2023. Nguồn: Vietnam Report

Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu ở mức 13,7%, đồng thời là mức tăng mạnh nhất giữa 3 khu vực (+2,7% so với năm 2022), cho thấy sự ổn định trong hoạt động kinh doanh và khả năng tạo lợi nhuận từ tài sản. 

Vị trí của các doanh nghiệp khu vực tư nhân và khu vực nhà nước không có sự xáo trộn và đều có sự gia tăng so với 2 năm qua, khi doanh nghiệp khu vực tư nhân và doanh nghiệp khu vực nhà nước lần lượt ghi nhận tỷ lệ ROA bình quân ở mức 11,2% và 9,2%, tương ứng xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba.

Năm 2023 cũng chứng kiến sự thay đổi đáng chú ý trong tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500. Khu vực FDI và khu vực tư nhân thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hiệu suất tài chính và quản lý vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp khi lần lượt tăng 4,6% và 5,5% so với kết quả năm 2022, qua đó, ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 giai đoạn 2019-2023. Nguồn: Vietnam Report
Thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 giai đoạn 2019-2023. Nguồn: Vietnam Report

Mặt khác, dù có tỷ lệ ROE bình quân tăng từ 16,5% năm ngoái lên 17,2% trong năm nay song sự cải thiện này của khu vực nhà nước vẫn chưa rõ rệt và khá nhẹ so với hai khu vực còn lại, do đó, có năm thứ hai liên tiếp đứng ở vị trí thứ ba.

Nhìn chung, bức tranh ROA và ROE bình quân của các doanh nghiệp thuộc bảng xếp hạng PROFIT500 đều có sự khởi sắc hơn so với năm 2022.

"Đây là nỗ lực rất lớn và xứng đáng được tôn vinh của các doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao hiệu suất tài chính. Qua đó tạo ra sự khác biệt đáng kể với phần còn lại của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh chung vô cùng khó khăn của giai đoạn từ đầu năm 2023 đến nay" - ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report nhấn mạnh.

Theo Báo Kiểm toán