Công khai thông tin hoạt động kiểm toán từ phía các doanh nghiệp kiểm toán
Nhằm giúp các bên liên quan có cái nhìn sâu sắc về chất lượng hoạt động kiểm toán, bên cạnh công khai các thông tin theo các quy định hiện hành, các công ty kiểm toán cần định lượng và đánh giá rõ ràng hơn các yếu tố chất lượng kiểm toán thông qua các chỉ số KPI (Key Performance Indicator) và các chỉ tiêu có liên quan đến các yếu tố chất lượng kiểm toán chung. Các thông tin này được đánh giá là quan trọng đối với các bên liên quan trong việc củng cố niềm tin của họ khi sử dụng báo cáo tài chính được kiểm toán, vì vậy, cần được bổ sung, trình bày công khai trong các báo cáo hằng năm của công ty kiểm toán.
Giới thiệu
Kiểm toán ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Kiểm toán viên và công ty kiểm toán bắt buộc phải đưa ra ý kiến dựa trên bằng chứng kiểm toán đã thu thập được trong quá trình kiểm toán. Dựa trên kết quả kiểm toán này, các bên liên quan sử dụng báo cáo tài chính và báo cáo của kiểm toán viên để đưa ra quyết định phù hợp.
Tuy nhiên, rất khó đánh giá chất lượng của cuộc kiểm toán và thông tin được trình bày trên báo cáo kiểm toán không cung cấp cho các bên liên quan sự hiểu biết đầy đủ về chất lượng của cuộc kiểm toán cũng như chất lượng kiểm toán nói chung của công ty kiểm toán. Vì vậy, trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban lãnh đạo của các công ty kiểm toán là đảm bảo hợp lý về việc liệu các cuộc kiểm toán của họ có được thực hiện tuân thủ các luật và quy định hiện hành hay không.
Để có thể đạt được sự đảm bảo hợp lý này, theo yêu cầu chuẩn mực nghề nghiệp, các nhà quản lý công ty kiểm toán cần thiết lập một hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ phù hợp (yêu cầu của Chuẩn mực kiểm soát chất lượng -VSQC1) và tổ chức kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán (yêu cầu của Chuẩn mực kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính- VSA 220). Ngoài ra, theo Thông tư số 183/2013/TT-BTC ngày 04/12/2013 yêu cầu các tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng phải công khai trên trang, cổng thông tin điện tử của tổ chức báo cáo minh bạch hàng năm.
Nội dung cơ bản của báo cáo minh bạch bao gồm các thông tin về cơ cấu tổ chức quản lý và loại hình doanh nghiệp; hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ; danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận; nội dung, lịch trình và phạm vi thực hiện kiểm tra, soát xét đảm bảo chất lượng trong năm; thuyết minh về việc đảm bảo tính độc lập của tổ chức kiểm toán; thuyết minh về tình hình đào tạo. Ngoài ra, còn cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên hành nghề như: các thông tin tài chính; thông tin về cơ sở xác định thu nhập cho Ban giám đốc.
Tuy nhiên, các thông tin trên chưa thể cung cấp cho các bên liên quan những hiểu biết sâu sắc về chất lượng hoạt động kiểm toán của công ty kiểm toán. Do vậy, các công ty kiểm toán cần phải lượng hóa và đánh giá rõ ràng hơn nữa các thông tin nhằm góp phần củng cố niềm tin của các bên liên quan về chất lượng hoạt động kiểm toán được cung cấp của công ty kiểm toán.
Bài viết này bàn về một số thông tin có liên quan mà công ty kiểm toán cần công khai trong báo cáo hoạt động của tổ chức hằng năm nhằm giúp người sử dụng thông tin hiểu biết cụ thể hơn về mức độ đầu tư và chất lượng kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của chính công ty kiểm toán cũng như toàn ngành kiểm toán nói chung.
Công khai thông tin trong báo cáo hằng năm của các công ty kiểm toán
Báo cáo về các yếu tố chất lượng kiểm toán cụ thể
Để đạt được các yêu cầu về chất lượng, trước tiên công ty kiểm toán phải xây dựng một số mục tiêu có thể định lượng liên quan đến các yếu tố cụ thể như: đầu tư (đầu vào) vào chất lượng, gắn chất lượng vào quy trình thực hiện kiểm toán (quy trình) và kết quả mong muốn (đầu ra). Trên cơ sở đó, các công ty kiểm toán cần đo lường và đánh giá chất lượng kiểm toán theo các yếu tố cụ thể. Khi báo cáo theo các yếu tố như vậy, các nhà hoạch định chính sách/ban quản lý của công ty kiểm toán cũng nêu rõ cách thức thực hiện nhằm đảm bảo công ty kiểm toán đã tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thận trọng theo yêu cầu của chuẩn mực nghề nghiệp.
