Công khai dự toán để tiết kiệm, chống lãng phí

Theo Báo Hải quan

Chính phủ nhận định, qua hơn 7 năm thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), công tác THTK, CLP đã có những chuyển biến cơ bản, tiết kiệm từ chỗ thực hiện một cách thụ động đã chuyển sang chủ động; tình trạng lãng phí cũng dần được kiểm soát.

Công khai dự toán để tiết kiệm, chống lãng phí
Doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm để giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh. Nguồn: Internet

Tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách

Đặc biệt, Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật THTK,CLP của Chính phủ chỉ rõ: Công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán NSNN, nhiệm vụ chi được phân loại theo thứ tự ưu tiên, hạn chế bổ sung ngoài dự toán, ứng vốn; thực hiện chi tiêu theo tiêu chuẩn, định mức chế độ theo quy định.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã gắn kết hơn với các biện pháp THTK, CLP; các quy định của Luật NSNN, từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán NSNN đã được thực hiện khá nghiêm túc.

Quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và quy định của Luật THTK, CLP, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự toán NSNN bảo đảm đúng quy định; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi NSNN; đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án, chương trình, chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện công khai dự toán NSNN theo đúng quy định, bao gồm: dự toán NSNN theo cơ cấu chi; dự toán chi của từng Bộ, cơ quan Trung ương; dự toán thu, chi NSNN của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự toán chi từng Chương trình mục tiêu quốc gia,... Chế độ công khai tài chính được thực hiện nghiêm túc ở các cấp ngân sách, các cơ quan, đơn vị thụ hưởng NSNN, các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn NSNN, các quỹ có nguồn từ NSNN và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phân bổ dự toán thu, chi NSNN cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới đúng thời gian quy định; tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương. Từ năm 2006 đến 2012, tổng số tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị để thực hiện cải cách tiền lương là 11.543,7 tỷ đồng; trong đó khối cơ quan trung ương là 2.846 tỷ đồng, khối cơ quan địa phương là 8.697,7 tỷ đồng.

Trong điều hành thực hiện dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp THTK, CLP, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN; chủ động sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, được phân cấp; phân loại nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên; hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, ứng vốn; chấp hành đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành; đảm bảo nguồn chi cải cách tiền lương theo lộ trình được duyệt và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra...

Từ năm 2011, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng; tiết giảm chi phí xăng, dầu, điện, nước, văn phòng phẩm, chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước… theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011 tổng số kinh phí đã thực hiện tạm dừng mua sắm là 1.081,4 tỷ đồng, trong đó: ôtô 514,4 tỷ đồng, điều hoà nhiệt độ là 184,6 tỷ đồng, thiết bị văn phòng là 328 tỷ đồng và các tài sản khác là 54,3 tỷ đồng. Từ năm 2008 đến năm 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản tập trung là trên 467 tỷ đồng...

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, sử dụng NSNN được tăng cường, bảo đảm việc sử dụng vốn NSNN tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm, lãng phí. Từ 2006 - 2010, các đơn vị ngành Tài chính thực hiện 32.933 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 18.473 tỷ đồng, trong đó: thu hồi nộp NSNN 15.037 tỷ đồng; xử phạt hành chính 1.037 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 2.398 tỷ đồng. Từ 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống Kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp tiết kiệm trong quản lý NSNN, như: Tăng cường quản lý thu, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận, trốn lậu thuế; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế, hạn chế phát sinh nợ thuế mới; đẩy mạnh quản lý thu từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên, khoáng sản, xuất khẩu, nhập khẩu... nhằm chống thất thu NSNN, phấn đấu tăng thu NSNN so với dự toán được Quốc hội thông qua.

Để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trong DN

THTK, CLP trong doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong các DNNN được dư luận đồng tình. DN xác định là một trong những biện pháp để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, góp phần bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, ngăn ngừa suy giảm kinh tế.

Qua báo cáo của các tổng công ty 91/tập đoàn và báo cáo của bộ, ngành, địa phương cho thấy, hầu hết các DN đều xác định rõ việc THTK, CLP là một trong những biện pháp để nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của DN. Nhiều DNNN đã quan tâm nghiên cứu, xây dựng các định mức liên quan đến chi phí sản xuất đặc biệt là các chi phí gián tiếp để tăng cường quản lý, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời chấp hành nghiêm chế độ kiểm toán bắt buộc.

Bên cạnh việc chủ động đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh; DN đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm triệt để như chủ động rà soát các chi phí để cắt giảm chi phí không cần thiết; tăng cường quản lý định mức tiêu hao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đa dạng hoá nguồn nguyên liệu; triển khai các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; đồng thời đẩy mạnh rà soát, cắt giảm hoặc đình hoãn các dự án, công trình chưa thật sự cần thiết, chưa hiệu quả, chậm tiến độ.

Từ năm 2010 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của hậu quả suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận; tiếp tục bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Hầu hết các DN tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp THTK, CLP nhằm giảm chi phí, hạ giá thành; tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ quản lý của cán bộ, công nhân viên; điều hành kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với lịch cắt điện để giảm chi phí huy động thiết bị, giảm chi phí điện năng...

Trong đầu tư xây dựng, các DN thực hiện đấu thầu, chào hàng cạnh tranh đối với từng phần việc, từng hạng mục công trình của dự án, giảm thiểu các chi phí trong quá trình thực hiện các thủ tục của dự án, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án hoàn thành vào khai thác, sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản sản phẩm, tiết giảm từ 5% đến 10% chi phí quản lý. Tổng số tiền các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đăng ký tiết kiệm do tiết giảm chi phí năm 2012 là 12.587,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cũng quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng và triển khai tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

Công tác sắp xếp, cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước tiếp tục được triển khai nhằm tập trung nguồn lực để chi phối những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân được tăng cường... Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2011-2015 sẽ thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá đối với 899 DNNN, riêng năm 2012 là 93 DNNN.

Trong tuần này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Đồng thời, kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012 cũng được trình ra trước Quốc hội.