Cộng lực cho tăng trưởng kinh tế
(Tài chính) Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2013 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, mặc dù giai đoạn 2011-2013, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng trở lại song tốc độ tăng trưởng vẫn thấp so với tiềm năng và thấp hơn các nước trong khu vực.
Nguyên nhân là do năng suất lao động gia tăng chậm, hiệu quả đầu tư giảm sút. Tỷ lệ xuất khẩu (XK)/GDP của Việt Nam không được cải thiện nhiều do tỷ trọng XK của các thành phần kinh tế trong nước ngày càng giảm, tỷ trọng XK của các DN FDI tăng từ dưới 50% (năm 2000) lên 61,4% (năm 2013).
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, thực trạng quá trình tái cấu trúc đầu tư ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều vấn đề bất cập khi mà khu vực tư nhân chỉ tăng được mức đóng góp vào tổng vốn đầu tư xã hội từ 22,88% năm 2000 lên 37,6% năm 2013 và đầu tư công vẫn chiếm tỷ trọng cao. Cùng với đó, vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, giá trị nợ xấu hiện vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng.
Về chất lượng hoạt động của khối DN, Việt Nam có gần 77 nghìn DN thành lập mới trong năm 2013, số DN giải thể và ngừng hoạt động trong năm là gần 61 nghìn DN, trong khi số DN khó khăn hồi phục hoạt động trở lại chỉ khoảng 14 nghìn DN, con số trên phần nào cho thấy những khó khăn mà DN vẫn đang phải đối đầu.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
Về chất lượng hoạt động của khối DN, năm 2013, Việt Nam có gần 77 nghìn DN thành lập mới, gần 61 nghìn DN giải thể và ngừng hoạt động, trong khi chỉ khoảng 14 nghìn DN khó khăn hồi phục hoạt động trở lại. Điều đó cho thấy rất nhiều DN vẫn đang phải đối đầu với khó khăn.
Chiến lược phải phát huy được lợi thế
Theo các chuyên gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải được nghiên cứu trao đổi ở nhiều phương diện. Chỉ có sự cộng hưởng giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với chiến lược phát triển DN mới có thể giúp Việt Nam thành công trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế.
Về cơ bản, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của các DN. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo ra những động lực thúc đẩy sự chuyển dịch trong chiến lược kinh doanh của DN đồng hướng và đồng tốc với chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - cho rằng, nếu Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển kinh tế mà chỉ tập trung vào những ngành Chính phủ muốn mà DN không quan tâm thì sẽ không thu hút được đầu tư và như vậy, chiến lược sẽ không thành. Thực tế, sự chuyển dịch cơ cấu của các DN Việt Nam những năm gần đây với những thực tế không được như mong đợi của các nhà hoạch định chính sách. Đó là sự bế tắc về công nghệ, các DN nhỏ và vừa không lớn được, vai trò hạn chế của DN trong tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
Theo ông Tuyển, Chính phủ cần ưu tiên thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp với mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia thông qua hoạt động tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu DN nhà nước, xác lập sứ mệnh mới của các DN nhà nước, thực hiện vai trò dẫn dắt của DN nhà nước với nền kinh tế.