Để có thể đo lường hiệu quả hoạt động và đánh giá tiến độ hướng tới việc đảm bảo chất lượng và các mục tiêu được xây dựng của công ty kiểm toán, mỗi công ty phải xác định được một số yếu tố chất lượng trong phạm vi doanh nghiệp mà trong tâm là các chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI).
Các KPI trong công ty kiểm toán cần được xây dựng theo từng chức danh công việc như: KPI cho chủ phần hùn (Partner), KPI cho giám đốc kiểm toán (Director), KPI cho chủ nhiệm kiểm toán (Manager), KPI cho trưởng nhóm kiểm toán (Senior), hay KPI cho trợ lý kiểm toán (Assistant). Khi xây dựng KPI cho mỗi vị trí công việc cần xác định rõ nhiệm vụ chính mà nhân viên cần đạt được. Nhân viên cần thực hiện những công việc gì để hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đầu ra tối thiểu mà mỗi nhiệm cần đạt được. Xác định các tiêu chí đo lường các mục tiêu đạt được. Khi đánh giá theo các KPI cần xác định KPI hiện tại của nhân viên và KPI chỉ tiêu. Đánh giá % thực hiện = KPI hiện tại/KPI chỉ tiêu x 100%.
Kết quả của việc đo lường và đánh giá các yếu tố chất lượng theo các KPI sẽ là nguồn thông tin phù hợp với các bên liên quan, những người mong muốn hiểu được các khoản đầu tư và hoạt động của công ty kiểm toán liên quan đến chất lượng kiểm toán.
Báo cáo về các yếu tố chất lượng kiểm toán chung
Ngoài việc hiện thực hóa một yếu tố chất lượng cụ thể theo yêu cầu của các chuẩn mực kiểm toán, điều quan trọng là các công ty kiểm toán phải báo cáo về các yếu tố cụ thể trên trong bối cảnh có yêu cầu cung cấp mô tả về hệ thống kiểm soát chất lượng trong báo cáo công khai hoạt động hằng năm. Điều này cũng sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về chất lượng kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán.
Khi báo cáo về các yếu tố chất lượng chung, điều quan trọng là các công ty kiểm toán phải giải thích tham vọng của họ, về chất lượng kiểm toán, các hành động nhằm đạt được tham vọng đó. Để cung cấp cho các bên liên quan một bức tranh toàn cảnh về quan niệm của công ty kiểm toán về chất lượng và hệ thống kiểm soát chất lượng của công ty. Công ty kiểm toán đó phải cung cấp thông tin liên quan đến các khoản đầu tư (đầu vào) vào chất lượng, việc đưa chất lượng vào quá trình thực hiện kiểm toán (quy trình) và kết quả mong muốn (đầu ra).
Đầu vào
Đối với một công ty kiểm toán, các khoản đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng hoạt động kiểm toán là đầu tư vào con người, thời gian dành cho các cuộc kiểm toán, công nghệ và phương pháp luận. Các công ty kiểm toán cần cung cấp thông tin chi tiết về các khoản đầu tư mà công ty thực hiện trong các lĩnh vực này. Các công ty kiểm toán ít nhất phải xem xét những vấn đề sau:
- Xác định số giờ tham gia làm việc của chủ phần hùn/giám đốc dưới dạng tỷ lệ phần trăm trên tổng số giờ thực hiện mỗi hợp đồng kiểm toán;
- Các khoản đầu tư vào công nghệ và phương pháp luận vì lợi ích của cuộc kiểm toán do công ty kiểm toán thực hiện, Các khoản đầu tư phải được xác định theo tỷ lệ phần trăm của doanh thu kiểm toán hàng năm;
- Số giờ trung bình dành cho đào tạo và huấn luyện trên mỗi nhân viên (đào tạo nội bộ và bên ngoài);
- Thu nhập của nhân viên, chẳng hạn: thông tin về thu nhập theo chức năng, số năm kinh nghiệm hoặc phân biệt khoảng cách thu nhập giữa nhân lực chủ chốt và nhân viên khác;
- Kết quả khảo sát sự hài lòng của nhân viên về các khía cạnh liên quan đến huấn luyện và chất lượng kiểm toán.
