Công khai minh bạch các chi phí đầu vào do Nhà nước quản lý


Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tại Quốc hội về việc kiểm soát lạm phát, điều hành giá cả, trong đó có giá điện.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trước Quốc hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trước Quốc hội.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các giải pháp điều hành lạm phát từ nay tới cuối năm sẽ tập trung vào nhiệm vụ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ hàng đầu

Trong ba năm qua, Chính phủ đã liên tiếp kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%. Trong năm 2019, Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát “khoảng 4%”, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ đặt mục tiêu tích cực hơn là “dưới 4%”. Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ sau khi tính toán các yếu tố ở trong nước và tình hình giá cả thế giới trong dài hạn đã lựa chọn mục tiêu điều hành lạm phát năm nay từ 3,3- 3,9%.

Thực tế diễn biến CPI trong 5 tháng đầu năm 2019 theo đúng theo kịch bản được Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội đã giao. Cụ thể, CPI tháng 1/2018 tăng 0,1%, CPI tháng 2/2019 tăng 0,8%, CPI tháng 3/2019 giảm 0,21%, CPI tháng 4/2019 tăng 0,31%, CPI tháng 5 tăng 0,49%.

Bình quân 5 tháng đầu năm tăng CPI 2,74% so với cùng kỳ năm 2018 là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua (5 tháng đầu năm 2017 tăng 4,47%, năm 2018 tăng 3,01%).

Các giải pháp điều hành lạm phát từ nay tới cuối năm 2019

Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.

Thứ hai, chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện và biến động khó lường về cung cầu và chịu tác động lớn từ giá thế giới như thịt lợn, lương thực, xăng dầu, LPG; mặt hàng đang có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng.

Thứ ba, tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện. Điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá trong nước.

Thứ tư, tăng cường công tác dự báo, tính toán tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần được thực hiện với  mức độ và thời điểm phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm theo các kịch bản điều hành giá đã đề ra, hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.

Thứ năm, Chính phủ sẽ công khai minh bạch các chi phí đầu vào của hàng hóa do Nhà nước quản lý, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và xử lý nghiêm các sai phạm trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và kiểm soát lạm phát kỳ vọng.