Phải ưu tiên tăng “chất” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, việc tăng chất cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không thể là hành động trong "ngày một ngày hai" mà phải cần có một quá trình xây dựng và hình thành văn hóa thị trường về tính chuyên nghiệp, minh bạch của doanh nghiệp phát hành.
Phóng viên: Được đánh giá là một kênh dẫn vốn hết sức quan trọng của nền kinh tế, làm sao để TPDN quay lại quỹ đạo phát triển tốt như trước đây, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Vào thời điểm đỉnh cao giữa năm 2022, thị trường TPDN có tốc độ phát triển chóng mặt về lượng, với tổng dư nợ đạt quy mô giá trị lưu hành gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 14% GDP năm 2021 và 12% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.
Sau một số diễn biến phức tạp trên thị trường, giá trị phát hành giảm sút nghiêm trọng. Quy mô thị trường TPDN đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng trên 10% GDP năm 2022 và tiếp tục thu hẹp xuống dưới một triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây chính là thời điểm để thay đổi "chất" thị trường theo hướng phát triển cách bền vững thay vì chỉ chạy theo lượng. Phải ưu tiên tăng “chất” cho thị trường mới có cơ sở để tăng “lượng”, từ đó, thị trường mới đi vào quỹ đạo tốt.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về “chất” của thị trường TPDN?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Chất của thị trường chính là tính minh bạch của thị trường, của các tổ chức phát hành. Nhà đầu tư khó “xuống tiền” nếu doanh nghiệp phát hành không minh bạch.
Đối với những doanh nghiệp phát hành ra công chúng, tức là huy động vốn từ tất cả các thành phần trong nền kinh tế, quyền lợi của họ luôn phải đi liền với trách nhiệm. Tức là quyền lợi được tiếp cận với công chúng thì phải có trách nhiệm minh bạch thông tin trước khi phát hành. Các trái phiếu được chào bán ra công chúng nên được xếp hạng tín nhiệm độc lập như thông lệ một số thị trường trái phiếu có mức độ phát triển cao hơn trong khu vực.
Với xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp có thể tiếp cận được các thị trường vốn trong nước và quốc tế. Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm giúp cho doanh nghiệp có động lực nâng dần tình minh bạch. Tính minh bạch không thể "tuyệt đối hóa" trong vòng 1 năm hay 2 năm hay chỉ cần đưa ra một ý tưởng là sẽ chuyển toàn bộ nền kinh tế hay thị trường này sang thị trường khác chất hơn. Xây dựng một thị trường chất hơn, minh bạch hơn là một quá trình cần có thời gian, phải có một giai đoạn dần dần chuyển giao.
Phóng viên: Nói về xếp hạng tín nhiệm, dường như việc này chưa được chú ý nhiều tại Việt Nam. Ông có thể giải thích lý do tại sao?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Nhu cầu của nền kinh tế nói chung và của thị trường, của các doanh nghiệp tại Việt Nam nói riêng đối với xếp hạng tín nhiệm hiện tương đối thấp. Có thể vì trình độ phát triển của thị trường và một số cơ chế chính sách có liên quan, cũng như hiểu biết và nhận thức của các doanh nghiệp và hạ tầng của thị trường trong việc cung cấp các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm còn một số hạn chế. Thị trường mới ở quá trình bước đầu xây dựng và phát triển hạ tầng này.
Hầu hết các tổ chức phát hành, nhà đầu tư trong nước chưa có thói quen, chưa tiếp cận nhiều đối với dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Vì vậy, việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với các tổ chức phát hành hiện còn khá hạn chế, chưa kể đến những phát sinh thêm về thời gian, thủ tục, chi phí… khiến doanh nghiệp không “mặn mà” với xếp hạng tín nhiệm. Thực tế, điều này cũng phản ánh trình độ phát triển triển của thị trường.
Phóng viên: Ông có đề xuất gì để tăng chất cho thị trường TPDN, giúp thị trường phát triển mạnh cả về chiều sâu thay vì chỉ phát triển mỗi chiều rộng?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Nói chung, xếp hạng tín nhiệm thị trường là một yếu tố vô cùng quan trọng, không chỉ thực hiện trong "ngày một ngày hai" mà là cả quá trình xây dựng và hình thành văn hóa về tính chuyên nghiệp, tính minh bạch của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường vốn tốt hơn, với một chi phí vốn thấp hơn, thời gian tiếp cận vốn ngắn hơn và quy mô vốn huy động sẽ được nhiều hơn.
Ở Việt Nam, hiện nay chủ yếu chỉ có các tổ chức phát hành lớn hàng đầu như các ngân hàng thương mại, các tập đoàn lớn chủ động và tự nguyện sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của các công ty xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới như Moody’s, Standard & Poor's, Fitch Ratings… Như vậy, những doanh nghiệp, ngân hàng này này có thể tiếp cận vốn từ thị trường quốc tế nhờ tính minh bạch thông tin của mình.
Phóng viên: Đó là những doanh nghiệp, tập đoàn, ngân hàng lớn có thể sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Còn những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn thì sao?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Các doanh nghiệp không tự nhiên mà lớn ngay được, thông thường phát triển từ startup và cần có quá trình xây dựng và hình thành, phát triển để nâng dần năng lực của họ về vốn, quản trị, phát triển và vận hành hoạt động doanh nghiệp ở quy mô lớn dần.
Những doanh nghiệp này có cơ hội và điều kiện để liên tục hoàn thiện, phát triển và nâng dần quy mô cũng như hiệu quả hoạt động của họ, chứ ko phải chỉ có doanh nghiệp xếp hạng AAA+ mới là doanh nghiệp tốt. Các doanh nghiệp nhỏ thì ở mỗi quy mô, điều kiện khác nhau cũng nhau cũng như năng lực nhận thức và tình trạng khác nhau thì sẽ có nhận thức, nhu cầu và khả năng đáp ứng yêu cầu đó khác nhau.
Nếu như họ có được môi trường, cơ chế chính sách hướng dẫn tốt thì họ sẽ dần dần nâng được tầm của họ lên và họ có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn về quản trị, tiêu chuẩn về quản lý dn ở mức độ cao hơn. Vì vậy, việc hình thành lên các công ty xếp hạng tín nhiệm ở trong nước là một yếu tố hết sức cần thiết. Đấy là một trong những lý do mà ngay khi thành lập VBMA, chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ, thúc đẩy, hình thành công ty xếp hạng tín nhiệm.
Tôi nghĩ là đây không chỉ một dịch vụ thông thường mà là yếu tố mang tính giống như là cơ sở hạ tầng của thị trường để nó giúp cung cấp các sản phẩm dịch vụ, nâng tính minh bạch của thị trường lên.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!