Trong quá trình tiến hành kiểm toán, công ty kiểm toán xây dựng các biện pháp kiểm soát để đảm bảo chất lượng của các cuộc kiểm toán được thực hiện. Để cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán của công ty kiểm toán; Các công ty kiểm toán cần xác định một số thông tin chi tiết về các biện pháp quan trọng nhất và cách thức theo đó công ty giám sát việc thực hiện các biện pháp này.
Các công ty kiểm toán ít nhất phải xem xét những vấn đề sau:
-Sử dụng số giờ FTE (Full Time Equivalent) hoặc số giờ dành cho việc hỗ trợ kiểm toán (các vị trí hỗ trợ kỹ thuật).
FTE = Workload (Khối lượng công việc tính theo giờ)/ Working time norm (Định mức thời gian làm việc)
Các chỉ tiêu này có thể được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm của tổng số FTE hoặc số giờ kiểm toán.
- Số giờ tư vấn trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán theo tỷ lệ phần trăm của số lượng hợp đồng kiểm toán;
- Số giờ dành cho soát xét chất lượng kiểm toán trước khi phát hành báo cáo của kiểm toán viên trên tổng số giờ dành cho các hợp đồng kiểm toán (dưới dạng tỷ lệ phần trăm);
- Tỷ lệ phần trăm số giờ mà các chuyên gia công nghệ thông tin và các chuyên gia khác dành cho các hợp đồng kiểm toán.
Đầu ra
Bên cạnh xác định các thông tin về đầu vào và quy trình, công ty kiểm toán cần cung cấp thông tin về kết quả đầu ra. Các công ty kiểm toán ít nhất phải xem xét những vấn đề sau:
- Số lần đánh giá chất lượng nội bộ và bên ngoài được thực hiện sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số báo cáo kiểm toán đã phát hành và kết quả của các đánh giá chất lượng này.
- Số vụ vi phạm quy tắc độc lập được báo cáo nội bộ, tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số nhân viên. Tính khách quan, độc lập của kiểm toán viên là điều kiện trước hết để đảm bảo ý nghĩa và giá trị sử dụng của dịch vụ kiểm toán độc lập. Ý kiến kiểm toán đưa ra không làm tăng thêm lượng thông tin cho người sử dụng kết quả kiểm toán mà chỉ đảm bảo cho những đối tượng này về tính trung thực hợp lý của các báo cáo tài chính mà họ được cung cấp. Vì vậy, những người sử dụng kết quả kiểm toán chỉ thật sự hài lòng và thoả mãn khi họ tin tưởng rằng ý kiến kiểm toán đưa ra dựa trên các cơ sở đảm bảo tính độc lập khách quan của kiểm toán viên.
- Số lượng các sai sót cơ bản được điều chỉnh theo các báo cáo tài chính có sai sót đã được tổ chức kiểm toán thực hiện, tính theo tỷ lệ phần trăm của số lượng báo cáo kiểm toán đã phát hành. Chỉ tiêu này thể hiện giá trị gia tăng mà kiểm toán viên có thể cung cấp cho đơn vi được kiểm toán. Vì trách nhiệm của các kiểm toán viên là phải đảm bảo rằng báo cáo tài chính đó không có sai sót trọng yếu. Và nếu có sai sót, kiểm toán cần chỉ ra để đơn vị sửa chữa và điều chỉnh hoặc là cơ sơ cho việc không đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần. Đó chính là cơ sở để các nhà quản lý đơn vị tin tưởng và đặt hy vọng vào những phát hiện và những kiến nghị đóng góp của kiểm toán viên theo đó có thể sửa đổi và đảm bảo rằng báo cáo tài chính của họ là trung thực và hợp lý. Hơn nữa, thông qua những phát hiện và kiến nghị đóng góp của kiểm toán viên các nhà quản lý đơn vị có thể hoàn thiện hệ thống kiểm soát của mình và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính kế toán của đơn vị.
Kết luận
Đề nâng cao chất lượng kiểm toán cho các công ty kiểm toán, cần thiết phải yêu cầu công ty kiểm toán tăng cường công khai minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động kiểm toán. Trong đó, công khai thông tin về đo lường và đánh giá kết quả thực hiện công việc theo các chỉ số KPI cụ thể và thông tin liên quan đến các yếu tố chất lượng kiểm toán chung là đặc biệt quan trọng.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 214/2012/TT-BTC về việc ban hành hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam;
- Bộ Tài chính (2013), Thông tư số 183/2013/TT-BTC về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng;
- Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 157/2014/TT-BTC quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán;
- Hà Thị Ngọc Hà (2012), Mô hình kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kiểm toán số 2/2012;
- Quốc hội (2011), Luật số: 67/2011/QH12, Luật Kiểm toán độc lập.